Cẩn trọng vay tiền qua các ứng dụng trực tuyến

Thời gian gần đây, tình trạng cho vay tiền qua các ứng dụng trực tuyến (vay qua app) diễn ra phổ biến. Tuy nhiên trong lúc các cơ quan quản lý còn đang đề xuất cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) thì dịch vụ cho vay tiền qua app ngày càng nở rộ và biến tướng thành tín dụng đen khi lãi suất cho vay được đẩy lên vượt quy định cho phép hàng trăm lần.

Cần kiểm soát chặt chẽ dịch vụ cho vay tiền qua app, không để biến tướng thành tín dụng đen. Ảnh | Khả Hòa
Cần kiểm soát chặt chẽ dịch vụ cho vay tiền qua app, không để biến tướng thành tín dụng đen. Ảnh | Khả Hòa

Vay qua app với lãi suất cắt cổ

Vay tiền trên các ứng dụng trực tuyến hấp dẫn người vay ở việc đáp ứng được nhu cầu tài chính tức thời với thủ tục, cách thức cho vay nhanh gọn. Các giao dịch được thực hiện trực tuyến, thông qua các trang web, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh. Người có nhu cầu vay tiền nhanh chóng được đáp ứng với một số thao tác đăng ký đơn giản trên máy tính như: tải app, điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp cá nhân và chứng minh nhân dân, đồng ý cho app truy cập danh bạ cá nhân...

Với một số người cần gấp số tiền không quá lớn, hoặc quá gấp rút để giải quyết công việc họ thường “tặc lưỡi” cho qua, thế nhưng đối với nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, họ thực sự “hãi hùng” bởi lãi suất cắt cổ và nhiều người bị “khủng bố” bởi cách thức đòi nợ “tàn khốc” của chủ sở hữu những ứng dụng cho vay này khi rơi vào cảnh chưa trả được nợ.

Chị Anh Thư, ở TP Hồ Chí Minh cho biết vì cần gấp tiền chi tiêu nên vay 1,6 triệu đồng qua app, nhưng số tiền chị nhận được thực chất là một triệu đồng, số tiền còn lại được tính vào các loại phí. Sau một tuần, chị Thư phải trả đủ 1,6 triệu đồng. Như vậy, theo các luật sư, số tiền vay nêu trên đã chịu lãi suất 8,6%/ngày, tức là hơn 200%/tháng. Trong khi đó, theo quy định của Điều 486 Bộ Luật Dân sự 2015, lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm. Câu chuyện chị Thư chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp vay tiền qua các app ngày một nhiều với nhiều biến tướng mà hầu hết các mức lãi suất đều vi phạm quy định của Bộ luật Dân sự. Điều đáng nói, khi những người vay tiền làm thủ tục vay tiền qua app, thông thường các app này yêu cầu người vay phải cho phép app truy cập danh bạ điện thoại. Vì vậy, những người vay tiền không trả nợ đúng hạn thì chủ sở hữu app sẽ gọi điện quấy rầy người thân, nhằm tạo sức ép cho người vay phải trả nợ.

Mới đây, Công an TP Hồ Chí Minh triệt xóa và mở rộng điều tra nhiều băng nhóm cho vay nặng lãi thông qua các ứng dụng trực tuyến như Doctor app, Vdong, Openvay, Tiennhanh, Vtdong, Movay... Nhiều ứng dụng trong số này cho vay với lãi suất lên tới 75%/tháng và 912,5%/năm.

Được biết, Bộ Công an đã ra thông cáo khẳng định ứng dụng vay tiền trực tuyến thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp. Người đi vay không cần có tài sản bảo đảm và người cho vay thì dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Việc vay tiền qua app rất thuận lợi, nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh các app cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai, minh bạch thì hiện nay xuất hiện nhiều app cho vay tiền núp dưới hình thức tín dụng đen, cho vay với lãi suất cắt cổ. Do đó, Bộ Công an khuyên người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ... trước khi quyết định vay tiền qua app. Người vay cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả,...).

Theo Bộ Công an, nếu các đối tượng, tổ chức đứng sau các app cho vay tiền dính tới việc cho vay với lãi suất cao, khủng bố người vay thì có thể bị xử lý với Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Cần sớm có quy định kiểm soát

Trước thực trạng nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng cần xem lại thời gian cũng như cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech, trong đó có hoạt động cho vay qua app nhằm có thể nhanh chóng kiểm soát được hoạt động cho vay đang gây nhiều bất ổn cho xã hội. Việc có một khuôn khổ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho hoạt động Fintech sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ. Đặc biệt, sẽ hạn chế rủi ro xảy ra cho khách hàng khi tham gia sử dụng dịch vụ Fintech chưa được cho phép chính thức là rất cần thiết. Trong lúc chờ cơ quan quản lý hoàn thiện các bước thử nghiệm trước khi có thể tiến tới xây dựng và thông qua các quy định pháp lý về hoạt động Fintech cũng như hoạt động cho vay ngang hàng bao gồm việc cho vay qua app, nhiều ý kiến cho rằng cần có biện pháp kiểm soát hoạt động này để giảm rủi ro.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các quốc gia đều xem cho vay qua app là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, cần được cấp phép, việc chậm trễ trong ban hành quy định quản lý dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng tài chính và gây bất ổn kinh tế - xã hội. Tuy nhiên tại Việt Nam hiện thời chưa có quy định pháp luật quản lý chuyên ngành về hoạt động này, do vậy các cơ quan quản lý cần phối hợp rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định về điều kiện kinh doanh đối với hoạt động cho vay qua app.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đề xuất, NHNN có thể xem xét bổ sung thêm quy định cho phép các công ty tham gia hoạt động cho vay ngang hàng được truy cập thông tin tín dụng từ cổng thông tin kết nối khách hàng vay của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam thuộc NHNN. Khi được truy vấn thông tin khách hàng trên hệ thống này, các công ty hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng sẽ biết người vay có bị nợ xấu hay không. Nhờ đó, quyền lợi an toàn vốn của nhà đầu tư sẽ được bảo đảm tốt hơn đồng thời giúp người dân tiếp cận kênh tín dụng chính thức thay vì tiếp cận tín dụng đen.

Luật sư Đào Thúy Hoàn cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng ban hành khung pháp lý thí điểm cho các mô hình dịch vụ mới này chứ không nên kéo dài, tránh để hoạt động này ở ngoài vòng pháp luật lâu. Khung pháp lý sẽ tạo cơ hội công bằng cho các công ty được tiếp cận lẫn tham gia cung ứng dịch vụ tài chính qua app.