Giữ đà tăng trưởng xuất khẩu gạo

Năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,15 triệu tấn với kim ngạch 3,07 tỷ USD, được coi là một "kỳ tích" trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn bộ các hoạt động giao thương nông sản. Từ lợi thế về đà tăng trưởng đó, cộng với những kết quả đạt được trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo tiếp tục được kỳ vọng khởi sắc hơn nữa trong năm 2021.

Đóng gói gạo xuất khẩu tại nhà máy Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ). Ảnh: Vũ Sinh
Đóng gói gạo xuất khẩu tại nhà máy Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ). Ảnh: Vũ Sinh

Hướng vào chất lượng và giá trị

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hai tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo của cả nước ước đạt 608.768 tấn với kim ngạch 336,18 triệu USD, giảm 34,45% về khối lượng và giảm 21,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là giá gạo xuất khẩu từ đầu năm đến nay lại liên tục đạt mức cao, trung bình 551,7 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 12-2020 và tăng đến 15,4% so với tháng 1-2020. Nhận định về chỉ số này, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo đều cho rằng, việc sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo đều giảm trong hai tháng đầu năm là không đáng lo ngại. Nguyên nhân một phần là do thời điểm đó vụ đông xuân chưa thu hoạch rộ nên nguồn hàng cũng không dồi dào, đồng thời tháng hai lại trùng vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu nên các hoạt động giao thương có phần hạn chế. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu vẫn giữ được đà tăng trưởng của năm 2020 mới là yếu tố quan trọng đem đến nhiều hy vọng về sự bứt phá của ngành hàng này trong năm 2021. Một trong những đơn vị đầu tiên xuất khẩu gạo trong những ngày đầu năm nay là Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ). Tổng Giám đốc Công ty Phạm Thái Bình cho biết: "Đầu tháng 1-2021, công ty đã xuất hai lô hàng gạo đầu tiên với số lượng 1.600 tấn sang Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po với hai loại gạo thơm Jasmine 85 giá 680 USD/tấn và gạo Hương Lài giá 750 USD/tấn... Đây là mức giá khá cao và tương ứng với chất lượng gạo. Thời gian tới công ty còn tiếp tục xuất khẩu gạo sang các thị trường chất lượng cao khác". Không chỉ ở các thị trường chất lượng cao, mà ngay tại nhiều thị trường truyền thống, giá gạo Việt Nam cũng vẫn đạt mức tăng khá tốt. Cụ thể, Phi-líp-pin là thị trường đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam trong tháng đầu năm 2021, chiếm 48% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước; trong đó giá xuất khẩu cũng tăng 2%, đạt trung bình 537,9 USD/tấn.

Như vậy, hai tháng đầu năm 2021, mặc dù xuất khẩu có giảm về số lượng so với cùng kỳ nhưng giá gạo lại không ngừng tăng lên. Điều đó cho thấy rõ hướng đi của ngành hàng lúa gạo nước ta hiện nay là tập trung vào chất lượng và giá trị, thay bằng chạy đua theo sản lượng. Hướng đi này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu tiêu dùng và xu hướng thị trường, tuy nhiên việc duy trì và phát huy cũng đang đặt ra cho toàn ngành nhiều thách thức.

Chủ động chiếm lĩnh thị trường

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2021, sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu ước đạt 44,79 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020. Trong đó, các quốc gia tiếp tục gia tăng nhập khẩu gạo là Phi-líp-pin (tăng 13%), Bờ Biển Ngà (tăng 9,1%), Gha-na (tăng 5,6%) và EU (tăng 2,1%). Đây là những thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam, trong đó EU là thị trường nhiều tiềm năng nhờ lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8-2020. Ngoài ra, các nước Mỹ, Hàn Quốc... cũng được dự báo là những quốc gia có nhu cầu nhập khẩu gạo chất lượng cao tăng nhanh trong thời gian tới. Đặc biệt, với việc Việt Nam tham gia vào Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA), thì gạo cũng là một trong những mặt hàng được đánh giá là có nhiều lợi thế để tăng trưởng xuất khẩu.

Từ những dự báo này, để hoạt động xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng các yêu cầu của từng đối tác nhập khẩu để chủ động chiếm lĩnh thị trường. Cụ thể như với thị trường EU, năm 2021 cũng được kỳ vọng sẽ có bước đột phá lớn về sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu gạo, nên điều kiện cần thiết nhất chính là tập trung hơn nữa vào chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm chế biến sâu. Thực tế, thời gian qua, thực hiện chủ trương tái cơ cấu, ngành hàng lúa gạo cũng đã chủ động sản xuất các loại gạo có chất lượng, cho giá trị gia tăng cao, như: gạo thơm đã chiếm 26,3% trong tỷ trọng tổng lượng gạo xuất khẩu năm 2020 (gạo japonica chiếm 3,4%, gạo nếp chiếm 8,8%, gạo lứt 1,7%, gạo trắng cao cấp 3,7%...). Ngoài ra, gạo ST25 cũng liên tục đạt được vị trí thứ nhất, thứ hai về sản phẩm gạo ngon nhất thế giới. Tuy nhiên, sản lượng gạo chất lượng cao, đủ sức thâm nhập vào các thị trường "khó tính" vẫn chưa nhiều. Thí dụ như thị trường Mỹ, hai tháng đầu năm 2021, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản số một của Việt Nam, nhưng cũng chủ yếu là nhập khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, cao-su, hạt điều..., còn sản phẩm gạo vẫn chiếm số lượng rất khiêm tốn. Chính vì vậy, ngay từ lúc này, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết sản xuất, chế biến để tăng số lượng gạo chất lượng cao dành cho xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của nhiều thị trường trên thế giới, từ đó nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng cho hạt gạo Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt "Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030". Một trong những mục tiêu lớn của đề án chính là xuất khẩu gạo chất lượng cao và giá trị cao. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, xuất khẩu gạo đạt năm triệu tấn; trong đó, gạo thơm, đặc sản và japonica chiếm 40%, nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 20%, gạo phẩm cấp trung bình và thấp 15% và sản phẩm chế biến từ gạo là 5%; tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu hơn 20%. Đến năm 2030, chỉ tiêu xuất khẩu gạo đạt bốn triệu tấn, trong đó, gạo thơm, đặc sản và japonica chiếm 45%, nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 15%, gạo phẩm cấp trung bình và thấp 10%, sản phẩm chế biến từ gạo 10%; tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu hơn 40%.

THÙY ANH