Fed tăng lãi suất:

Nan giải bài toán tỷ giá và lãi suất

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần thứ hai trong vòng ba tháng tăng lãi suất cơ bản đồng USD cho thấy kịch bản tăng như cơ quan này đã đề ra đang dần dần rõ nét. Tác động của chính sách này không còn gây phản ứng bất ngờ đối với thị trường tài chính quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhưng về lâu dài, cũng trở thành một thách thức cho mục tiêu giữ ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Nan giải bài toán tỷ giá và lãi suất

Áp lực tăng tỷ giá trong dài hạn

Khác với lần tăng hồi cuối năm 2016, đợt tăng lãi suất đồng USD của Fed trong trung tuần tháng 3 vừa qua không có nhiều tác động ngay lập tức đến thị trường. Trái ngược với sự lên giá của lần tăng trước, giá USD lại quay đầu sụt giảm so với các đồng tiền chủ chốt khác. Cụ thể đến nay, giá trị đồng USD đã giảm ở tuần thứ ba liên tiếp. Chỉ số DXY giảm xuống 99,7 điểm, trở lại dưới ngưỡng 100 điểm và là mức thấp nhất trong gần hai tháng. Tỷ giá USD cũng đồng loạt giảm so với các ngoại tệ chính, cụ thể giảm -0,56% so với EUR, -1,43% so với JPY, -0,73% so với GBP và -0,65% so với CHF. Tỷ giá trung tâm của NHNN và tại các NHTM cũng bám sát diễn biến thị trường quốc tế khi thường xuyên giữ xu hướng giảm làm chủ đạo. Ngày 27-3, mặc dù NHNN giữ nguyên niêm yết tỷ giá trung tâm tại mức 22.256 đồng/USD, giá bán cũng không thay đổi ở mức 22.874 đồng/USD. Nhưng trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá đóng cửa tại mức 22.774 đồng/USD, giảm 10 đồng so với phiên trước đó. Tỷ giá trên thị trường tự do cũng giảm 15 đồng ở cả hai chiều, giao dịch quanh mức 22.765 - 22.780 đồng/USD.

Lý giải điều này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, khả năng Fed tăng lãi suất đã được tính toán từ trước nên không gây “sốc” cho các nhà đầu tư và thị trường. Theo chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực, nhiều nhà đầu tư đã dự báo việc Fed sẽ tăng lãi suất từ trước đó và trong suốt một tháng trước thời điểm Fed chính thức tăng thì kỳ vọng này cũng đã được phản ánh vào sự tăng giá của đồng USD trên thị trường. Và khi kỳ vọng của nhà đầu tư được hiện thực hoá bằng quyết định của Fed thì giá USD lại không tăng nữa.

Tuy nhiên, sau quyết định này thì thông điệp của Fed là sẽ tăng lãi suất từ từ; đồng thời giữ nguyên dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm hai lần nữa trong năm nay và ba lần trong năm 2018. Điều này cũng cho thấy khả năng khá lớn cho việc giá USD biến động theo xu hướng đi lên trong tương lai. Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải cũng đưa ra nhận định: Việc Fed tăng lãi suất không tác động tới Việt Nam trong ngắn hạn vì thị trường đã tính toán trước. Nhưng về lâu dài, khi lãi suất đồng USD tăng lên, xu hướng chung của các đồng tiền trong khu vực trong sáu tháng đầu năm sẽ mất giá so với đồng USD trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại. “Khi kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu thì cần phải chú ý tới biến động của các đồng tiền trong khu vực để bảo đảm Việt Nam không bị mất lợi thế cạnh tranh. Rủi ro về áp lực dòng tiền nóng chảy ra do chênh lệch lãi suất ở Việt Nam sẽ không cao nhưng tác động âm thầm và dài hơi hơn là tác động trong xuất nhập khẩu là điều cần kiểm soát” - ông Phạm Hồng Hải lưu ý.

Ngoài ra, triển vọng tăng lãi suất của Fed từ nay đến cuối năm cũng sẽ làm tăng xu hướng đảo chiều của dòng vốn gián tiếp ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam; cũng như làm giảm tính hấp dẫn của VND. Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) Nguyễn Đức Thành, việc Fed tăng lãi suất cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý cũng như động thái của thị trường. “Để ứng xử những trường hợp như thế này, Việt Nam phải thay đổi tỷ giá, nghĩa là làm cho VND yếu đi một chút để giữ lợi thế về xuất khẩu. Mặt khác, cũng có thể vẫn chọn theo hướng giữ đồng USD để tỷ giá ổn định, nhưng như vậy sẽ phải tăng lãi suất huy động đối với VND. Nhưng nếu tăng lãi suất huy động VND thì sẽ ảnh hưởng đến một loạt thị trường khác. Và đó là những điều Việt Nam phải chấp nhận” - ông Nguyễn Đức Thành chia sẻ.

Nan giải bài toán tỷ giá và lãi suất ảnh 1

Việc Fed dự kiến tăng lãi suất sẽ làm gia tăng áp lực lên chính sách điều hành tỷ giá của NHNN. Ảnh trong bài | Trần Hải

Lãi suất có tăng theo?

Như vậy có thể thấy, việc Fed tăng lãi suất thời gian qua cũng như khả năng tăng ở những lần kế tiếp, sẽ làm gia tăng áp lực lên chính sách điều hành tỷ giá của NHNN trong dài hạn. Đồng thời, cũng có tác động tới vấn đề lãi suất, bao gồm cả lãi suất VND và lãi suất USD. Theo TS Cấn Văn Lực, khi Fed tăng lãi suất thì lãi suất USD toàn cầu sẽ tăng theo, trong đó có Việt Nam. Do đó, vị chuyên gia kinh tế này cũng khuyến nghị NHNN nên điều chỉnh lãi suất USD. “Lãi suất huy động USD hiện đang ở mức 0%, chúng tôi khuyến nghị cân nhắc đưa lên 0,25% nhằm đón trước xu hướng tăng lãi suất của USD. Đồng thời, cũng để thúc đẩy huy động vốn từ dân cư và góp phần minh bạch trong hệ thống ngân hàng” - TS Cấn Văn Lực đề xuất.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, TS Nguyễn Đức Hưởng cũng cho rằng, đã đến lúc cần phải điều chỉnh lãi suất USD. “Tôi mạnh dạn đề xuất NHNN để tránh áp lực cho vốn VND thì phải hút thêm ngoại tệ, giảm tải cho cầu vốn VND bằng việc đưa lãi suất USD lên khỏi mặt đất. Hiện nay, trần lãi suất huy động USD là 0%/năm có thể tăng lên 0,25 đến 0,5%/năm” - TS Nguyễn Đức Hưởng nêu ý kiến.

Và trong tương quan lãi suất, khi lãi suất USD tăng thì lãi suất VND cũng khó tránh khỏi áp lực tăng theo. “Khi đồng USD tăng giá sẽ có tác động ít nhiều lên tỷ giá, từ đó cũng sẽ tạo sức ép lên lạm phát Việt Nam, khiến mục tiêu giảm lãi suất trong năm nay là rất khó, chủ yếu là các áp lực tăng lãi suất” - TS Cấn Văn Lực cho biết thêm.

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy thêm, sau khi Fed tăng lãi suất, chính sách lãi suất ở nhiều nước trên thế giới đã có những phản ứng trái chiều. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sau khi Fed vừa tăng lãi suất đã ngay lập tức nâng lãi suất trên thị trường mở thêm 0,2%/năm đối với kỳ hạn bảy ngày nhằm giữ đồng Nhân dân tệ không bị mất giá. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Indonesia thì lại quyết định giữ nguyên lãi suất đồng nội tệ. Tại Việt Nam, thời gian gần đây mặc dù lãi suất có những diễn biến tăng/giảm nhẹ nhưng theo nhận định của NHNN thì nhìn chung vẫn giữ mặt bằng ổn định. “Tuy nhiên, với dự kiến Fed có các đợt tăng lãi suất trong thời gian tới, Ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới, trong đó có NHNN của Việt Nam sẽ ít nhiều chịu áp lực và có thể phải tăng lãi suất VND” - Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt (BVS) cho hay.