Kinh tế tiếp tục còn nhiều khó khăn

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý II tăng 0,36% và tính chung nửa đầu năm chỉ đạt 1,8%. Các chuyên gia kinh tế dự báo nền kinh tế vẫn còn tiếp tục khó khăn trong thời gian tới.

Nhiều cửa hàng ở trung tâm các thành phố lớn phải đóng cửa.
Nhiều cửa hàng ở trung tâm các thành phố lớn phải đóng cửa.

Việc Tập đoàn Vin Group thông báo rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không cho thấy triển vọng của các ngành dịch vụ vẫn còn rất mong manh khi dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp. Các tuyến phố trung tâm phố cổ Hà Nội như Nhà Thờ, Lý Quốc Sư, Nhà Chung, Ngõ Huyện nhiều nhà hàng, khách sạn, spa đã treo biển đóng cửa, chuyển nhượng và trả lại mặt bằng cửa hàng. Ông Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Mekong cho biết theo khảo sát của viện thì trong ba tháng gần đây, gần 30% các hộ kinh doanh cá thể đã phải đóng cửa. Con số này sẽ còn tác động đến việc làm và tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Theo ông Tùng, sự suy giảm kinh tế trong quý II này đã bộc lộ ngày càng rõ nét hơn và nền kinh tế có thể chưa chạm đáy. Số liệu quý I chưa thể hiện được tình hình khi các doanh nghiệp vẫn còn nguồn duy trì hoạt động trên nền tảng của cuối năm trước. Song đến quý II, khả năng tồn tại hay không tồn tại đã có kết quả rõ nét và nửa cuối năm sẽ vẫn còn tiếp tục thời gian đầy khó khăn thử thách với các doanh nghiệp, đấy là chưa tính đến khả năng dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Số lượng doanh nghiệp sa thải nhân viên quy mô lớn đang tăng nhanh trong tháng 6, cho thấy tình trạng thu hẹp và dừng sản xuất có thể còn diễn biến tiêu cực. Hoạt động thương mại, dịch vụ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khu vực dịch vụ trong sáu tháng đạt mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm 2011 - 2020. Khách quốc tế đến Việt Nam giảm 55,8% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp mới giảm cả về số lượng lẫn vốn đăng ký.

Phần lớn ý kiến của các chuyên gia cũng đều nhận định, con số tăng trưởng của quý II có thể vẫn chưa là kỷ lục thật sự. Những kết quả của quý III sẽ còn xấu hơn nếu như các hoạt động kinh tế không có chuyển mình rõ rệt. Lý do là độ trễ của chính sách và hoạt động kinh tế khiến điểm rơi của khó khăn phải tới nửa cuối năm. Triển vọng năm nay có thể là năm xấu nhất kể từ khi kinh tế mở cửa. Cho tới lúc này, việc dự báo khi nào nền kinh tế phục hồi vẫn là một câu hỏi mở do những yếu tố ảnh hưởng nằm ngoài tầm kiểm soát. Những yếu tố quyết định sẽ nằm ở việc khi nào tìm ra vắc-xin và kinh tế thế giới bao giờ được mở cửa trở lại bình thường.

PGS,TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng ngay cả khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát hoàn toàn thì nhiều ngành dịch vụ và sản xuất xuất khẩu vẫn còn gặp khó khăn lâu dài, một khi dịch bệnh còn chưa hoàn toàn biến mất ở các khu vực kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới. Như vậy, triển vọng kinh tế nửa cuối năm còn nhiều thách thức, với hai yếu tố lớn là bất ổn của thị trường bên ngoài và những kỳ vọng trụ cột thay thế từ nội tại chưa phát huy tác dụng. Đầu tư công được kỳ vọng tạo ra sự thay đổi nhanh, là động lực tăng trưởng bù đắp cho khó khăn từ thị trường bên ngoài. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân dòng vốn này đang dưới kỳ vọng. 

Kinh tế tiếp tục còn nhiều khó khăn -0

Chính sách cần nhanh chóng đi vào thực tế

Được biết, trong nửa đầu năm, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chỉ bằng 33% kế hoạch năm, giải ngân vốn ODA đạt 10%. Trong buổi họp của Thủ tướng Chính phủ với các địa phương, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã thông báo kết quả kiểm tra cho thấy, TP Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long giải ngân vốn đầu tư công rất thấp. Chính phủ cũng đã cảnh báo nếu địa phương nào, ngành nào không giải ngân được vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA, Thủ tướng có quyền điều chuyển từ ngành này, địa phương này sang ngành khác, địa phương khác. Theo ông Phạm Thế Anh, Việt Nam nên đẩy nhanh những dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia đã được phê duyệt và có sẵn vốn thực hiện. Việc chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương để nhiều doanh nghiệp và nhiều địa phương có thể tiếp cận, tạo sự lan tỏa tốt hơn cũng có thể được cân nhắc.

Các chính sách hỗ trợ, theo ông Thế Anh, là các giải pháp đi vào những khó khăn thật sự. Như việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp có lãi để nộp thuế thì họ không thật sự khó khăn để cần hỗ trợ. Hoạt động doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng nếu vẫn duy trì được lợi nhuận dương thì vẫn đủ sức cầm cự.

Trong khi đó, bộ phận dễ bị tổn thương nhất của nền kinh tế là những người lao động, yếu thế. "Quan trọng nhất hiện nay vẫn là an sinh xã hội. Những gói hỗ trợ không thích đáng thì không nên hỗ trợ mà nên dành nguồn lực tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, gỡ bỏ các thủ tục hành chính", Kinh tế trưởng VEPR nhận xét.

Có ý kiến khác cho rằng tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trong việc triển khai các gói hỗ trợ là do sợ trách nhiệm. Điều này khiến các chính sách về định hướng là đúng nhưng triển khai chậm và không tạo ra tác động mạnh. Để giảm bớt tác động, cần có những giải pháp mang tính trọng tâm và triển khai quyết liệt hơn, nền kinh tế sẽ không thể phục hồi nếu chỉ dựa trên lời nói và khẩu hiệu. Ông Nguyễn Đức Khương, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ thì cho rằng doanh nghiệp cần một môi trường vĩ mô ổn định và một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh, ít rào cản hành chính. Nhà nước ưu tiên các chính sách hỗ trợ tài chính, công nghệ, thuế... cho các tập đoàn lớn có dự án phối hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để hình thành chuỗi giá trị nội địa hay quốc tế. Tiếp tục đặt trọng tâm hoạt động đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển trong doanh nghiệp vì đây là hai yếu tố quan trọng để các quốc gia xây dựng năng lực cạnh tranh trong dài hạn.