Kỳ vọng mới cho hạt gạo Việt Nam

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 10 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của cả nước đạt hơn 2,6 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ.  Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến các hoạt động giao thương nông sản trên toàn cầu thì mức tăng trưởng của xuất khẩu gạo là một điểm sáng, mở ra những kỳ vọng mới cho ngành hàng chiến lược này.

Xuất khẩu gạo Việt Nam đang chuyển hướng từ lượng sang chất.
Xuất khẩu gạo Việt Nam đang chuyển hướng từ lượng sang chất.

Tín hiệu vui từ thị trường chất lượng cao

Thống kê cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2020, châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, kế tiếp là châu Phi. Tuy nhiên, những tín hiệu mới từ thị trường châu Âu lại chính là điểm nhấn trong xuất khẩu gạo của nước ta kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8. Trong đó, nhiều thị trường có lượng gạo xuất khẩu tăng mạnh như Pháp, Tây Ban Nha. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu vào EU cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ, cụ thể trước khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo ST 20 xuất khẩu sang EU khoảng 800 USD/tấn, còn gạo Jasmine là 520 USD/tấn, thì giờ đây mức giá tương đương là hơn 1.000 USD và 600 USD. Cũng bắt đầu từ ngày 1-8, nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu những lô hàng gạo đầu tiên sang châu Âu với mức thuế ưu đãi. Mới đây nhất, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã tổ chức lễ công bố xuất khẩu hơn 126 tấn gạo thơm sang châu Âu, được hưởng thuế suất 0%. Trước đó, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho ba khách hàng của Cộng hòa Liên bang Ðức với hai giống gạo thơm là ST 20 và Jasmine. Đây không chỉ là minh chứng cho việc các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã và đang tận dụng tốt cơ hội về thuế quan từ EVFTA mà còn khẳng định, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang tập trung mạnh vào sự chuyển hướng từ lượng sang chất, từ các thị trường truyền thống sang thị trường chất lượng cao, giá bán cao trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, tiêu chí về chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn cho biết: Thị trường EU có ba yêu cầu chính cho gạo. Thứ nhất, doanh nghiệp có hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm truy xuất nguồn gốc. Thứ hai, gạo phải đạt các chỉ tiêu cơ lý, bảo đảm độ thuần chuẩn. Yêu cầu thứ ba và cũng được xem là yêu cầu khó thực hiện nhất chính là bảo đảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL) trên 486 hoạt chất theo quy định của EU. Đối với ba yêu cầu này, Tập đoàn Lộc Trời đã có những chuẩn bị từ trước  qua trao đổi trực tiếp với khách hàng châu Âu, nắm rõ từng yêu cầu của đối tác. Chính vì vậy, lượng xuất khẩu gạo sang EU của Lộc Trời  vẫn tăng dần đều qua từng năm và EVFTA chính là một “đòn bẩy” về chính sách để gạo Việt Nam thâm nhập hiệu quả hơn vào các thị trường chất lượng cao.

mua lua chin.jpg -0
 Mùa lúa chín. Ảnh  | HỒNG ĐIỆP

Cơ hội lớn cho chuyển hướng xuất khẩu

Cùng với tín hiệu vui từ thị trường chất lượng cao, thì xuất khẩu gạo 10 tháng đầu năm của nước ta cũng đánh dấu sự chuyển hướng mạnh mẽ trong cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu theo hướng dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như: gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản... Điều này được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất để tăng trưởng về giá trị cho xuất khẩu gạo, bởi lẽ nhiều năm qua, Việt Nam luôn đứng trong tốp đầu các quốc gia xuất khẩu gạo trên thế giới nhưng chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp, giá thấp và xuất sang các thị trường truyền thống, không đòi hỏi cao về chất lượng. Trao đổi về vấn đề này, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường cho biết: Sự chuyển hướng trong cơ cấu chủng loại có thể thấy rõ tại các địa phương ở vùng trọng điểm lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long, khi mà diện tích trồng lúa thơm, lúa đặc sản không ngừng tăng lên trong những năm vừa qua. Riêng đối với giống lúa thơm, sản lượng lúa thơm toàn vùng ước đạt 5,5 triệu tấn/năm, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn gạo. Như vậy, nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng thì đây chính là nguồn hàng lớn cho các hợp đồng sắp tới sang thị trường châu Âu.

Nắm bắt được tiềm năng này, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu lớn cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào chất lượng gạo thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và các giải pháp bảo quản, chế biến. Điển hình như Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An xây dựng cánh đồng gạo sạch, hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và Mỹ. Đồng thời, đầu tư hơn 10 silo chứa lúa khô của Đức, có thể dự trữ khoảng 30 nghìn tấn, bảo đảm nguồn cung và chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của đối tác. Còn Tập đoàn Lộc Trời cũng đang triển khai lộ trình ứng dụng 1.000 thiết bị máy bay không người lái (drone) trong sản xuất nông nghiệp vào năm 2024 nhằm mang lại hiệu quả cao trong canh tác và góp phần bảo đảm sức khỏe cho nông dân.

Có thể thấy, sự tăng trưởng xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay cùng với những chuyển biến về thị trường, giá bán, cơ cấu chủng loại... đang tạo ra cơ hội thay đổi lớn cho ngành hàng lúa gạo nước ta cả trên lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu nhằm mang lại giá trị gia tăng cao hơn nữa. Nhất là trong điều kiện các hiệp định thương mại tự do liên quan đến nông nghiệp được ký kết và có hiệu lực sẽ trở thành “bàn đạp” cho nỗ lực mở rộng thêm thị trường mới, tăng tính cạnh tranh của ngành hàng này. Do đó, việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và tận dụng tốt các cơ hội đang có chắc chắn sẽ đem lại vị thế mới cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), liên tục trong những tháng gần đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chào bán trên sàn thế giới luôn ở mức cao. Cuối tháng 10-2020, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đạt mức 493 đến 497 USD/tấn, cao hơn khoảng 30 USD/tấn so với gạo Thái Lan. Từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực, nhiều lô hàng gạo thơm của Việt Nam xuất khẩu vào EU đạt mức giá 1.000 USD/tấn. Theo số liệu của Bộ Công thương, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang EU mấy năm gần đây đạt mức trung bình khoảng 20.000 tấn/năm, trong khi mức tiêu thụ gạo trung bình của EU là 2,5 triệu tấn gạo/năm trong giai đoạn 2016 - 2020.