Đầu ra cho nông sản, cần cả “vĩ mô” và “vi mô”

Nửa đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 17,1 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2016. Về mặt hình thức, các con số thống kê cho thấy các chỉ số về trị giá, kim ngạch nhưng trên thực tế thị trường và đầu ra cho các sản phẩm nông sản vẫn là một vấn đề nóng bỏng, nhức nhối với ngành nông nghiệp.

Chế biến mủ cao-su tại Công ty cổ phần Cao-su Phước Hòa (Bình Dương). Ảnh | Nguyễn Hồng
Chế biến mủ cao-su tại Công ty cổ phần Cao-su Phước Hòa (Bình Dương). Ảnh | Nguyễn Hồng

Trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu, gạo, cao-su và chè là những ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cả về lượng và giá trị. Mặt hàng cao-su sáu tháng đầu năm 2017 ước đạt 462 nghìn tấn và 867 triệu USD, tăng 5% về khối lượng và tăng 58,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Xuất khẩu chè sáu tháng đầu năm 2017 ước đạt 63 nghìn tấn và 98 triệu USD, tăng 17% về khối lượng và tăng 15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Cà-phê và hạt điều là hai ngành hàng giảm về khối lượng nhưng tăng về giá trị. Cụ thể, xuất khẩu cà-phê sáu tháng đầu năm 2017 ước đạt 817 nghìn tấn và 1,86 tỷ USD, giảm 16,7% về khối lượng nhưng tăng 9,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Đối với hạt điều, sáu tháng đầu năm 2017 xuất khẩu ước đạt 149 nghìn tấn và 1,5 tỷ USD, giảm 4,4% về khối lượng nhưng tăng 20,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Đặc biệt, giá trị xuất khẩu hàng rau quả sáu tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 44,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam, chiếm 84,7% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, trong số chín mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu chủ lực, có năm mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Xét về mặt hình thức, các con số thống kê cho thấy các chỉ số về trị giá, kim ngạch nhưng trên thực tế thị trường và đầu ra cho các sản phẩm nông sản vẫn là một vấn đề nóng bỏng, nhức nhối với ngành nông nghiệp. Không nhắc thì ai cũng hiểu, từ đầu năm 2017 đến nay, các ngành hàng nông sản lại tiếp tục diễn ra những cuộc “giải cứu” bất đắc dĩ, nối tiếp nhau: Chuối (Đồng Nai), dưa hấu (Quảng Ngãi) và cuộc “khủng hoảng” thừa thịt lợn lan rộng...

Những bất ổn nói trên là nguyên nhân và cũng là cơ sở để các cấp, các ngành, trước hết là ngành nông nghiệp xây dựng những kế hoạch dài hạn (và cả ngắn hạn) tìm đầu ra cho nông sản.

Về mặt vĩ mô, tại Hội nghị sơ kết ngành nông nghiệp sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2017, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Ngành nông nghiệp cần giải quyết hai nút thắt là tổ chức sản xuất theo quy mô lớn tập trung và mở rộng thị trường xuất khẩu”. Nói đi đôi với làm, cùng trong khoảng thời gian này, Chính phủ đã cho phép Bộ NN&PTNT thành lập Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản để tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, lo đầu ra các sản phẩm nông sản. Ví như: thực hiện điều phối các hoạt động phát triển thị trường; đầu mối quản lý về chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.

Trong việc phát triển thị trường trong nước, Cục có nhiệm vụ trình Bộ trưởng cơ chế, chính sách, giải pháp, chương trình, đề án, dự án phát triển thị trường tiêu thụ nông sản trong nước; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện; thực hiện theo dõi, phân tích, dự báo và tổng hợp về tình hình thị trường, tiêu thụ hàng nông sản trong nước. Đối với nhiệm vụ phát triển thị trường nông sản quốc tế, Cục sẽ thực hiện công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo và tổng hợp báo cáo về tình hình thị trường nông sản quốc tế theo ngành hàng và theo khu vực thị trường; hướng dẫn chính sách thị trường nông sản, rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật về xuất, nhập khẩu nông sản. Cục cũng thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu môi trường và cơ hội kinh doanh nông sản tại Việt Nam.

Việc ra mắt đơn vị mới này được nhiều chuyên gia đánh giá là động thái mang tính đột phá của Bộ NN&PTNT khi từ bước nhận diện khâu yếu trong cơ cấu, chính sách, Bộ đã thể hiện rõ quyết tâm tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng dài hạn, bền vững.

Để tạo đầu ra cho nông sản thật sự bền vững, ngoài các chính sách điều hành vĩ mô các ngành hàng, các địa phương cũng phải linh hoạt tìm ra những phương pháp, công cụ vi mô thực tế để thực hiện tùy theo hoàn cảnh của mình. Qua tìm hiểu một số địa phương, chúng tôi đã ghi nhận được sự biến chuyển linh hoạt này. Tại Lạng Sơn - một cửa ngõ và là đầu ra quan trọng cho nông sản, khi một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam có dấu hiệu giảm so cùng kỳ, ngay lập tức địa phương này đã đẩy mạnh xuất các mặt hàng địa phương như: hoa hồi, chè, thạch đen, nhựa thông, sản phẩm gỗ rừng trồng... kim ngạch xuất khẩu lại tăng đều.

Hay như với lĩnh vực đang “nóng” trong thời gian qua là chăn nuôi, một số địa bàn trọng điểm như Đồng Nai đã chuyển hướng từ xuất lợn sang xuất gia cầm. Thông tin vui từ Công ty TNHH Koyu & Unitek, Khu công nghiệp Loteco, TP Biên Hòa (Đồng Nai) sắp tới xuất khẩu lô sản phẩm chế biến từ ức gà đầu tiên sang Nhật Bản, mở ra hướng đi mới cho ngành chăn nuôi cả nước. Ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai cho biết: “Đến nay mọi thủ tục đã hoàn tất. Hai bên đã ký kết các văn bản và Công ty TNHH Koyu & Unitek đã chuẩn bị sẵn sàng để xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Nhật”. Đây là tiền đề quan trọng để mở rộng thị trường xuất khẩu, hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững.

Tất nhiên, để mở rộng được thị trường cho nông sản, ngoài những chính sách vĩ mô và vi mô đan xen này, điều tiên quyết là hàng hóa nông sản Việt Nam phải xây dựng cho được những thương hiệu mạnh với những ưu việt về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm vượt trội, ngõ hầu có thể đáp ứng được những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, người tiêu dùng nội địa và quốc tế...