Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn

Đối với nhiều người, khái niệm “kinh tế tuần hoàn” còn khá mới mẻ và lạ lẫm ở Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây khái niệm này được nhiều hội thảo khoa học trong nước và quốc tế bàn đến nhiều về những giá trị nó hướng đến. Đó là sự phát triển bền vững, tối ưu hóa lợi ích của nền kinh tế đồng thời bảo vệ môi trường sống. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu nhanh chóng tiếp cận kinh tế tuần hoàn như là một sự thay đổi tư duy và định hướng lại mục tiêu phát triển doanh nghiệp của mình.

Tài liệu hướng dẫn Kinh tế tuần hoàn của VCCI.
Tài liệu hướng dẫn Kinh tế tuần hoàn của VCCI.

Anh Bùi Văn Minh, Giám đốc khởi nghiệp của Dự án Hương Sơn farm về trồng dưa lưới hữu cơ vi sinh cho biết, vườn dưa của anh nhập hạt giống từ Nhật Bản, các giá thể nuôi cây là các nguyên liệu từ Việt Nam như xơ dừa, trùn quế. Đây là những nguyên liệu được coi là tái chế từ các phế thải của nguồn sản phẩm nông nghiệp khác. Việc nuôi trồng khép kín và tận dụng các nguồn lực tự nhiên có sẵn đã giúp cho sản phẩm của anh Minh khác biệt về chất lượng và nguồn lực tổ chức sản xuất. Nếu xét về kinh tế tuần hoàn đây là một chu trình sản xuất sạch, khép kín bảo vệ được nguồn tài nguyên và phát huy được các nguồn tái chế trong trồng trọt.

Anh Minh chia sẻ: “Tôi cũng không biết đến những vấn đề quá vĩ mô như là kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, khi tôi tiếp cận các nhà sản xuất ở Nhật Bản họ có mô hình sản xuất xanh, sạch và hiệu quả như vậy, tôi cũng rất muốn có những sản phẩm thân thiện với môi trường được làm ở đất nước mình”.

Theo định nghĩa của các nhà kinh tế thế giới, nền kinh tế tuần hoàn chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống “khai thác - sản xuất - tiêu hủy” sang mô hình tái sử dụng có mục đích. Mục tiêu là giữ lại càng nhiều giá trị càng tốt từ các nguồn lực, sản phẩm, thành phẩm và vật liệu nhằm kiến tạo một hệ thống cho phép tái sử dụng, tân trang, tái sản xuất và tái chế lâu dài, tối ưu.

Nếu như mô hình kinh tế truyền thống chỉ quan tâm đến khai thác tài nguyên, sản xuất và vứt bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến một lượng phế thải khổng lồ thì mô hình kinh tế tuần hoàn chú trọng vào quản lý, tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải. Theo đó, nếu áp dụng triệt để “tư duy tuần hoàn” trong hoạt động thiết kế, sản xuất và tái chế hàng hóa, nền kinh tế tuần hoàn sẽ mở ra cơ hội thị trường trị giá ít nhất 4.500 tỷ USD cho doanh nghiệp toàn cầu, tạo ra hàng trăm triệu việc làm mới.

Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn ảnh 1

Vườn dưa lưới thân thiện môi trường.

Trên thế giới, những tập đoàn hàng đầu đã bắt đầu hoạt động theo mô hình tuần hoàn. Thí dụ, IKEA cam kết ứng dụng hoàn toàn mô hình kinh tế tuần hoàn vào năm 2030, Lego hướng đến dùng nhựa thực vật, Carlsberg cải thiện giải pháp đóng gói giảm dùng nhựa. Hay như, Schneider Electric (Pháp), các hoạt động kinh tế tuần hoàn chiếm 12% doanh thu và dự kiến tiết kiệm 100 nghìn tấn tài nguyên giai đoạn 2018 - 2020.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam cho biết, ở Việt Nam mô hình kinh tế tuần hoàn gần như chỉ mới áp dụng tại những tập đoàn nước ngoài, các công ty lớn. Với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đây vẫn là khái niệm mới. “Chúng ta mới dừng lại ở tái sử dụng, tái chế chất thải mang lại lợi ích về tài chính cho cơ sở sản xuất và tiêu dùng, chưa mang lại lợi ích kinh tế, nên chính hoạt động của các mô hình đó đã gây ra ô nhiễm và suy thoái môi trường. Điều này khiến doanh nghiệp không chỉ gặp rủi ro về khan hiếm nguyên liệu và biến động giá tài nguyên mà còn ảnh hưởng đến chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững quốc gia” ông Vinh nhận xét.

Ông Đỗ Thái Vương, đại diện Công ty Unilever nhận định, việc thay đổi mô hình hoạt động theo hướng tuần hoàn là điều cần thiết khi vấn đề ô nhiễm môi trường đã trở nên quá nóng và có những tác động tiêu cực đến cuộc sống. Việt Nam đứng thứ tư trong danh sách các nước xả rác thải nhựa nhiều nhất ra biển. Đại diện Unilever cho rằng, cần thực hiện giải pháp đồng bộ, thay đổi từ những thứ nhỏ nhất như thói quen sinh hoạt của người dân để giảm thiểu vấn đề này.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Lê Ngọc Lâm kiến nghị Chính phủ xây dựng các chương trình, nguồn vốn với lãi suất ưu đãi ủy thác qua các tổ chức tín dụng (tương tự quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa), nhằm khuyến khích tài trợ các dự án xanh, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng... Bên cạnh đó, ông Lâm cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách định hướng để các ngân hàng ứng xử với những dự án ảnh hưởng tới môi trường xã hội bằng cách tăng lãi suất cho vay hoặc hạn chế cho vay...

Được biết, năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, trong đó có đề cập đến chính sách khuyến khích áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, tiêu dùng hướng đến mô hình kinh doanh, kinh tế phi phát thải tầm nhìn đến 2030, nhưng đến nay triển khai trong thực tế còn rất hạn chế.

Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, theo đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải có một hành lang pháp lý rõ ràng cho sự hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Vai trò kiến tạo của Nhà nước thể hiện trong việc tạo ra một môi trường để kinh tế tuần hoàn phát triển.

Kinh tế tuần hoàn là một xu hướng phát triển bền vững đạt được cả hai mục tiêu: ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra. Ở cấp độ thấp, kinh tế tuần hoàn tập trung vào quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và các mặt hàng nông sản, các nhà sản xuất được khuyến khích và yêu cầu áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn và thiết kế sinh thái. Ở cấp độ cao, cấp độ doanh nghiệp, toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất đều được thiết kế và không có chất thải đưa ra môi trường. Chất thải đều được giảm thiểu tối đa, tái sử dụng và tái chế.

Kinh nghiệm cho thấy, để thực hiện “kinh tế tuần hoàn”, Ủy ban châu Âu đã kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô, các nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác... tham gia.