Du lịch nông nghiệp:

Để biến tiềm năng thành thế mạnh

Ở một đất nước mà lịch sử gắn chặt với nền văn minh lúa nước, có tới 70% dân số sống ở nông thôn thì cái bắt tay giữa du lịch và nông nghiệp sẽ đưa lại sự tương hỗ tích cực. Hoạt động nông nghiệp là tiền đề để phát triển sản phẩm du lịch. Du lịch phát triển sẽ góp phần phát triển ổn định khu vực nông thôn, giữ bản sắc văn hóa, thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ, làm gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp.

Học sinh trong chuyến du lịch trải nghiệm trên cánh đồng hoa hướng dương thuộc Trang trại TH True Milk ở Nghĩa Đàn (Nghệ An). Ảnh | Tiến Thu
Học sinh trong chuyến du lịch trải nghiệm trên cánh đồng hoa hướng dương thuộc Trang trại TH True Milk ở Nghĩa Đàn (Nghệ An). Ảnh | Tiến Thu

“Mỏ vàng” Agritourism

Tới Đà Lạt lần thứ ba, chị Thanh Tâm (Ba Đình, Hà Nội) được đại diện Viettravel giới thiệu tỉ mỉ rất nhiều điểm đến thú vị. Hoặc thưởng thức đồ uống tự nhiên và trải nghiệm du lịch nông nghiệp sạch trong không gian Green Box. Hoặc tham quan vườn dâu tây miễn phí của ông chủ Phan Tuấn Linh, hoặc trầm trồ với những trái bí ngô khổng lồ của ông Lê Hữu Phan hay tự tay lựa những đóa hoa tươi thắm ở Dalat Hasfarm... Tất cả đều là những trải nghiệm mới mẻ đang được rất nhiều du khách, cả trong và ngoài nước lựa chọn khi đến với xứ sở ngàn hoa.

Du lịch nông nghiệp đã trở thành một xu hướng quen thuộc trên khắp thế giới, với cái tên chung agritourism. Là cái nôi của nền văn minh lúa nước, là đất nước nông nghiệp, du lịch nông nghiệp được đánh giá là một mỏ vàng đầy tiềm năng đang chờ đợi được khai thác hiệu quả, như một thế mạnh trong tương lai của ngành du lịch Việt Nam.

Theo thông tin từ Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, nhu cầu tham quan, trải nghiệm ở khu nông trại, miệt vườn tăng đều mỗi năm, từ 20% đến 30%. Trong đó, sản phẩm du lịch nông nghiệp công nghệ cao đang được chú ý đặc biệt. Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh tại Củ Chi đã đón số lượt du khách tăng hơn 200% sau ba năm khai thác (từ 7 nghìn lượt năm 2014 lên 15 nghìn lượt năm 2017). Thời gian qua, đa dạng những sản phẩm du lịch nông nghiệp đã được hình thành và khai thác ban đầu khá hiệu quả, được trải dài từ bắc tới nam.

Ở phía bắc, nhiều tuyến điểm mới lạ, hấp dẫn đang mời gọi. Khai thác nét đặc sắc của nền văn minh lúa nước có tour trải nghiệm hoạt động nông nghiệp tại Ninh Bình - Hải Dương, tour “mùa lúa chín” ở Đường Lâm... Tour gắn với các làng nghề truyền thống như làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, làng tranh dân gian Đông Hồ... Tour khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ hoạt động du lịch học đường, du lịch cuối tuần tại Trang trại giáo dục Era House (Long Biên), Trang trại đồng quê Ba Vì, Trang trại Việt Village (Thường Tín)...

Ngược vùng trung du, miền núi phía bắc, lựa chọn của du khách được mở rộng biên độ, với những tour du lịch cộng đồng như trải nghiệm, tham quan nông trường Mộc Châu; tour ngắm ruộng bậc thang, tham quan làng bản tại Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang...

Về với miền trung, Tây Nguyên, du khách hóa thân thành nông dân ở làng rau Trà Quế, An Mỹ (Hội An), tour du lịch canh nông ở Đà Lạt (Lâm Đồng), tour trải nghiệm cà-phê ở Tây Nguyên...

Lang thang cùng sông nước Nam Bộ có dạng tour khai thác các yếu tố gắn với văn hóa, sinh thái đồng bằng sông Cửu Long như khám phá miệt vườn, chợ nổi, cù lao ở Cần Thơ, Vĩnh Long; thưởng thức đờn ca tài tử ở Bạc Liêu, trải nghiệm văn hóa Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh; lễ hội trái cây, hoa kiểng miền Tây...

Agritourism hướng tới bốn mục đích: kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp, thu hút du khách tham quan các hoạt động liên quan đến nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân, mang lại cơ hội thư giãn - giải trí - sự gần gũi với thiên nhiên và được trải nghiệm cuộc sống nhà nông cho du khách. Theo đánh giá sơ bộ của Tổng cục Du lịch, hình thức này đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cho nhiều địa phương, doanh nghiệp. Lượng khách ngày một tăng, chi tiêu, thu nhập từ hoạt động này đem lại nguồn thu ổn định cho bà con nông dân, doanh nghiệp và đóng góp tích cực cho kinh tế địa phương.

Để thoát khỏi lối mòn “tự phát”

Giàu tiềm năng là thế, tài nguyên đa dạng là thế nhưng nhìn nhận một cách khách quan, hiện tại các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún. Sản phẩm chưa thật sự hấp dẫn và ít được chú trọng về thương hiệu, thậm chí trùng lắp giữa các khu vực có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, tập quán sinh hoạt và văn hóa cộng đồng. Giá trị nông nghiệp bản địa, bản sắc văn hóa truyền thống chưa được nghiên cứu bài bản, để tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao. Ngoài ra, một số mô hình đã khai thác trong nhiều năm nhưng không được đầu tư làm mới, chủ yếu dựa vào môi trường sinh thái tự nhiên nên giảm sút sức hấp dẫn.

Bà con nông dân, vốn chỉ quen với sản xuất nông nghiệp nên kỹ năng phục vụ du khách chuyên nghiệp rất thiếu. Sản phẩm chất lượng cao chưa nhiều, nên chưa tận dụng tối đa được lợi thế để thu hút và tăng khả năng chi tiêu của khách du lịch. Hàng hóa, sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm thường do các hộ gia đình tự sản xuất nên không có thương hiệu, mẫu mã - bao bì kém bắt mắt. Ngoài ra, tính liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và điểm đến còn hạn chế, hoạt động xúc tiến quảng bá chưa được đầu tư đúng mức và chuyên nghiệp cũng là những nguyên nhân chính khiến nhịp tăng trưởng chưa cao.

Từ những hạn chế kể trên, nhiều giải pháp nhằm đầu tư cho phát triển du lịch nông nghiệp, như một xu hướng cạnh tranh tất yếu trên thị trường du lịch quốc tế đã được chia sẻ, trong khuôn khổ Hội thảo Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp từ góc độ sản phẩm và thị trường vừa diễn ra tại Hà Nội.

Theo đề xuất cụ thể của Tổng cục Du lịch, quy hoạch nông thôn mới với chính sách phát triển theo chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” (OCOP), trong đó thúc đẩy mô hình làng văn hóa du lịch là bước đi đầu tiên. Thêm vào đó, những chính sách đầu tư hạ tầng nông thôn, ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp, ưu đãi tiếp cận vốn... sẽ sớm đưa vào triển khai để tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch nông nghiệp phát triển. Xu hướng đầu tư phát triển nông nghiệp chất lượng cao của các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn như Vingroup, TH, FLC... được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động này phát triển ở cả hai khía cạnh: tạo điểm đến để thu hút và phát triển các mặt hàng nông sản được thương mại hóa để phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, mô hình phát triển du lịch sinh thái bền vững, du lịch cộng đồng gắn kết không gian sản xuất nông nghiệp cũng sẽ được đầu tư phát triển để tạo giá trị gia tăng.

Để tiềm năng biến thành thế mạnh, rất cần những định hướng và bước đi mới. Trong đó cần chú trọng sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan trong mô hình phát triển (bà con nông dân, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch - nông nghiệp - thương mại) để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, mang tính chuyên nghiệp trên cơ sở khai thác tối đa những đặc trưng ưu việt của nền nông nghiệp kết hợp với giá trị văn hóa đậm đặc bản sắc của từng vùng miền.

Mới đây, Tổ chức Du lịch nông nghiệp thế giới (Agritourism World) đã thực hiện khảo sát với 1.000 nhóm khách du lịch được lựa chọn ngẫu nhiên tại Mỹ, để từ đó đưa ra một số kết quả rất khả quan về xu hướng lựa chọn sản phẩm du lịch nông nghiệp của du khách. Trong đó, 87% trả lời “có” cho câu hỏi: “Có giới thiệu cho mọi người đến thăm điểm trang trại không?”. Cũng 87% lựa chọn trải nghiệm hình thức du lịch nông nghiệp trong tương lai. Thậm chí, 90% nhận thức “du lịch nông nghiệp tạo ra điểm đến lý tưởng”. Và có tới 96% chọn sẽ mua sản phẩm ngay tại các trang trại.