Hóa giải thách thức tour 0 đồng

Hình ảnh những hàng dài du khách Trung Quốc chen chúc, mệt mỏi đợi chờ làm thủ tục nhập cảnh tại các cửa khẩu Đông Hưng, Móng Cái... hay các cảng hàng không Đà Nẵng, Nha Trang... xuất hiện với tần suất dày đặc trên các phương tiện truyền thông trong nước thời gian gần đây, như một thực trạng rất đáng báo động. Nguyên nhân chính là do sự xuất hiện ồ ạt, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của những “tour 0 đồng”.

Việt Nam đã trở thành điểm đến được rất nhiều khách du lịch Trung Quốc lựa chọn.
Việt Nam đã trở thành điểm đến được rất nhiều khách du lịch Trung Quốc lựa chọn.

Tour 0 đồng - hệ quả của cuộc cạnh tranh khốc liệt

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, lượng khách Trung Quốc trong ba tháng đầu năm đã đạt 949.199 lượt, tăng 63,5% so với cùng kỳ năm trước; chiếm khoảng 30% tổng lượng du khách quốc tế tới Việt Nam. Đặc biệt, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, lượng khách Trung Quốc vào Quảng Ninh - nơi có Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long tăng đột biến, đạt khoảng 5.000 người vào ngày thường. Dịp cuối tuần, con số này tăng vọt gấp hai, thậm chí gấp ba (từ 10.000 - 15.000 lượt khách/ngày).

Khách đông thì lẽ ra ngành du lịch phải vui mừng. Tuy nhiên, việc xuất hiện một số lượng lớn du khách đi theo tour giá rẻ, thậm chí “tour 0 đồng” khiến cho chính quyền địa phương, các nhà quản lý cùng nhiều doanh nghiệp lữ hành uy tín trong nước quan ngại về cả chất lượng dịch vụ, hình ảnh điểm đến cùng với nguy cơ thất thu nguồn thuế nhãn tiền.

“Với khách du lịch, tour giá rẻ là sản phẩm được bán ra với mức giá thấp hơn nhiều cho phí thực tế mà doanh nghiệp phải cho trả. Với doanh nghiệp lữ lành, đây là tour ít lãi, khi bị đẩy xuống thấp tới một mức độ nào đó sẽ biến thành tour 0 đồng, thậm chí tour lãi âm hoặc tour âm đồng. Với hình thức kỳ quặc này, công ty đón khách không hề thu bất kỳ một khoản chi phí nào, thậm chí còn trả tiền ngược lại cho công ty gửi khách, hay còn được gọi bằng cụm từ “mua đoàn”. Họ thu lợi bằng cách ép khách đi mua sắm với giá cao gấp nhiều lần giá trị thực của món hàng hoặc bán thêm các dịch vụ, chương trình tại điểm đến để bù lại chi phí đầu vào (khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển, phí visa...). Vì thế, về bản chất, khái niệm giá rẻ (hay 0 đồng) nằm ở phần phí dịch vụ (lãi) của chính các công ty du lịch chứ không phải là 0 đồng với từng dịch vụ đơn lẻ cấu thành nên sản phẩm, dịch vụ du lịch” - ông Lê Vàng, chuyên viên Vụ Thị trường Du lịch lý giải.

Tour 0 đồng có điểm xuất phát từ cuộc chiến cạnh tranh vô cùng khốc liệt về giá cả. Để giành giật khách hàng, vốn có quá nhiều lựa chọn khi nhiều đơn vị cùng bán một sản phẩm, các công ty du lịch phải áp dụng chiến dịch cạnh tranh bằng giá bán. Chỉ tại Hàng Châu (Trung Quốc) đã có tới cả trăm doanh nghiệp cùng bán sản phẩm tour Nha Trang, Đà Nẵng... Lộ trình tương tự, chất lượng dịch vụ tương đương, đơn vị đưa giá thấp nhất sẽ trở thành thỏi nam châm hút khách. Tour 0 đồng cũng chính là cuộc chiến giữa các hãng hàng không. Thống kê năm 2016 cho thấy, mỗi tuần có tới 60 chuyến bay tới Nha Trang và 50 chuyến bay tới Đà Nẵng (từ 10 thành phố của Trung Quốc). Quá nhiều chuyến bay tới cùng một điểm đến đã đẩy nhiều hãng hàng không Việt Nam và Trung Quốc vào thế phải giành giật lượng khách bằng mọi giá. Cuối cùng, tour giá rẻ là hệ quả cạnh tranh sản phẩm du lịch giữa các công ty gom khách và thái độ kinh doanh mạo hiểm mang tâm lý “đánh cược” của các doanh nghiệp đón khách. Khi nhiều đơn vị chào giá dịch vụ với độ chênh lệch quá cao, gây nhiễu loạn thị trường, thậm chí sẵn sàng “mua đoàn” với mức bù giá trên trời. Nhiều tour được thiết kế mới để lôi kéo hay thiết kế tour theo yêu cầu riêng của khách. Sau khi “nhử” được khách vào “ma trận” thì các công ty này tha hồ tự tung, tự tác, khiến du khách kêu trời, thề “cạch đến già” những sản phẩm giá rẻ, chất lượng cũng rẻ. Những doanh nghiệp du lịch làm ăn chân chính hầu như không có chỗ đứng trong những phi vụ kiểu này.

Làm gì để hóa giải “tour 0 đồng”?

Tour 0 đồng đã xuất hiện tại Thái-lan từ năm 1995, sau đó lan rộng sang các thị trường châu Á lân cận như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore... và gần đây là Việt Nam. Cho dù các chính phủ đều triển khai những biện pháp kiên quyết, thậm chí khá mạnh tay nhằm loại bỏ tour này nhưng nó vẫn tồn tại dai dẳng tới tận hôm nay. Vì vậy, theo góc nhìn của nhiều chuyên gia, sản phẩm này là hiện tượng phát triển tất yếu của thị trường, cần có những nhìn nhận khách quan và tìm kiếm những giải pháp mềm dẻo, linh hoạt. Đặc biệt là phải có một chế tài quản lý chặt chẽ và hợp lý, vì Trung Quốc là một thị trường lớn về số lượng du khách, với nhu cầu du lịch và mua sắm ở mức cao.

Nhìn một cách khách quan từ khía cạnh điểm đến, loại tour này vẫn tạo ra việc làm cho người dân, nguồn thu trực tiếp cho chính quyền và doanh nghiệp địa phương bởi dù đi tour 0 đồng, du khách vẫn phải nghỉ tại khách sạn, ăn tại nhà hàng, di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng, mua vé tham quan... Tour 0 đồng, nảy sinh từ cuộc chiến cạnh tranh ngày một dữ dội kể trên, vốn chỉ bùng phát vào mùa thấp điểm. Mặt tích cực của nó là góp phần bổ sung một lượng khách nhất định, bảo đảm duy trì ổn định nhiều đường bay và hiệu suất khai thác của chuỗi dịch vụ tại điểm đến, nhờ đó kéo gần khoảng cách giữa hai mùa cao điểm - thấp điểm của ngành công nghiệp không khói.

Mặt khác, sản phẩm du lịch này đang phô ra một bộ mặt vô cùng xấu xí. Khi ngành du lịch nói chung bị thất thu trầm trọng. Khi Nhà nước mất trắng những khoản tiền thuế khổng lồ. Du khách chi tiêu rất nhiều nhưng thực chất không mang lại nguồn lợi nào cho ngành du lịch nước sở tại vì lợi ích kinh tế từ việc mua sắm của khách đều chảy ngược về Trung Quốc (bởi các cửa hàng, dịch vụ đều do người Trung Quốc trực tiếp quản lý hoặc núp bóng pháp nhân địa phương). Đó là chưa kể tình trạng trốn thuế, rửa tiền, chuyển tiền bất hợp pháp cũng nương theo đó mà tác yêu tác quái. Đó là còn chưa kể các công ty chấp nhận hạ giá tour đến mức thấp nhất đã bày ra đủ chiêu trò hòng lừa du khách sử dụng những dịch vụ mà họ đã bày sẵn. Và vì thế, khiến ấn tượng của các vị khách láng giềng về điểm đến Việt Nam bị méo mó, xộc xệch ít nhiều.

Trước mắt, để hóa giải những mặt tiêu cực, chuyên viên Vụ Thị trường Du lịch Lê Vàng cũng đã đưa ra một số giải pháp cụ thể. Quản lý tốt các công ty lữ hành, nghiêm cấm hành vi “mua đoàn” hoặc bán lại đầu khách cho HDV. Nếu bị phát hiện sẽ tước giấy phép hành nghề HDV và giấy phép lữ hành quốc tế. Với các điểm mua sắm, cần gắn biển đạt chuẩn để bảo vệ quyền lợi khách hàng. Thành lập đội phản ứng nhanh với đường dây nóng công khai để nhận phản ánh, khiếu nại của du khách. Thái độ ứng xử của người dân hay các biện pháp quản lý của địa phương đều phải lấy lợi ích chính đáng của du khách làm trung tâm. Còn theo ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Lửa Việt, nếu kiểm soát được các cửa hàng mua sắm bán giá cao bất thường, chắc chắn sẽ không còn cơ hội cho tour 0 đồng. Cơ quan quản lý du lịch trong nước cũng cần kiểm soát hoạt động của các công ty lữ hành, không để cho phía nước ngoài điều hành tour hoặc tổ chức chương trình cho khách trên đất Việt Nam.

Ngoài ra, việc áp dụng biện pháp tuyên truyền hướng dẫn bằng video để cảnh báo khách hàng tránh “bẫy mua sắm” của chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) hay yêu cầu tour giá rẻ phải công khai dịch vụ bao gồm (và không bao gồm) những gì cho du khách lựa chọn của chính phủ các quốc gia Âu - Mỹ cũng là những kinh nghiệm quý giá mà chúng ta có thể học hỏi, áp dụng.

Ít năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành sự lựa chọn quen thuộc của đông đảo du khách Trung Quốc. Chỉ tính riêng năm 2016, lượng du khách đến từ quốc gia này đã đạt 2,7 triệu lượt. Nếu thêm cả lượng khách Đài Loan (Trung Quốc) vào con số thống kê, đã có tới xấp xỉ 32% khách nước ngoài tới Việt Nam xuất phát từ quốc gia đông dân nhất thế giới này. Năm 2016, chỉ hai thị trường “nóng” Đà Nẵng và Nha Trang đã đón tới 800.000 lượt khách Trung Quốc.