Khôi phục kinh tế sau dịch

Thời gian vừa qua, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo hình thành các kịch bản để vực dậy nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp, không chỉ giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn mà còn có thể đón các cơ hội trong trạng thái bình thường mới sau đại dịch.

Công ty cổ phần Dệt may Sơn Nam (Nam Định) sản xuất khăn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: ĐỨC ANH
Công ty cổ phần Dệt may Sơn Nam (Nam Định) sản xuất khăn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: ĐỨC ANH

Khó khăn vẫn còn lớn

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 5 - tháng đầu tiên sau giãn cách, nền kinh tế bắt đầu giai đoạn bình thường mới và đã có những tia hy vọng mới. Đã có 5.056 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 32,7%. Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 26,9%; chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 11,2%; xuất khẩu tăng 5,2% so với tháng trước... Nhận định của báo cáo này cho thấy, hậu giãn cách, nền kinh tế đang bắt đầu dần bình thường trở lại.

Tuy nhiên, khó khăn phía trước vẫn còn rất lớn. Doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ tháng 5 tăng mạnh 26,9% so với tháng trước nhưng giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung năm tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,9%.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa chịu ảnh hưởng mạnh khi tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới khiến đơn hàng giảm mạnh. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện tháng 4-2020 chỉ đạt 17.583 triệu USD, thấp hơn 2.117 triệu USD so với số ước tính trước đó. Sang tháng 5, con số ước tính tích cực hơn, với 18,5 tỷ USD, tăng 5,2% so với tháng trước. Tính chung năm tháng đầu năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,9 tỷ USD.

Chuyên gia Nguyễn Đức Khương, thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ nhận định đại dịch làm suy giảm nghiêm trọng thương mại toàn cầu, phá vỡ các chuỗi cung ứng, sản xuất và giá trị đã được thiết lập kể từ những năm 1990 dưới tác động của các chính sách tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế. Thiệt hại từ Covid-19 khó dự đoán vì nó phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả cả các chính sách ứng phó ở các quốc gia và thời gian để thế giới tìm ra được vắc-xin. Nếu kiểm soát tốt y tế và ngăn được sự bùng phát trở lại của đại dịch đưa hoạt động kinh tế trở lại “bình thường” thì khả năng tránh được hệ quả tiếp theo là khủng hoảng tài chính.

Đặt doanh nghiệp vào trung tâm quá trình phục hồi

Theo đánh giá của các chuyên gia, bước qua giai đoạn mới, việc đặt mục tiêu phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch theo mô hình chữ V (từ đáy tăng trưởng trở lại rất nhanh) chứng tỏ quyết tâm cao độ của Chính phủ với mong muốn đưa nền kinh tế phục hồi tương đương với đà sụt giảm trước đó. Có ý kiến cho rằng, động thái cả hệ thống chính trị nước ta đặt doanh nghiệp vào trung tâm của quá trình phục hồi kinh tế là vừa đúng và vừa trúng.

Trong mạng lưới phát triển kinh tế, doanh nghiệp không chỉ trực tiếp tạo ra của cải vật chất, tạo điều kiện về việc làm, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn là khu vực chính để bảo đảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Vì vậy, bên cạnh gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 62 nghìn tỷ đồng thì gói hỗ trợ hơn 180 nghìn tỷ đồng từ Nghị định 41, hay gói hỗ trợ tín dụng gần 300 nghìn tỷ đồng được xem là một trong những liều thuốc quan trọng để vực dậy nền kinh tế nói chung và khối doanh nghiệp nói riêng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bằng mọi giá phải cứu, không để doanh nghiệp bị đổ gãy gây hiệu ứng domino. Hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được đổ vào nền kinh tế qua các hình thức khoanh nợ, giảm lãi suất, miễn giảm các loại thuế phí… để cùng doanh nghiệp vượt khó. Bên cạnh đó, việc xác định thúc đẩy thị trường tiêu thụ nội địa cũng sẽ kịp thời tạo sức lan tỏa giúp phục hồi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ổn định thị trường chờ thời cơ tăng tốc.

Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp các nhà điều hành đã nhận định cần phải có những giải pháp đồng bộ hơn, mạnh hơn. Chính vì vậy, sau hội nghị trực tuyến với địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành đã phối hợp rà soát, hoàn thiện dự thảo nghị quyết mới của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Các giải pháp này rộng hơn, tiếp nối những giải pháp trước đây đã ban hành và mở rộng hơn quy mô, đối tượng, phạm vi.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ đã kiến nghị ba bước đối với điều hành nền kinh tế. Bước thứ nhất, khi Covid-19 đang diễn ra thì ưu tiên chống dịch là chủ yếu, việc phát triển kinh tế lúc này là cầm cự và giảm thiểu tối đa các thiệt hại do dịch. Bước thứ hai, sau khi nguy cơ và tác động của dịch Covid-19 giảm đi nhiều như hiện nay, Bộ cũng đã báo cáo và tham mưu Chính phủ sẽ mở lại dần các hoạt động kinh tế, trước tiên phục hồi thị trường trong nước trước. Đối với thị trường nước ngoài, do dịch bệnh ở nhiều nước trên thế giới vẫn đang có nhiều diễn biến phức tạp, nền kinh tế nước ta chưa thể mở hoàn toàn mà vẫn phải kết hợp giữa phòng chống dịch với phát triển kinh tế. Trạng thái tương lai trong kịch bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng là khi Covid-19 đã yên ổn trên thế giới, Bộ sẽ chú trọng nghiên cứu việc nắm bắt cơ hội để thúc đẩy kinh tế trong nước, tất nhiên sẽ đòi hỏi thay đổi nhiều vào cơ cấu của nền kinh tế nói chung cũng như định hướng và cơ cấu của từng doanh nghiệp, sản phẩm để đón nhận cơ hội này. “Trong cơ hội này có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư, đặc biệt các tập đoàn kinh tế lớn đang hết sức cân nhắc trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, trong đó Đông - Nam Á là một trong những địa bàn được tính đến đầu tiên và Việt Nam nằm trong số đó”, ông Phương khẳng định. Chính vì vậy, doanh nghiệp nào vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay, chủ động nắm bắt cơ hội, đón đầu những luồng đầu tư từ bên ngoài thì đây là cơ hội bứt phá hiếm có.

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc khu vực Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN chia sẻ “nhanh chóng chuyển đổi” là một từ khóa quan trọng cho các doanh nghiệp để thích ứng với trạng thái bình thường mới. Chuyển đổi không đồng nghĩa với chuyện tìm cơ hội kinh doanh ngắn hạn, chạy theo bề nổi, mà cần linh hoạt trong từng tình huống, bởi lẽ cơ hội đi kèm với nguy cơ. Chỉ cần chậm chân, hoặc e ngại chuyển đổi, doanh nghiệp sẽ đánh mất thời điểm vàng. Nguy cơ dịch bệnh vẫn còn hiện hữu nên trong tất cả các kịch bản mở cửa hoạt động kinh doanh trở lại, doanh nghiệp rất nên xây dựng quy trình sản xuất an toàn, trong đó tính toán tới kịch bản nếu dịch bệnh quay trở lại. Phần chi phí tăng thêm khi phải đầu tư cho những quy trình sản xuất an toàn nên cơ cấu vào phần giá vốn hàng bán để cân bằng đồng tiền với những chi phí khác nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh bền vững.