Dấu ấn kinh tế 2020:

Vượt lên thách thức của thiên tai và dịch bệnh

Năm 2020, kinh tế Việt Nam tăng trưởng GDP 2,91%. Đây là mức tăng thấp nhất trong gần 10 năm qua của Việt Nam nhưng là thành công lớn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước và khu vực, kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá thuộc nhóm các quốc gia có mức tăng trưởng tốt nhất thế giới.

Sản xuất máy điều hòa tại công ty CP Daikin Việt Nam. Ảnh | Anh An
Sản xuất máy điều hòa tại công ty CP Daikin Việt Nam. Ảnh | Anh An

Thực hiện thành công mục tiêu kép
 
 Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, đại dịch ít nhiều đã được kiểm soát tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định Việt Nam đã thực hiện thành công mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Mức tăng trưởng 2,91% đạt được là cao hơn so với mức dự đoán mà Ngân hàng Thế giới đưa ra hồi tháng 10-2020.
 
 Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU, có hiệu lực từ ngày 1-8-2020, được Tổng cục Thống kê đánh giá là một trong những lý do thúc đẩy kinh tế tăng mạnh trong quý IV so với các quý trước trong năm. Trong quý I, thời điểm Việt Nam phát hiện ca lây nhiễm Covid-19 đầu tiên, mức tăng trưởng là 3,68%, Sang tới quý II, thời điểm lần đầu tiên áp dụng “cách ly toàn xã hội”, mức tăng sụt mạnh xuống còn 0,39%. Quý III, mức tăng là 2,69%, và quý IV là 4,48%. Mức lạm phát cơ bản trung bình của cả năm là 2,31% so với năm trước.
 
 Kết quả này có được nhờ dịch bệnh trong nước được kiểm soát vững chắc, giảm thiểu số người chết, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng được đạt nhiều kết quả tích cực. Theo Thủ tướng, thành quả chống dịch là sự nỗ lực của hệ thống chính trị và toàn dân khi Việt Nam được đánh giá là mô hình chống Covid-19 hiệu quả trên thế giới. Ông cũng đánh giá, 2020 là năm thành công nhất nhiệm kỳ về ý chí và tinh thần vượt khó vươn lên của người dân và các cấp chính quyền. Nhìn lại 5 năm qua, Việt Nam tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Riêng năm 2020, Việt Nam tăng trưởng gần 3%; quy mô kinh tế đạt 340 tỷ USD, đứng trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, tương đương và vượt qua một số nền kinh tế lớn trong khu vực. 
 
 Củng cố niềm tin của người dân và doanh nghiệp
 
 Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam và bắt đầu tác động tiêu cực tới nền kinh tế, hàng loạt các chủ trương, chính sách được ban hành đã kịp thời góp phần bảo đảm an sinh xã hội, tạo niềm tin vững chắc cho nhân dân vào sự điều hành, lãnh đạo của Đảng, Chính phủ; hỗ trợ trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm bớt sự ảnh hưởng của chuỗi đứt gãy cung ứng.
 
 Cụ thể như: Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng số tiền khoảng 62 nghìn tỷ đồng; Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19...
 
 Chính phủ đã kêu gọi củng cố năm mũi giáp công để khôi phục nền kinh tế bao gồm thu hút đầu tư tư nhân trong nước, thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư công, khuyến khích tiêu dùng nội địa. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, cần hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, tốt hơn nữa để vực dậy sức sống mãnh liệt của các thành phần kinh tế. Nhờ sự nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, nhiều ngành kinh tế sau khi sụt giảm đã có sự phục hồi và đóng góp lớn giúp nền kinh tế tăng trưởng dương, cùng với đó, kinh tế vĩ mô vẫn giữ được sự ổn định.
 
 Trái ngược với lo ngại xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu sẽ sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 của Việt Nam ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 xuất siêu khoảng 19,1 tỷ USD - mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Đây là kết quả ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu.
 
 Theo đánh giá của các chuyên gia, động lực chính để nền kinh tế có sức chống chịu và đạt kết quả tốt như vừa qua xuất phát từ nền tảng là niềm tin và một tầm nhìn chung về phát triển kinh tế và kiểm soát dịch bệnh. Chính phủ đã kiên định trong điều hành chính sách vĩ mô trước những sức ép mở rộng chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ... điều này quay trở lại củng cố niềm tin của doanh nghiệp, người dân. Đây là một thành tựu rất đáng ghi nhận.
 
 Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2020 ước đạt 117,9 triệu đồng/lao động, tương đương 5.081 USD/lao động, tăng 290 USD (tương đương tăng 5,4%) so với năm 2019. Điều này cho thấy năng suất lao động của người Việt đang được cải thiện theo hướng tích cực, tay nghề lao động được nâng lên. Trong năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2,3% so với năm trước nhưng có số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3%. 
 
 Triển vọng và thách thức năm 2021
 
 Với những nỗ lực của Việt Nam đạt được trong năm 2020, nhiều tổ chức quốc tế, định chế tài chính đã dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 khá tích cực. Trong báo cáo “Điểm lại tình hình kinh tế của Việt Nam”, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo năm 2021 kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,8% và ổn định ở mức 6,5% trong các năm tiếp theo. Dự báo này của WB được đưa ra dựa trên giả định khủng hoảng Covid-19 dần được kiểm soát, và vắc-xin Covid-19 chứng minh được tính hiệu quả.
 
 Còn bà Era Dabla Norris, Trưởng phái đoàn Vụ châu Á - Thái Bình Dương Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, những chính sách củng cố tài khóa thận trọng trong quá khứ đã tạo điều kiện cho Việt Nam triển khai được những biện pháp ứng phó. Các chính sách tài khóa chủ yếu đi theo hướng hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ gia đình dễ bị tổn thương. Các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ và giảm căng thẳng tài chính tạm thời của Ngân hàng Nhà nước đã giúp giảm áp lực thanh khoản, hạ thấp chi phí nguồn vốn và bảo đảm tín dụng tiếp tục lưu thông. Đại diện IMF cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục trong năm 2021 với GDP đạt 6,7%.
 
 Theo các chuyên gia trong nước, sự ổn định kinh tế vĩ mô và những kết quả tăng trưởng trong bối cảnh năm 2020 sẽ là nền tảng tốt và tạo đà tốt cho tăng trưởng kinh tế trong năm tới. Trong ngắn hạn năm 2021, đồ thị hình chữ V khả năng sẽ được tiếp nối, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đã có sự phục hồi, khi vắc-xin phòng, chống Covid-19 đã được sản xuất thành công sẽ hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế trên diện rộng. Đồ thị tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam sẽ còn phụ thuộc vào sự phục hồi của kinh tế toàn cầu hiện vẫn còn nhiều yếu tố biến động. Những điều này có thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và phá sản, căng thẳng trên thị trường lao động. Những bất trắc này khiến việc linh hoạt điều chỉnh quy mô, cơ cấu hỗ trợ chính sách sẽ trở nên rất quan trọng, trong đó, chính sách tài khóa phải đóng vai trò lớn hơn.