Giấc mơ... “kỳ lân”

Sau màn gọi vốn thành công sáu triệu USD tại chương trình Thương vụ bạc tỷ mùa ba, Luxstay lại tạo nên “cú sốc” cho cộng đồng startup khi bắt tay ngoạn mục với Sơn Tùng MTP thông qua công ty M-TP Entertainment mà chàng ca sĩ đình đám làm chủ tịch. Không tiết lộ số tiền đầu tư, Sơn Tùng MTP chỉ khẳng định, quyết định góp vốn vì Luxstay là sản phẩm của một startup Việt đang được đón nhận trong thị trường home-sharing và mỗi bên đều có thể tận dụng thế mạnh của mình để cùng quảng bá cho du lịch Việt Nam...

Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác xã hội SMCC của Công ty CP Công nghệ chọn lọc thông tin.Ảnh | Quang Anh
Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác xã hội SMCC của Công ty CP Công nghệ chọn lọc thông tin.Ảnh | Quang Anh

Ước mơ táo bạo, hành động thực tế

Khởi nghiệp từ khi vừa rời ghế nhà trường phổ thông, Nguyễn Văn Dũng - CEO của Luxstay đã có lưng vốn kha khá với công ty Netlink - đối tác duy nhất của Google tại Việt Nam, một trong năm đơn vị trên thế giới nhận được giấy phép Đối tác xuất bản trên tất cả các nền tảng của Google. Thế nhưng, năm 2017 Nguyễn Văn Dũng, mà cộng đồng startup vẫn gọi là Steven Nguyễn đã chuyển nhượng phần lớn cổ phần của mình tại Netlink và bắt tay vào xây dựng Luxstay với day dứt, Việt Nam vẫn chưa có những startup mang tính biểu tượng. Đi qua một thời gian chưa dài, Luxstay đã có những bước chân vững chắc khi liên tục thu hút được các quỹ đầu tư nước ngoài lẫn các doanh nhân trong nước cộng tác, cung cấp dòng tiền.

Quyết định không thi đại học để mở công ty công nghệ, làm ăn phát đạt và trở thành triệu phú đô-la tự thân ở tuổi chớm đôi mươi, Steven Nguyễn lựa chọn bước ra khỏi hào quang của thành công lẫn sự an nhàn để tự nhận về mình việc khó, tiếp tục startup với một nền tảng công nghệ đã có những đối thủ ở tầm vóc toàn cầu. Tham vọng về một startup “kỳ lân” - startup tỷ đô của Steven Nguyễn không hề là viển vông nếu nhìn vào biểu đồ tăng trưởng của Luxstay, dù vẫn đang trong giai đoạn lỗ chiến lược, nhưng hoàn toàn có cơ hội trở thành một startup truyền cảm hứng như Grab, Traveloka, Go-Jek... của các quốc gia trong khu vực...

Hơn cả mục đích kiếm tiền, thật nhiều tiền để thụ hưởng cuộc sống, những startup công nghệ đang tạo được tên tuổi đều đeo đuổi ước mơ lớn lao: xây dựng nên những thương hiệu Việt Nam phủ sóng rộng khắp. Phục vụ cho niềm đam mê sách của mình, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tiki Trần Ngọc Thái Sơn lập nên trang web bán hàng trực tuyến Tiki để bán sách tiếng Anh nhập khẩu. Nhưng rồi, không còn đơn thuần chỉ là sách, chưa đầy 10 năm sau ngày khai sinh, Tiki đã vươn tầm thành nền tảng thương mại điện tử kết nối với hàng triệu khách hàng cùng chuỗi đầu cuối: kho bãi, hạ tầng, cung ứng ngày càng hoàn thiện. Nhiều nhà đầu tư sát cánh cùng Tiki, không nản lòng trước giai đoạn lỗ triền miên bởi tin cùng niềm tin sắt đá Trần Ngọc Thái Sơn nuôi dưỡng: Tiki không phải một Amazon của Việt Nam, mà sẽ là một Tiki của thế giới.

Qua những ngày tháng hào hứng phong trào, các startup đua nhau khai sinh rồi mất hút, hai năm trở lại đây, startup Việt, nhất là trong lĩnh vực công nghệ đã học hỏi kinh nghiệm thất bại của hàng nghìn người, trở nên khôn ngoan, thực tế, tỉnh táo dù vẫn ấp ôm những ước mơ lãng mạn. Sự tin cậy và phóng tay của các nhà đầu tư cũng là liều thuốc kích thích tinh thần trỗi dậy của các startup công nghệ và làm gia tăng niềm tin của thị trường vào những doanh nghiệp non tuổi đời. Chỉ riêng nửa đầu năm 2019, các startup công nghệ đã được cung cấp nguồn vốn nhiều hơn cả năm 2018, giúp Việt Nam vươn lên tốp ba khu vực Đông-Nam Á về số vốn được đầu tư vào khởi nghiệp công nghệ. Shark Dzung Nguyễn, một gương mặt được yêu mến của chương trình Shark tank Việt Nam, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm Cyber Agent Việt Nam và Thái Lan, đã đầu tư hoặc hỗ trợ gọi vốn cho nhiều nền tảng công nghệ quen tên với người tiêu dùng trong nước như Tiki, Vexere, Topica, Jupviec..., mới đây nhất chính là thương vụ sáu triệu USD của Luxstay nhận định: khác mô hình kinh doanh truyền thống, startup công nghệ không coi lợi nhuận là mục tiêu trước mắt mà thị phần và tốc độ tăng trưởng mới chính là đích hướng tới để lý giải thắc mắc, tại sao các startup công nghệ dù chưa tạo ra lợi nhuận vẫn được nhà đầu tư rót tiền đều đặn. Shark Dzung Nguyễn cũng tin tưởng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô cùng các chính sách ưu đãi thiết thực của chính phủ, đã tạo động lực cho cộng đồng startup...

Những “kỳ lân” đang cựa mình?

Chủ tịch M-TP Entertainment Nguyễn Thanh Tùng, tức ca sĩ Sơn Tùng MTP không chỉ là một ông hoàng giải trí, một nghệ sĩ có số lượng người hâm mộ đông đảo, mà còn là biểu tượng của nền kinh tế Internet ở Việt Nam, theo đánh giá của Google, Temasek và Bain & Company. Việt Nam phát triển với tốc độ hàng đầu Đông-Nam Á, chỉ đứng sau Indonesia với ba chân kiềng, thương mại điện tử, sản xuất âm nhạc và công nghệ tài chính, ước đạt con số 12 tỷ USD trong năm 2019, ước chiếm 5% GDP. Sơn Tùng MTP là nhân vật dẫn đầu của công nghệ sản xuất âm nhạc với những clip trên YouTube cán mốc một tỷ lượt xem. Chàng ca sĩ thời thượng cũng tiên phong khi vươn tầm thế giới, cộng tác với các siêu sao hàng đầu quốc tế như rapper Snoop Dogg. Nhắc tới ảnh hưởng và thị phần của Sơn Tùng MTP, để nhận ra lợi thế trước mắt của Luxstay khi thâu tóm sự ủng hộ từ lượng fan hùng hậu của nghệ sĩ, hầu hết là giới trẻ, đối tượng mà Luxstay muốn nhắm tới.

Từ những hưng phấn ban đầu, đối diện áp lực thực tế, khởi nghiệp không đơn thuần là thành lập nên một doanh nghiệp mới, các startup công nghệ trụ lại được trên thương trường đều hoặc âm thầm hoặc công khai khát vọng, trở thành những startup “kỳ lân”, những startup tỷ đô như Grab... CEO Steven Nguyễn không giấu ước mơ Luxstay sẽ tới ngày vươn tới vị trí của Airbnb. Từ ý tưởng cho thuê đệm hơi giúp những người tài chính hạn hẹp có được chỗ ngủ, cũng chỉ cần chín năm, Airbnb đã thành startup được định giá 25 tỷ USD vào 2016 và 30 tỷ USD trong 2019, có giá trị lớn thứ ba toàn cầu. Bất động sản, du lịch và công nghệ là ba nền tảng mà Steven Nguyễn kết nối để phát triển Luxstay, trong niềm cảm hứng mời gọi thật nhiều du khách quốc tế đến với các danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp của đất nước. Hai vị CEO trẻ tuổi, một 8X đời cuối (Steven sinh năm 1989), một 9X (Sơn Tùng MTP sinh năm 1994) đều đã có những thành tựu đáng kính nể, đã nắm tay nhau cùng thực hiện đưa ước mơ thương hiệu Việt bay thật cao, thật xa...

Công nghệ đã mở ra những tiện ích không thể tưởng tượng được cho cuộc sống và bất chấp những khó khăn đặc thù, giới startup công nghệ Việt Nam đang tham gia vào chuỗi toàn cầu, đồng nghĩa với việc phải chịu sự cạnh tranh gay gắt khắc nghiệt. Chính phủ cũng đưa ra nhiều chính sách cởi mở hơn, hỗ trợ thiết thực các startup, như Nghị định 13/2019/NĐ-CP, thay thế Nghị định 102/2009/NĐ-CP
vốn gây bất lợi cho các doanh nghiệp công nghệ với các điều khoản thân thiện như miễn thuế bốn năm và giảm 50% số thuế trong chín năm tiếp theo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, như phân tích của Shark Dzung Nguyễn. Con đường trở thành startup “kỳ lân” không hề bằng phẳng giản đơn, hành trình xây dựng những doanh nghiệp ngang tầm thế giới cũng không phải chuyện chém gió cho vui trên mạng, nhưng cũng không hề là ảo tưởng viển vông với một thế hệ người Việt trẻ tuổi, năng động, dám nghĩ dám làm, lại được gắn kết với nhau bằng niềm tự hào dân tộc...

“Kỳ lân” (unicorn) là tên gọi để chỉ các startup được định giá từ một tỷ USD trở lên, thuật ngữ này lần đầu tiên được bà Aileen Lee, đồng sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Cowboy Venture tại Thung lũng Silicon (Mỹ) sử dụng năm 2013 để chỉ những công ty khởi nghiệp thành công hiếm có này.