Cho những mùa vàng bội thu

Bắc Ninh là tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề hoạt động sôi động. Bên cạnh thế mạnh bước tiến nhanh, vướng mắc bộn bề vẫn đang hàng ngày, hàng giờ đòi hỏi được giải quyết để theo kịp sự phát triển. Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống (Từ Sơn, Bắc Ninh) đã không ngừng nỗ lực vượt khó, vươn lên đóng góp cho sự phát triển bền vững của địa phương, minh chứng rõ nét qua những vụ mùa bội thu cho năng suất lớn, những con đường không ngập úng, những khu công nghiệp phong quang, sạch đẹp mỗi khi mùa mưa tới.

Cán bộ trạm bơm Trịnh Xá vận hành máy bơm qua hệ thống điều khiển.
Cán bộ trạm bơm Trịnh Xá vận hành máy bơm qua hệ thống điều khiển.

Nhiệm vụ thêm nặng nề

Đảm trách công tác thủy lợi trên cả địa bàn rộng lớn, tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ là tưới, tiêu nước cho nông nghiệp, vừa phục vụ phát triển công nghiệp và đời sống dân sinh, nhiệm vụ của Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống (Từ Sơn, Bắc Ninh) ngày một nặng nề. Trong khi đó, tình trạng vi phạm các công trình thủy lợi vẫn không ngừng gia tăng. Nước thải, chất thải công nghiệp từ các làng nghề, dân sinh đổ vào các hệ thống kênh mương thủy lợi chưa qua xử lý, đơn cử như tại các trục tưới tiêu chính Ngũ Huyện Khê, ngòi Tào Khê, kênh tiêu Trịnh Xá... gây nhiều khó khăn cho công tác tưới tiêu. Thực tế đáng lo ngại là nhiều khu công nghiệp lấy đất không tuân thủ chặt chẽ việc bảo đảm hoạt động của các công trình thủy lợi, lúc phát sinh sự cố, xử lý tình huống theo kiểu tắc đến đâu cải kênh đến đó dẫn đến kênh dẫn nước vòng xa hơn hoặc cải đến chỗ cao hơn, trong khi địa hình trước kia được chọn đào kênh vốn đã hợp lý lại bị lấp đi, phương án thoát nước ít nhiều bị ảnh hưởng. Chưa kể, một số công trình làm theo quy hoạch cũ dẫn đến năng lực tiêu thoát không đủ, nhưng vẫn cố tình triển khai gây nên hệ lụy đáng tiếc. Mặc dù theo quy định, khi có tác động đến công trình thủy lợi phải được sự chấp thuận của công ty thủy lợi về chuyên môn, nhưng thực tế không phải nhà đầu tư nào cũng tuân thủ đúng: kênh đất đào nông hoặc nhỏ hơn so với thiết kế, hoặc vi phạm các lỗi kỹ thuật..., có đơn vị khi thi công bỏ qua tham vấn từ công ty hoặc thi công chưa đúng nên chọn cách cực đoan là tự quản lý, khắc phục sự cố, chậm trễ bàn giao công trình. Thế nên có trận mưa tuy không lớn nhưng đường trong khu công nghiệp vẫn có nguy cơ ngập ứ nước, cũng do quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng lấp cả đoạn kênh mà phớt lờ, không thông qua ý kiến của đơn vị khai thác công trình thủy lợi.

Tầm nhìn trong quy hoạch đô thị còn hạn chế cũng là một tác nhân. Trước kia làm ống cống bé, cửa thoát nước nhỏ, tiêu chuẩn thấp nên những năm gần đây tình trạng xây dựng ồ ạt, các công trình thoát nước đô thị, thủy lợi, cầu cống bị quá tải. Rồi bất cập thời tiết do biến đổi khí hậu cực đoan, bão vào không theo quy luật nào nên khó dự báo. Thêm nữa, mùa hạn sông cạn kiệt, lượng nước trên các triền sông luôn thấp hơn 1- 1,5m so với chục năm về trước, mùa khô lượng nước thiếu cộng với lòng sông nạo vét sâu nên tưới tiêu càng khó khăn. Đơn cử, trước kia nước từ cống Long Tửu về trạm Trịnh Xá bơm tưới cho gần cả khu vực Bắc Đuống cùng một vài trạm bơm nhỏ cung cấp thêm là đủ, giờ trạm Trịnh Xá gần như không còn nước để bơm, chi phí cũng phát sinh cao hơn bởi trước chỉ cần một cống lấy nước và các trạm bơm bơm nước lên đồng để tưới nay phải bơm tới hai lần.

Trên thực tế, muốn thoát nước nhanh thì kênh mương phải thông thoáng. Dạo trước, diện tích đất trồng lúa nhiều ao hồ trũng, nước còn có chỗ chứa đến nay bị san phẳng bởi phần lớn quỹ đất chuyển cơ cấu sang công nghiệp, cốt nền nâng lên, hệ số tiêu đòi hỏi tăng gấp ba lần trong khi quy hoạch chưa theo kịp nên khó khăn tăng gấp bội. Đó là chưa kể có những trận mưa vượt tần suất thiết kế, một số trạm bơm chưa có điều kiện nâng cấp. Đô thị phát triển kèm theo bài toán lợi ích kinh tế. Công trình thủy lợi vốn dàn trải, len lỏi khắp nơi, làm thế nào vẫn phát triển mà ngăn chặn, hạn chế tối đa vi phạm luôn là bài toán đặt ra.

Kiên trì vượt khó

Giữ cho nhịp độ phát triển công nông nghiệp và đời sống đô thị không bị ảnh hưởng bởi ngập úng, là ưu tiên hàng đầu của tập thể những người làm công tác thủy lợi Bắc Đuống. Và quyết tâm biến thành hành động, nhiều sáng kiến đã ra đời trong hoàn cảnh “cái khó ló cái khôn”. Quá trình bơm nước, rác thường trôi, quấn vào cánh quạt, anh em có sáng kiến buộc dây treo nắp B lên. Lúc dừng máy, toàn bộ rác dồn ngược trở lại trôi ra ngoài, có bộ phận kết hợp ở bên ngoài vớt nhanh để rác không kịp quay trở lại. Thao tác tưởng đơn giản nhưng cần tính toán kỹ làm thế nào để lượng nước đủ để trôi rác đi, rồi lực treo bao nhiêu thì đủ vì nếu lực quá mạnh dễ gây tai nạn. Trước kia vớt bèo rất vất vả, mất thời gian, anh em sáng chế một loại dụng cụ như cái cào có nhiều răng, sau đó quăng dây giữ chặt mảng bèo lại, chỉ việc đứng một chỗ lôi vào, chẳng cần đi thuyền ra vớt.

Cho những mùa vàng bội thu ảnh 1

Cửa điều tiết trạm bơm Trịnh Xá.

Nghề thủy lợi vốn không ít cực nhọc. Công trình thủy lợi thường đặt ở những nơi sâu, xa, đời sống chưa phát triển, đường sá đi lại khó khăn, những lúc nắng gắt, mưa to gió lớn, cán bộ không thể vắng mặt. Mỗi năm cao điểm mưa bão và chống hạn, toàn bộ máy móc, thiết bị luôn phải kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, nếu cần thiết phải sửa chữa, nâng cấp, thay thế kịp thời, bảo đảm 100% đầu máy vận hành tốt, vật tư dự phòng đầy đủ, sẵn sàng ứng phó; rồi vớt bèo khơi thông dòng chảy để kênh mương thông thoáng nhất có thể, bơm nước dễ dàng không ách tắc, không hao hụt. Các đầu mối phải được kiểm tra kỹ lưỡng, chặt chẽ, xây dựng cụ thể các phương án xử lý sự cố, chủ động đặt ra các tình huống để ứng biến kịp thời, mau lẹ, tránh bị động như mưa vượt tầm suất, mất điện thì dùng máy bơm dầu để bơm tầng hầm, treo những động cơ nhỏ lên cao tránh ngập máy, gây hỏng...

Áp lực về công nghiệp, dân sinh ngày một cao, trong khi áp lực trong nông nghiệp cũng không giảm đòi hỏi những người làm công tác thủy lợi phải nỗ lực nhiều hơn. Giám đốc Công ty Bắc Đuống Nguyễn Văn Ty bộc bạch, dù GDP thu nhập từ nông nghiệp chỉ đạt 3% GDP của tỉnh trong khi diện tích đồng ruộng chiếm 50%, tuy nhiên vì mục tiêu an ninh lương thực cũng như bảo đảm đời sống người dân, công ty cố gắng ở mức cao nhất bảo đảm tốt nhất nhiệm vụ cung ứng tưới tiêu cho hoạt động sản xuất của bà con. Anh Đặng Văn Lương, Giám đốc xí nghiệp đầu mối Trịnh Xá - Long Tửu chia sẻ, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, áp dụng khoa học kỹ thuật hình thành vùng sản xuất chuyên canh cần phải tưới nhiều lần hơn, tốc độ tưới nhanh hơn, đặc biệt chất lượng nước phải sạch, đòi hỏi chúng tôi phải kiểm soát nguồn nước tốt hơn.

Với địa bàn đặc thù có nhiều khu công nghiệp như Bắc Ninh, đô thị ngày càng phát triển mạnh, yêu cầu đặt ra là không thể để ngập lụt, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến máy móc, trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, thiệt hại vô cùng nặng nề. Sự chung tay, vào cuộc tích cực của những đơn vị bạn cũng giúp tiêu nước nhanh, bớt ngập úng. Lúc mưa to, cán bộ công ty thoát nước và xử lý nước thải túc trực ở các tuyến phố, vơ cành lá cây rơi xuống hố ga, chắn miệng cống, thao tác thoát nước nhanh chóng bởi chỉ mươi phút chậm trễ cũng có thể gây ngập cả khu phố. Cán bộ thủy lợi phối hợp nhịp nhàng, ăn ý nên mọi chuyện dần ổn thỏa.

Khó khăn không ít nhưng thuận lợi cũng nhiều. Từ khi thành phố Bắc Ninh trở thành đô thị loại một, công tác thủy lợi càng được quan tâm, chú trọng, đặc biệt là đầu tư tiêu thoát nước cho các khu công nghiệp. Nhiều lãnh đạo tỉnh vốn xuất thân từ cán bộ nông nghiệp, phong cách làm việc quyết đoán, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, xông xáo đi cơ sở nên anh em cũng cuốn theo, lăn xả, tận tụy với công việc, sáng tạo, chủ động vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Bà con nông dân cũng bớt phần cực nhọc bởi ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, thêm những đồng lúa thóc vàng óng mẩy, đường sá phong quang không ngập lụt, các khu công nghiệp duy trì phát triển sản xuất ổn định. Trong thành quả ấy không thể thiếu sự chung tay, góp sức của những người làm thủy lợi Bắc Đuống và đó chính là niềm hạnh phúc vô bờ vì sự no ấm và phát triển của quê hương.