Câu chuyện taxi

Việc các hãng taxi truyền thống liên tục phản đối công ty Grab hay Uber khi các thương hiệu này vào Việt Nam đã được cơ quan quản lý vào cuộc từ lâu. Một số quy định đã được bổ sung hoặc điều chỉnh song có vẻ như sự lúng túng của các nhà làm chính sách đã góp phần làm cho sự việc bị đẩy lên cao trào khi mới đây công ty taxi truyền thống Vinasun đứng ra kiện Grab vì làm sụt giảm doanh thu của đơn vị này. Dư luận tốn khá nhiều giấy mực trước những phán xử gây tranh cãi để rồi vụ kiện bị trì hoãn từ lần này đến lần khác.

Câu chuyện taxi

Thương trường là chiến trường

Chưa bao giờ câu nói này lại được minh chứng rõ ràng như vậy trong câu chuyện Công ty cổ phần Ánh dương Việt Nam (Vinasun) đệ đơn kiện Công ty TNHH Grab lên Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về những tranh chấp bồi thường thiệt hại mà theo cáo buộc gây sụt giảm doanh thu cho đơn vị đi kiện. Với sự quan sát bên ngoài, nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là nỗ lực cuối cùng của một mô thức kinh doanh truyền thống sau cả một quá trình vật lộn để đối đầu với sự xuất hiện một mô hình kinh doanh mới với sự trợ giúp của khoa học công nghệ cấp tiến hơn. Mặc dù Vinasun cũng như nhiều doanh nghiệp vận tải taxi khác đã từng tuyên truyền và vận động xã hội khi treo những khẩu ngữ “Đi taxi truyền thống là bảo vệ nền tài chính quốc gia” trên những chiếc xe taxi có mào của mình song họ vẫn phải đối mặt với thực tế là doanh thu liên tục sụt giảm. Lý lẽ họ đưa ra trong vụ kiện này là Grab đã vi phạm Luật Cạnh tranh khi đưa ra những chính sách giá không bình đẳng với các hãng taxi truyền thống. Song Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh sau một vài phiên xử đã phải quyết định tạm ngừng phiên tòa vì cần xác minh, thu thập, bổ sung thêm tài liệu trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng, dự kiến vào ngày 22-11 tới.

Ai là người bị thiệt

Điều đáng nói là trong khi vụ kiện chưa ngã ngũ thì người tiêu dùng lại là những người bị thiệt thòi. Chị Vân Anh có con đi học đặt xe Grab hằng ngày cho biết, thời gian gần đây các mã khuyến mại của Grab giảm đáng kể. Con trai chị và hai người bạn khác thường chung nhau đặt xe để đi học hằng ngày trước đây chỉ tốn khoảng 100 nghìn đồng/tuần mỗi bạn thì nay con số phải tăng lên gấp đôi. Sự chênh lệch về giá có lúc gần như không có sự khác biệt với xe taxi truyền thống, nhưng vì đã quen với phương thức đặt xe, thanh toán cùng những thuận tiện khác khiến cho các gia đình có nhu cầu đặt xe thường xuyên như chị Vân Anh vẫn sử dụng Grab.

Không chỉ cung cấp dịch vụ đặt xe, Grab còn khuyến khích người tiêu dùng đưa ra nhận xét, đánh giá, cho điểm về dịch vụ vận tải như năng lực, phong cách người lái xe, chất lượng xe... Đây cũng là một “chế tài mềm” mà người sử dụng nắm quyền “phán quyết”. Việc có tiếp tục sử dụng dịch vụ hay không phụ thuộc vào sự hài lòng của khách hàng. Điều đó khiến các lái xe luôn phải cố gắng tạo được dịch vụ tốt nhất và được duy trì công việc. Chính cơ chế vận hành như vậy với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin khiến cho các loại hình đặt xe như Grab đã phát triển mạnh không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Theo một số chuyên gia, phải khẳng định rằng Grab hay các công ty hình thức tương tự là các công ty công nghệ, họ mang lại những giải pháp để tạo sự kết nối và chia sẻ các phương tiện giao thông mang lại hiệu quả về chi phí và giá thành tiết kiệm cho người tiêu dùng. Các công ty truyền thống vẫn có các đối tượng khách hàng của mình với nhu cầu hoặc sở thích sử dụng taxi truyền thống. Song về tổng thể chiếc bánh thị trường giờ đây phải san sẻ khi những người tiêu dùng trẻ tuổi, những người sử dụng được công nghệ thông tin tìm đến các phương thức tiện ích hơn.

Đề cập đến vụ kiện của Vinasun, có ý kiến cho rằng, việc Bộ Giao thông vận tải đưa ra những quy định về vận dụng thí điểm mô hình taxi mới đã “vô tình” đưa Vinasun và Grab vào cùng một loại hình kinh doanh dịch vụ vận tải và chịu sự điều chỉnh chung của Luật là không phù hợp. Theo kinh nghiệm của phần lớn các nước trong khu vực không coi dịch vụ của Grab là nền tảng dịch vụ vận tải. Thí dụ, Singapore không coi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kết nối vận tải là doanh nghiệp vận tải. Các doanh nghiệp như Uber/Grab được coi là các doanh nghiệp cung cấp công nghệ và mô hình kinh doanh mới, thông qua nền tảng kinh tế chia sẻ giúp nâng cao hiệu quả nguồn lực, cho phép người dùng có nhiều lựa chọn hơn với chi phí thấp hơn. Indonesia không định danh dịch vụ hỗ trợ cho Dịch vụ xe hợp đồng đặc biệt mà chỉ đưa ra các yêu cầu đối với nhà cung cấp ứng dụng công nghệ. Philippines gọi là Dịch vụ mạng lưới vận tải. Malaysia phân loại là Dịch vụ trung gian. Trung Quốc cũng hợp pháp hóa các dịch vụ gọi xe trực tuyến trong các văn bản của Bộ Giao thông vận tải nước này, khuyến khích hoạt động đặt xe trực tuyến và thanh toán không tiền mặt.

Chính vì vậy, việc coi loại hình dịch vụ này như dịch vụ taxi trong dự thảo mới thay thế Nghị định 86 được nhiều chuyên gia đánh giá là cách tiếp cận khác xa so với quốc tế.

Chúng ta mong muốn có được thị trường cạnh tranh, tránh bị độc quyền, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vì vậy việc kết quả xử vụ Vinasun kiện Grab được chờ đợi sẽ không chỉ bảo vệ được lợi ích người dân, Nhà nước, thúc đẩy tiến bộ xã hội mà còn là thông điệp về việc xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, hiện đại, kiến tạo phát triển, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.