“Cú hích” cho sâm Ngọc Linh

Sau khi sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào danh mục sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 ngày 5-6 vừa qua, vấn đề đánh giá thực trạng về cây sâm và đề xuất các chính sách đặc thù, giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh thành cây kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, phát triển các sản phẩm từ cây sâm Việt Nam thành hàng hóa có tính cạnh tranh càng trở nên cấp thiết. Nhiều ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học tại hội thảo “Giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh” do Báo Nhân Dân phối hợp UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức đã đề xuất mô hình phát triển bền vững cho cây sâm Ngọc Linh

Trồng sâm dưới tán rừng ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh trong bài | Hoàng Thọ
Trồng sâm dưới tán rừng ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh trong bài | Hoàng Thọ

Sau hơn 40 năm kể từ lúc được phát hiện và chứng minh tác dụng thần kỳ đối với sức khỏe, cây sâm Ngọc Linh (hay còn gọi là sâm Việt Nam) có một “cú hích” quan trọng để trở thành cây chủ lực quốc gia, đó là ngày 5-6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là sản phẩm quốc gia. Từ sản phẩm mang lợi thế đặc thù cấp tỉnh, sâm Ngọc Linh sẽ được phát triển quy mô lớn hơn để bảo đảm cung ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, cạnh tranh với các sản phẩm sâm trên thị trường thế giới. Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, nếu canh tác 100 héc-ta sâm Ngọc Linh thì sau một chu kỳ canh tác là bảy năm, chỉ tính riêng việc bán sản phẩm thô là củ tươi thì doanh thu vượt mức 2.000 tỷ đồng, nếu đầu tư chế biến nhằm tăng thêm giá trị gia tăng cho các sản phẩm từ sâm Việt Nam thì giá trị còn tăng lên rất nhiều. Các bộ, ngành, địa phương kỳ vọng một ngày không xa, sâm Ngọc Linh sẽ xuất khẩu tại chỗ cho khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch.

Lợi thế nhất hiện nay để phát triển sâm Ngọc Linh là đã có hơn 40 nghìn héc-ta đất dưới tán rừng tại hai tỉnh Quảng Nam, Kon Tum được quy hoạch để trồng sâm với điều kiện tự nhiên vùng lý tưởng cho sinh trưởng của cây. Bên cạnh đó, đã có cây sâm giống rải rác trong các vườn trồng sâm của doanh nghiệp và của người dân. Còn lại, là vô vàn khó khăn, mọi thứ phải làm lại từ đầu. Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang, địa phương đang có nhiều lúng túng trong phát triển cây sâm. Cây sâm đã được tôn vinh, khẳng định vai trò qua việc Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý và Chính phủ công nhận sản phẩm quốc gia, nhưng phát triển thế nào thì cần bước đi phù hợp.

“Cú hích” cho sâm Ngọc Linh ảnh 1

Khó khăn nhất hiện nay tại hai tỉnh trồng sâm Quảng Nam và Kon Tum là thiếu giống để hình thành vùng nguyên liệu. Hiện nay, người trồng sâm nhân giống theo kinh nghiệm dân gian bằng ủ, gieo hạt, nhiều rủi ro từ môi trường, côn trùng, khí hậu khiến tỷ lệ nảy mầm thấp. Muốn có sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu cần có vùng nguyên liệu sâm với sản lượng 300-400 tấn khô/năm. “Giấc mơ” đó có thể thành hiện thực bởi các nhà khoa học đã chứng minh khí hậu tại tỉnh Quảng Nam rất thuận lợi cho sản xuất giống tập trung vì lượng mưa ít vào thời điểm cây ra hoa, sẽ cho đậu hạt nhiều. Một tin vui vừa được công bố tại hội thảo nêu trên là các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công quy trình nhân giống tập trung bằng kỹ thuật, chất lượng cao. TS Nguyễn Bá Hoạt, Viện Nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên là người nghiên cứu quy trình này cho biết, quy trình nhân giống tập trung đạt công suất hai đến ba triệu cây giống/năm. Cây giống được lưu giữ trong vườn ươm từ hai đến ba năm trước khi đem trồng để tránh sâu bệnh, côn trùng cắn phá và nạn mất trộm. Người trồng đầu tư chăm sóc thêm ba năm là có thể thu hoạch. Để ứng dụng nghiên cứu này, Nhà nước cần hỗ trợ ban đầu để thành lập doanh nghiệp khoa học-công nghệ sản xuất giống, doanh nghiệp này có nhiệm vụ thu mua các cây giống rải rác trong dân, hình thành vườn giống gốc để thu hạt, nhân giống cung cấp cho toàn vùng núi Ngọc Linh. Doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như dàn mái che, hệ thống tưới, bón tự động... để sản xuất giống hàng loạt, đồng thời, nghiên cứu tuyển chọn dòng giống thuần chủng, có chất lượng cao, dần thay thế bằng vườn giống thuần chủng, tránh được trình trạng giống bị lai tạp như hiện nay.

Trong khi đó, địa bàn tỉnh Kon Tum được các chuyên gia đánh giá có diện tích đất quy hoạch rộng, bằng phẳng, có ưu thế để phát triển vùng nguyên liệu lớn. Muốn có sản phẩm sâm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu cần có vùng nguyên liệu sâm với sản lượng 300-400 tấn khô/năm. Theo các nhà khoa học, mô hình trồng sâm bán tự nhiên dưới tán rừng như hiện nay phù hợp với người dân bản địa về quy mô, năng suất, và mục đích bảo vệ rừng. Để sản xuất lớn cần tới doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học- công nghệ trồng sâm dưới dàn mái che tại các diện tích rừng nghèo, nương rẫy. Hình thức này sẽ khắc phục được những hạn chế, rủi ro từ thời tiết, côn trùng... nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; giảm việc sử dụng đất rừng gây ảnh hưởng môi trường rừng, đất rừng. Để thực hiện, cần cơ chế ưu đãi về đất, vốn vay để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, hình thành vùng nguyên liệu tập trung tại Quảng Nam, Kon Tum và dần nhân rộng nhiều vùng có khí hậu tương tự trong nước.

Khi đã có vùng nguyên liệu, việc ứng dụng khoa học công nghệ để chế biến, bào chế các sản phẩm từ sâm như thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm là cần thiết. Nhà nước cần xây dựng các chính sách tạo điều kiện cho sâm Ngọc Linh có thể đến tay người tiêu dùng. Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường khẳng định, để sâm Ngọc Linh phát triển đúng tiềm năng sẵn có, thời gian tới Bộ Y tế sẽ khẩn trương xây dựng và bổ sung các chính sách tạo điều kiện cho việc sản xuất, đăng ký lưu hành, thử nghiệm lâm sàng, đấu thầu, thanh toán bảo hiểm y tế đối với cây sâm và thuốc từ sâm Ngọc Linh; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng giống, loài sâm Ngọc Linh nhằm phát hiện giống, loài giả, không đạt tiêu chuẩn; xây dựng các đề tài khoa học về tiêu chuẩn chất lượng của giống sâm Ngọc Linh và các chế phẩm từ sâm Ngọc Linh để làm cơ sở trong quá trình phát triển sản phẩm và kiểm soát chất lượng sản phẩm; tăng cường tổ chức quảng bá sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm... Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cũng cho rằng, sâm Ngọc Linh được công nhận là sản phẩm quốc gia thật sự là tin mừng cho các địa phương trồng sâm, cơ hội cho những khó khăn lâu nay trong phát triển sâm sẽ được giải quyết. Bộ NN&PTNT sẽ sớm nghiên cứu về xây dựng giống chuẩn để cung cấp cho địa phương. Về kỹ thuật canh tác, Bộ Khoa học và Công nghệ cần chỉ đạo nghiên cứu kỹ thuật canh tác phù hợp để chuyển giao, sản xuất sâm đại trà. Ngoài ra, cần lựa chọn đối tác để hợp tác quốc tế, học hỏi các kinh nghiệm trồng sâm.

“Cú hích” cho sâm Ngọc Linh ảnh 2

Có thể nói, những thuận lợi về nền tảng nguồn giống, tri thức kỹ thuật, điều kiện tự nhiên đã hội tụ đủ, nhưng để biến các điều kiện thuận lợi đó thành hiện thực cần sự phối hợp tích cực, chặt chẽ của chính quyền hai tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và các bộ: Khoa học và Công nghệ, Y tế, NN&PTNT trong việc ban hành cơ chế đặc thù, giải pháp thực hiện để sâm Ngọc Linh thật sự trở thành sản phẩm quốc gia.