Đầu tư ven biển còn thiếu tầm

NDO -

Xác định biển là thế mạnh, thực tiễn từ đầu tư xây dựng cảng biển, các khu kinh tế (kkt), khu chế xuất (KCX) trong nhiều năm qua đem lại bộ mặt mới mẻ cho các tỉnh duyên hải. Tuy vậy, xem lại bức tranh sáng vẫn còn nhiều điểm tối.

Cảng Cái Lân, Quảng Ninh. Ảnh: T.H
Cảng Cái Lân, Quảng Ninh. Ảnh: T.H

ĐẦU TƯ TRÀN LAN

Từ những làng chài, làng muối... ra đồng thì trông trời, ra khơi thì lường gió, đi lại khó khăn, mười năm qua Nghi Sơn (Thanh Hóa) “thức dậy” phát triển thành khu công nghiệp mạnh của các tỉnh bắc miền trung. Cùng đó, tính từ năm 2002 đến nay cả nước có 15 KKT ven biển được thành lập, gồm hai KKT ở vùng đồng bằng sông Hồng; mười KKT ở vùng duyên hải miền trung và ba KKT ở đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù có quá trình hình thành và phát triển chưa dài nhưng một số các KKT đã thu hút được các dự án công nghiệp nặng, quy mô lớn trong lĩnh vực cơ khí, hóa dầu, nhiệt điện... góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế hướng biển, điển hình là công nghiệp cơ khí ô-tô tại KKT Chu Lai (Quảng Ngãi), công nghiệp luyện kim tại KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh), lọc-hóa dầu tại KKT Dung Quất (Quảng Ngãi), KKT Nghi Sơn (Thanh Hóa),...

Ông Vũ Đại Thắng - Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế- Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết : «Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, quá trình phát triển các KKT còn có một số vấn đề bất cập như chất lượng quy hoạch chưa tốt, phát triển quá nhanh về số lượng, đầu tư phát triển còn dàn trải; cơ cấu đầu tư chưa hợp lý... Trong đó, vấn đề bất cập chủ yếu là các KKT hiện vẫn dựa chủ yếu vào ngân sách Trung ương, trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn và phải phân bổ cho nhiều KKT, chưa huy động nhiều các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển KKT».

”Thực tiễn nêu trên đã dẫn tới một nhiệm vụ cấp bách là phải lựa chọn một số KKT ven biển có tiềm năng, thuận lợi nhất để tập trung nguồn lực triển khai thực hiện để sớm phát huy hiệu quả, tạo tác động tích cực lan tỏa cho khu vực chung quanh và toàn bộ nền kinh tế”- ông Thắng cho biết thêm. Về đầu tư và xây dựng cảng biển, điển hình của tình trạng thiếu quy hoạch đầu tư. Hiện có trên dưới 100 cảng biển, vừa quá thừa, mà vẫn quá thiếu.

”Có nhà khoa học đã phân tích, với 100 tỷ USD xuất khẩu, bình quân mỗi cảng biển này này chỉ xuất được 1 tỷ USD mỗi năm, nghe thật lạ tai. Lạ tai hơn, là đa số trong 100 cảng biển mỗi năm chỉ xuất được vài ba trăm triệu USD”- Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ & quản lý TP Hồ Chí Minh cho biết. Đã quá lãng phí khi xây dựng lên quá nhiều công trình không có khả năng mang lại hiệu quả, trong khi thiếu những công trình thật sự có hiệu quả cao. Đó là chưa nói đến những nghịch lý tưởng như chuyện đùa: đầu tư hàng chục hàng trăm triệu USD xây dựng những cảng có khả năng đón nhận những con tàu rất lớn, trong khi lối vào cảng chỉ đủ đi lại cho những con tàu nhỏ hơn nhiều lần.

GIẢI PHÁP THÁO GỠ

So sánh các KKT với Khu công nghiệp (KCN) về hiệu quả thì hầu hết các KKT vẫn trong giai đoạn mới hình thành. Khác với KCN, KKT có diện tích lớn hơn rất nhiều lần, bao gồm cả núi, đồi, sông biển và các hoạt động xã hội, dân sinh, mặt khác các KKT được hình thành chủ yếu ở vùng duyên hải khó khăn, xuất phát điểm thấp hơn so với nơi có các KCN rất nhiều. Các KKT hình thành trên cơ sở xác định các dự án công nghiệp động lực, chủ yếu là những lĩnh vực như hóa dầu, luyện thép, điện năng, cảng biển... Đây là những dự án khổng lồ, thời gian thực hiện rất lâu, quy mô vốn lớn. Do đó, để các dự án động lực này đi vào hoạt động để thúc đẩy sự phát triển của KKT cũng cần thời gian dài hơi hơn. Vì vậy, chưa có một quá trình đủ điều kiện để có thể đánh giá hiệu quả của các KKT.

Theo ông Vũ Đại Thắng: ”Trước hết, cần thống nhất quan điểm xác định năm nhóm KKT ưu tiên không có nghĩa là loại bỏ các KKT còn lại mà thực chất là một giải pháp lựa chọn KKT để phân kỳ đầu tư phát triển cho hợp lý, phù hợp với nguồn lực hiện có. Ngoài ra, việc lựa chọn ra năm nhóm KKT không chỉ nhằm tập trung vốn đầu tư phát triển mà còn nhằm định hướng xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên thu hút đầu tư phát triển và vận hành KKT”. Sau khi đã lựa chọn được 5 nhóm KKT ưu tiên nêu trên, cần tập trung ưu tiên các nguồn lực, trong đó có cả nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho nhóm các KKT này.

”Xây dựng cơ chế, chính sách riêng huy động các nguồn vốn đầu tư, sự tham gia của các thành phần kinh tế vào xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư sản xuất kinh doanh trong KKT dưới các hình thức đầu tư, trong đó trọng tâm là các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư. Đầu tư phát triển KKT cần tiến tới việc giảm dần trợ cấp tài chính của Nhà nước và tăng dần tỷ trọng vốn đầu tư khu vực tư nhân” - ông Thắng cho hay.

Cũng đầy cảm xúc khi nói về đầu tư cảng biển, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc cho rằng: ”Để thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2020 của Đảng, xin kiến nghị Chính phủ dựa vào Chiến lược để hoạch định những quy hoạch phát triển, bao gồm quy hoạch tổng thể cho cả nước, quy hoạch tổng thể cho từng địa phương và từng ngành kinh tế thành phần trong kinh tế biển. Khi xây dựng các quy hoạch, phải hết sức coi trọng vấn đề đầu tư. Xây dựng quy hoạch đầu tư không làm theo cảm hứng, theo mơ ước, theo ý chí, mà quên đi đòi hỏi của khoa học và thực tiễn”.