Kinh tế Việt Nam 2018 những chuyển biến tích cực

Việc Quốc hội thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mở ra những thị trường mới đầy tiềm năng gần đây, Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn kinh tế thế giới 2018 với sự tham gia của các nền kinh tế lớn trên thế giới, quy tụ đông đảo giới đầu tư đến tìm hiểu hợp tác làm ăn với ta, rồi một doanh nghiệp trong nước tham dự triển lãm ô-tô chuyên nghiệp lớn nhất trên thế giới với hai dòng ô-tô thương hiệu Việt Nam đầu tiên trong năm 2018 đã mang đến cho Việt Nam một hình ảnh đất nước năng động, sục sôi khí thế làm giàu và phát triển kinh tế đất nước.

Triển lãm xe ô-tô VinFast tại Paris Motor Show 2018.
Triển lãm xe ô-tô VinFast tại Paris Motor Show 2018.

Những mảng màu sáng của năm 2018

Chị Minh Diệu Staps, một kiều bào từ Đức trở về Việt Nam trong một buổi gặp gỡ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải thốt lên rằng: “Tôi chưa bao giờ thấy không khí làm ăn nhộn nhịp như vậy, ai cũng tràn đầy tinh thần khởi nghiệp và làm giàu”. Quả thật con số hơn 130 nghìn doanh nghiệp tiếp tục đăng ký thành lập đã phần nào minh chứng cho bầu không khí này.

Các con số thống kê về tình hình phát triển kinh tế-xã hội cùng với bầu không khí sôi động đến từ khối các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp startup đã mang lại cho bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2018 những gam màu tươi sáng và lạc quan hơn.

Kinh tế Việt Nam 2018 những chuyển biến tích cực ảnh 1

Nhà ga sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh | Hà Việt

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp Chính phủ cuối năm thông báo năm 2018 đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, có chỉ tiêu cao hơn Quốc hội giao, cao hơn chỉ tiêu ghi trong Nghị quyết 01 của Chính phủ. Trong năm qua, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng GDP năm 2018 của đất nước đạt 7,08% cao nhất trong 10 năm qua.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ ở mức cao, tăng hơn 11,4%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục tăng trưởng ấn tượng 13,7%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,7%. Khách quốc tế trong năm đạt 15,5 triệu lượt, tăng 11,7%. Xuất siêu ở mức kỷ lục 7,2 tỷ USD. Thành lập mới doanh nghiệp tiếp tục tăng mạnh. Các doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký tăng 14,1%, tổng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt hơn 3,8 triệu tỷ đồng. Hơn 34 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chia sẻ rất ấn tượng với sức mua của người dân Việt Nam. Ông đánh giá: “Tại Hà Nội, chúng ta thấy các trung tâm mua sắm như Aeon Mall, Royal City và Lotte có rất đông các gia đình đi mua sắm vào dịp cuối tuần. Các gia đình trung lưu hiện nay có thời gian và tiền bạc cho các hoạt động giải trí nhiều hơn”. Nghiên cứu của Công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG) chỉ ra rằng, tầng lớp trung lưu đang phát triển với tốc độ nhanh chóng ở Việt Nam. Theo đó, tầng lớp trung và thượng lưu với mức thu nhập từ 714 USD/tháng trở lên sẽ tăng lên mức 33 triệu người trong giai đoạn 2014-2020. Còn Công ty nghiên cứu thị trường Nielson ước tính, dân số thuộc tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ đạt mức 44 triệu người vào năm 2020.

Công ty tư vấn chiến lược hàng đầu tại châu Á- Solidiance cũng đưa ra một minh chứng nữa cho mức sống tăng lên khá nhanh của người dân khi thống kê Việt Nam là quốc gia có nhu cầu tiêu thụ ô tô tăng trưởng nhanh nhất khối ASEAN. Nếu tính riêng quãng 2015-2016, Việt Nam có nhu cầu tiêu thụ ô-tô đạt tăng trưởng 36%. Có lẽ đó cũng là lý do vì sao năm qua đã xuất hiện một nhà đầu tư trong nước tiên phong sản xuất ô-tô thương hiệu Việt Nam gây tiếng vang trên thị trường trong và ngoài nước.

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, năm 2018 là năm bản lề và có ý nghĩa trong việc đánh giá, định hình lại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2016 - 2020. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta đã đi được một nửa chặng đường của kế hoạch này với những chuyển biến rất tốt. Tăng trưởng GDP của hai năm đầu tiên trong giai đoạn này là tương đối cao. GDP năm 2018 đã đạt mức 7,08%. Đáng chú ý, kinh tế phát triển đồng đều trên các lĩnh vực. Khác với nhiều năm trước, phát triển văn hóa - xã hội đã được đặt trong vị thế cân bằng với phát triển kinh tế trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Đây là chủ trương của Đảng, Chính phủ và đang được thực hiện một cách rất tích cực từ Trung ương đến địa phương”.

Báo cáo kinh tế thường niên Triển vọng Phát triển châu Á do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố mới đây cũng nhận định, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm 2018, mặc dù có những thách thức trong và ngoài nước có thể tác động đến triển vọng tăng trưởng trong năm nay và năm sau. Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam - ông Eric Sidgwick thì nhận định: “Tăng trưởng kinh tế đạt được trên tất cả các lĩnh vực, với động lực là ngành sản xuất chế tạo tiếp tục mở rộng, sản xuất nông nghiệp tăng cao, ngành dịch vụ ổn định, tiêu dùng trong nước được duy trì tốt, đầu tư dồi dào của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI và doanh nghiệp trong nước”. Đồng thời cho rằng, nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ tăng trưởng tốt trong ngắn hạn nhờ nhu cầu nội địa được duy trì, điều kiện kinh doanh được cải thiện, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định.


Dự báo kinh tế năm 2019 tiếp tục khả quan

Trên cơ sở tình hình kinh tế - xã hội 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng dự thảo kế hoạch năm 2019. Theo đó, dự kiến tổng sản phẩm trong nước GDP tăng khoảng 6,6 - 6,8% so với năm 2018. Tốc độ tăng giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4-5%. Xuất khẩu hàng hóa năm 2019 dự kiến đạt khoảng 256 tỷ USD, tăng khoảng 7-8% so với năm 2018; nhập khẩu hàng hóa dự kiến đạt khoảng 261 tỷ USD, tăng khoảng 10%; nhập siêu khoảng năm tỷ USD, chiếm dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Mặc dù đưa ra những con số lạc quan nhưng vẫn còn những rủi ro, thách thức ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam năm 2019 như chiến tranh thương mại giữa các quốc gia, nền kinh tế lớn kết hợp với yếu tố rủi ro địa chính trị, xu hướng bảo hộ thương mại nội địa...

Bên cạnh đó là những thách thức từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần bị suy giảm; trình độ phát triển khu vực kinh tế trong nước và khu vực kinh tế có vốn nước ngoài còn chênh lệch, nhất là trong xuất nhập khẩu. Tuy vậy, triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 và năm 2020 dự báo tiếp tục khả quan, nhất là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh được củng cố.

Để đạt được những điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2019. Trong đó, đáng chú ý nhất là chủ trương tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GDP. Đồng thời, tiếp tục thực hiện quyết liệt ba đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mạnh hơn nữa mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn trong từng ngành, lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh thực hiện chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0.