Chủ động nắm cơ hội từ thị trường châu Âu

Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam - EVFTA đang đi đến giai đoạn cuối cùng để có hiệu lực, mở ra một thị trường tiềm năng mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việc chủ động tiếp cận để nắm vững về thị trường cũng như đối mặt với các thách thức về điều kiện nghiêm ngặt sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội từ hiệp định thương mại này.
EVFTA tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
EVFTA tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư EVIPA. Sau khi được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, Hiệp định EVFTA cần được Hội đồng châu Âu phê duyệt để có hiệu lực. Về phía Việt Nam, sau khi được Quốc hội Việt Nam thông qua (dự kiến tại kỳ họp tháng 5 tới), EVFTA sẽ ngay lập tức có hiệu lực. Còn Hiệp định EVIPA phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện châu Âu và Nghị viện của tất cả 27 nước thành viên EU, sau khi Vương quốc Anh hoàn tất Brexit mới có hiệu lực. Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình, tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU như dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ. Xuất khẩu của Việt Nam dự kiến có thể tăng thêm 20% trong hai năm tới.

Hiệp định thương mại có tính cam kết cao nhất từ trước đến nay

Châu Âu là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 đạt 56,39 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,48 tỷ USD, nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD. Do đó, Hiệp định EVFTA được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa GDP khoảng 18 nghìn tỷ USD.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Các chuyên gia cũng đưa ra con số EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% trong giai đoạn năm 2019 - 2023; 4,57 - 5,30% trong giai đoạn năm 2024 - 2028 và 7,07 - 7,72% trong giai đoạn năm 2029 - 2033.

Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả, đồ gỗ... là rất đáng kể. Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định thương mại đã được ký kết cho tới nay.

Doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận

Theo các chuyên gia, để vượt qua rào cản kỹ thuật, khai thác được tối đa lợi ích mà Hiệp định này mang lại, các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường châu Âu đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất... Trong đó, các doanh nghiệp cần bảo đảm sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động, thực vật của EU.

Bà Phùng Thị Lan Phương, Trưởng Phòng FTA, Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, đối với doanh nghiệp, yêu cầu lớn nhất đặt ra là làm sao để hiểu được các cam kết phức tạp của EVFTA, biết được những tác động của chúng tới hoạt động kinh doanh của mình, tiếp theo là có các chuẩn bị, điều chỉnh hoạt động kinh doanh thích hợp để tận dụng các cơ hội, đồng thời đối mặt với các thách thức từ Hiệp định.

Ở phạm vi rộng hơn, doanh nghiệp cần chủ động tham gia vào quá trình các cơ quan nhà nước nội luật hóa các cam kết EVFTA để có được những quy định có lợi nhất cho mình. Để thực hiện điều này với mỗi doanh nghiệp đơn lẻ là khó, nhưng nhiều doanh nghiệp liên kết với nhau, cùng với các hiệp hội doanh nghiệp thì tiếng nói lên cơ quan Nhà nước sẽ có trọng lượng và hiệu quả hơn nhiều.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngoài cung cấp thông tin, giải thích cam kết cũng như kết nối với người dân và doanh nghiệp về EVFTA, Bộ này cũng đã tổ chức các hội thảo, khóa tập huấn chuyên sâu trải dài hầu khắp các tỉnh, thành, vùng miền, tập trung tại các địa phương có các đơn vị được Bộ Công thương ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), nơi tập trung các khu công nghiệp lớn, có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu.

Mặt khác, công tác nghiên cứu thị trường, cung cầu, giá cả đang được cập nhật thường xuyên để hỗ trợ doanh nghiệp định hướng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và có thể tận dụng ngay các ưu đãi về thuế quan khi Hiệp định được chính thức đưa vào thực thi. Song song với đó, Bộ cũng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu.

Đối mặt với thách thức

Theo Luật sư Nguyễn Kiều Anh, Văn phòng luật sư NSN, Hiệp định EVFTA cũng bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi hóa thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động, thực vật, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ, phát triển bền vững... Thực hiện đầy đủ các quy định này đòi hỏi hệ thống pháp lý phải tiếp tục hoàn thiện theo yêu cầu của hội nhập quốc tế và các cam kết trong các FTA thế hệ mới một cách toàn diện, đồng bộ cả về kinh tế, chính trị, đặc biệt chú trọng đến các nội dung như mua sắm Chính phủ, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường...

Không chỉ doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải điều chỉnh chính sách để phát huy được lợi thế từ EVFTA như đẩy mạnh hoạt động cấp C/O theo hướng đơn giản hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh việc cấp C/O qua internet; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh với thể chế ổn định, minh bạch... Những giải pháp này cần sự nỗ lực đồng bộ từ cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp bằng kế hoạch dài hạn, bài bản. Ngoài ra, cần có cơ chế cảnh báo sớm để doanh nghiệp có thể chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Song song với đó, cần đẩy mạnh việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia; Phát triển và nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập quốc tế; Cần có các chính sách xúc tiến thương mại theo từng thị trường, trong cả trung và dài hạn.