Kinh tế đã qua đáy chữ V

Trong buổi họp báo thường kỳ tháng 9, Chính phủ thông tin kinh tế Việt Nam đã qua đáy chữ V, đang dần hồi phục và dự kiến GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng 2,5-3%.

Nhà máy dệt ở Long An.
Nhà máy dệt ở Long An.

Giữ được mức tăng trưởng dương

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Việt Nam đã vượt qua đáy chữ V và đang dần phục hồi. Mục tiêu kép của Chính phủ vừa chống dịch vừa tăng trưởng kinh tế đã được tổ chức thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả tốt.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tăng trưởng ba quý liên tiếp của Việt Nam giảm so với cùng kỳ các năm nhưng vẫn đạt dương. Trong đó, quý I đạt 3,68%, quý II đạt 0,39%, quý III đạt 2,62%. Nền kinh tế có những điểm sáng trong chín tháng như xuất siêu đạt kỷ lục với 17 tỷ USD, trong đó, khu vực kinh tế trong nước có mức tăng trưởng xuất khẩu hơn 20%. Thu hút FDI đạt hơn 21 tỷ USD. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tăng lên 52,2 điểm, cao nhất ASEAN.

Ngoài ra, các chỉ số vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng bình quân chín tháng tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước. Giải ngân đầu tư công cũng đạt mức cao nhất trong 5 năm qua với tổng mức thực hiện đạt hơn 300 nghìn tỷ đồng, tương đương 60% kế hoạch năm.

Chuyên gia các tổ chức quốc tế qua quan sát cũng nhận định, kinh tế tăng thấp nhất thập kỷ, nhưng điều quan trọng là Việt Nam chưa tăng trưởng âm. Quý II chịu hưởng nặng nề nhất do giãn cách xã hội nhưng GDP vẫn tăng 0,39%, trước khi phục hồi lên 2,62% vào quý III. Những con số này, cùng với khả năng kiểm soát dịch bệnh, đưa Việt Nam trở thành “điểm sáng” trong khu vực và trên thế giới. Oxford Economics trong báo cáo mới dự báo kinh tế Đông - Nam Á giảm 4,2% trong năm nay, nhưng Việt Nam được xếp trong nhóm duy trì tăng trưởng và phục hồi mạnh nhất.

Trở thành điểm sáng thu hút đầu tư

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Phùng Đức Tùng, nhập khẩu suy giảm, trong khi xuất khẩu vẫn tăng cho thấy sức cầu yếu và nhu cầu sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ nhiều ngành giảm sút. Nhưng sự chênh lệch này lại giúp cán cân thương mại thặng dư kỷ lục gần 17 tỷ USD. Đây là yếu tố để gia tăng dự trữ ngoại hối, giúp tỷ giá ổn định trong giai đoạn chín tháng đầu năm. Trừ đợt sóng trong tháng 3 khi USD tăng vọt, bốn tháng gần nhất tỷ giá gần như đi ngang với xu hướng giảm dần, bất chấp những biến động của đồng USD. Sự ổn định này không chỉ giúp Việt Nam tránh một cuộc khủng hoảng kép cả kinh tế và tiền tệ, mà còn tăng điểm trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Kinh tế đã qua đáy chữ V -0
Niềm tin của doanh nghiệp FDI được củng cố vững chắc. Ảnh trong bài | Nguồn Internet 

Ông Jacques Morriset, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank tại Việt Nam cũng nhận định: “Covid-19 tạo ra một cơ hội đặc biệt cho Việt Nam”. Nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng có thể đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch của các công ty đa quốc gia. Xu hướng này đã xuất hiện từ trước đại dịch nhưng được đẩy nhanh khi Covid-19 lan rộng. Trong khi đó, việc khống chế Covid-19 thành công trở thành công cụ quảng bá cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư.

Không còn là kế hoạch, hứa hẹn, dòng vốn của các đại gia công nghệ đã bắt đầu đổ vào. Đơn cử như Tập đoàn Pegatron của Đài Loan chuyên cung ứng linh kiện cho các Apple, Sony, Microsoft, Lenovo... đầu tư vào Hải Phòng đã chính thức được xác nhận với tổng số tiền đầu tư hơn 500 triệu USD cho hai dự án đầu tiên. Hay Samsung sau 12 năm đầu tư vào Việt Nam đã quyết định đầu tư 200 triệu USD xây dựng trung tâm R&D lớn nhất khu vực Đông - Nam Á ngay tại Hà Nội... Có thể nói, Việt Nam gần đây nổi lên như một trong những điểm đến quan trọng của các nhà đầu tư lớn. Đây là một tín hiệu rất tốt đẹp, không chỉ tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động và còn là sự chuyển đổi mạnh mẽ của nền kinh tế đến từ các đối tác “khủng” này trong thời gian tới đây. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác nhận nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang đàm phán để đổ vốn đầu tư vào Việt Nam lên đến con số hàng tỷ USD.

Ngoài ra, các nhóm ngành đang dần phục hồi, bước vào trạng thái hoạt động trong “điều kiện bình thường mới”, bất chấp đợt bùng phát thứ hai của Covid-19 vào tháng 8. Sản xuất công nghiệp, ngành chế biến - chế tạo trong tháng 9 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng về khả năng phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng dự báo tình hình ba tháng cuối năm tích cực hơn. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh các doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo cho biết, có 45,6% đánh giá xu hướng sẽ tốt lên, 19% dự báo khó khăn hơn và 35% cho rằng ổn định. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lạc quan nhất với 82,8% dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh cuối năm ổn định và tốt hơn. Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt là 81,7% và 80,2%.

Mặc dù Covid-19 và sự phục hồi của kinh tế thế giới vẫn là những biến số khó dự đoán, nhưng sự khởi sắc trở lại của những động lực tăng trưởng, cùng những dư địa từ đầu tư công và tín dụng, đang mang lại những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế.

Hiện Chính phủ đặt mục tiêu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng 2,5-3%. Tại buổi họp báo về kết quả chín tháng gần đây, một đại diện của Tổng cục Thống kê dự báo: “Tăng trưởng năm nay không chỉ đạt, mà thậm chí còn có thể cao hơn mục tiêu Chính phủ đề ra”.