Sửa đổi Nghị định 67 để ngư dân yên tâm vươn khơi

NDO -

NDĐT - Đó là mong muốn của ngư dân, cũng như của đại diện cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia, đại biểu dự Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 - Những vấn đề cần đặt ra” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức ngày 29-8, tại Đà Nẵng.

Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 - Những vấn đề cần đặt ra”.
Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 - Những vấn đề cần đặt ra”.

Hơn 200 đại biểu dự hội thảo là lãnh đạo chính quyền, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Hội Nông dân các tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền trung, đại diện một số ngân hàng và chủ tàu cá đánh bắt xa bờ vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Nghị định 67 là chủ trương lớn, đúng đắn và hết sức kịp thời của Đảng, Nhà nước, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân, góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu ngành thủy sản và phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 67 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc từ nhiều phía, cả từ chính sách của nhà nước còn thiếu đồng bộ, ngư dân khó tiếp cận với nguồn vốn, công tác thiết kế, thi công, công tác giám sát đóng mới tàu cá thiếu minh bạch, dẫn đến sự cố tàu đóng không đúng thiết kế, không theo yêu cầu sử dụng của ngư dân, nhiều tàu mới đóng xong đã hư hỏng.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận những nội dung chính như: Chính sách đầu tư hạ tầng cho cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão; việc tiếp cận nguồn vốn chính sách tín dụng; bảo hiểm cho tàu cá; thiết kế, thẩm định, giám sát chất lượng đóng tàu; đào tạo nhân lực; nâng cao hiệu quả khai thác, đánh bắt…

Ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN và PTNT cho biết, đến nay, có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển (trừ TP Hồ Chí Minh) đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu.

Các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 1.005 tàu, trong đó đóng mới 880 tàu và nâng cấp 125 tàu. Số tiền cam kết cho vay là 9.931 tỷ đồng; giải ngân cho vay được 9.012 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.838 tỷ đồng.

Đến ngày 31-7-2017, đã hoàn thành việc đóng mới và đưa vào hoạt động 761 tàu cá công suất lớn, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ; 105 tàu được sửa chữa, nâng công suất.

Sửa đổi Nghị định 67 để ngư dân yên tâm vươn khơi ảnh 1

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị: Đừng bắt ngư dân phải thế chấp nhà cửa để vay vốn đóng tàu cá.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định: Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản là chính sách lớn, kịp thời và phù hợp với nguyện vọng của ngư dân, tạo động lực phát triển thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Việc thực hiện Nghị định 67 đã góp phần quan trọng thúc đẩy mạnh hoạt động khai thác hải sản xa bờ, nâng cao năng suất, sản lượng, thu nhập đời sống của người dân và tăng cường bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng gặp nhiều khó khăn. Ví như ngư dân muốn vay vốn không chỉ phải thế chấp con tàu, mà còn phải thế chấp cả nhà cửa, đất đai. Điều đó khiến ngư dân và gia đình lo ngại và chần chừ khi tiến hành thủ tục vay vốn.

“Nhà nước cần khuyến khích đóng tàu lớn, và đóng tàu vỏ thép bằng nhiều hình thức, để hình thành những đội tàu hùng mạnh vươn khơi bám biển sản xuất, phát triển kinh tế biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”, ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT TP Đà Nẵng, kể từ khi UBND thành phố ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân đóng mới tàu cá theo Quyết định 7068 ngày 29 tháng 8 năm 2012 (được thay thế bằng Quyết định 47/QĐ-UBND ngày12-12-2014 theo tinh thần Nghị định 67), đến nay số lượng tàu cá đóng mới của Đà Nẵng tăng đáng kể qua từng năm.

Tính hiệu quả, thiết thực của nội dung chính sách đã tác động trực tiếp đến bà con ngư dân thành phố. Chính sách đã phần nào làm thay đổi cơ cấu đội tàu khai thác hải sản xa bờ của thành phố, ngày càng lớn hơn, hiện đại hơn, nhanh chóng đạt được mục tiêu định hướng phát triển của ngành đến năm 2020 theo nội dung Quyết định 8918 của UBND TP Đà Nẵng.

Sửa đổi Nghị định 67 để ngư dân yên tâm vươn khơi ảnh 2

Đội tàu đánh bắt xa bờ của Đà Nẵng.

“Ngư dân Đà Nẵng đang có xu hướng chuyển sang hoạt động các nghề khai thác xa bờ để được hưởng hỗ trợ như nghề câu cá ngừ đại dương, nghề lưới rê khơi, nghề lưới vây khơi, nghề câu khơi, chụp mực khơi, rê chuồn…, đây là các nghề mang tính bền vững đối với môi trường, nguồn lợi hải sản”, ông Nguyễn Đỗ Tám phân tích.

Hiện nay, ngư dân đánh bắt trên các vùng biển của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Đề nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ đối với hộ ngư dân đánh bắt trên ngư trường của Việt Nam bị tàu nước ngoài đâm va, xua đuổi, bắt giữ, hỗ trợ chi phí lai dắt tàu cá bị nạn vào bờ, chi phí trục vớt, hỗ trợ chi phí sửa chữa, khôi phục ngư cụ bị mất, hư hỏng do tàu nước ngoài gây ra.

“Cần có chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản tại ngư trường quần đảo Hoàng Sa để động viên ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển khai thác hải sản, kết hợp với tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam, đặc biệt là chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa Việt Nam", ông Nguyễn Đỗ Tám nói.

Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khẳng định: Những ý kiến, kiến nghị, giải pháp tại Hội thảo sẽ được Hội Nông dân Việt Nam ghi nhận, tổng hợp, phối hợp các bộ, ngành trung ương tháo gỡ, điều chỉnh, đồng thời báo cáo lên Chính phủ, Quốc hội xem xét, sửa đổi.

Mục tiêu là nhằm hỗ trợ một cách tốt nhất để ngư dân vươn khơi bám biển, làm giàu chính đáng, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.