Nhìn lại năm 2018

Đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của đổi mới sáng tạo quốc gia

Trước đây, các dự án, đề tài nghiên cứu thường tập trung ở viện nghiên cứu, trường đại học, thì gần đây, chính sách có sự xoay trục sang doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được tạo điều kiện nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ (KH và CN), các viện nghiên cứu, trường đại học đồng hành giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực. Năm qua, các hoạt động KH và CN đã tập trung đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia.
Vận hành dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Hanwha Aero Engines (Tập đoàn Hanwha, Hàn Quốc) đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Ảnh: TUYẾT HẠNH
Vận hành dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Hanwha Aero Engines (Tập đoàn Hanwha, Hàn Quốc) đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Ảnh: TUYẾT HẠNH

Doanh nghiệp tăng đầu tư cho KH và CN

Theo các nhà quản lý, chưa lúc nào chúng ta chứng kiến nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước như VinGroup, Viettel, VNPT, TH, Thaco,... chuyển hướng chiến lược, đầu tư lớn cho KH và CN như thời gian qua. Thí dụ, Tập đoàn Vingroup vừa thành lập Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn và Viện Nghiên cứu công nghệ cao với mục tiêu nghiên cứu các lĩnh vực mũi nhọn như: Học máy, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các công nghệ cao thuộc các lĩnh vực năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ sinh học, môi trường, cơ điện tử. Tập đoàn Phenikaa cũng thành lập hai viện nghiên cứu nhằm nghiên cứu chuyên sâu nhiều lĩnh vực khoa học cơ bản và nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong các lĩnh vực: Vật liệu mới, công nghệ na-nô, công nghệ in 3D. Cùng với đó, mỗi năm, các doanh nghiệp dành quỹ đầu tư lớn cho hoạt động KH và CN: Viettel dành hơn 4.000 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam dành hơn 1.000 tỷ đồng; Tập đoàn VinGroup dành 2.000 tỷ đồng và lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm 300 triệu USD để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo, đột phá về công nghệ. Theo Bộ KH và CN, tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp cho KH và CN đã có thay đổi, từ mức 7:3 như trước đây, nay đạt khoảng 5,2:4,8.

Việc ra đời các viện nghiên cứu của doanh nghiệp là kết quả của chính sách cho phép doanh nghiệp được trích 10% doanh thu để lập quỹ nghiên cứu phát triển KH và CN. Ngoài ra, thể hiện sự thay đổi quan trọng trong nhận thức của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân về vai trò của nghiên cứu và phát triển công nghệ đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trước đây, doanh nghiệp thường chỉ quan tâm những giá trị của ứng dụng khoa học, nhập khẩu công nghệ để tạo ra sản phẩm và giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, thì hiện nay đã có chiến lược đầu tư dài hạn, cạnh tranh bằng KH và CN. Dấu mốc này cũng cho thấy, sự tin tưởng của giới doanh nghiệp vào năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước, quyết tâm đầu tư công nghệ để cạnh tranh, hợp tác quốc tế.

Năm 2018 đánh dấu hoạt động sôi động của các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST với những khoản gọi vốn đầu tư lớn: Nền tảng kết nối ẩm thực trực tuyến Foody gọi vốn thành công, thu về 64 triệu USD; trang thương mại điện tử Tiki.vn nhận được khoản đầu tư 44 triệu USD từ quỹ đầu tư của Hàn Quốc, Trung Quốc; sàn giao dịch điện tử Sendo.vn gọi vốn thành công 51 triệu USD từ các nhà đầu tư châu Á. Không chỉ có startup Việt hoạt động ở trong nước mà cả startup Việt được thành lập ở nước ngoài cũng gặt hái thành công như: Misfit, GotIt, Kyber Network. Có thể nói, chủ trương thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST là bước đi tắt để thu hút đầu tư từ các nguồn lực trong nước và quốc tế, góp phần hiện thực hóa cách mạng công nghiệp 4.0. Trí tuệ, sức sáng tạo và ý chí người Việt đã và đang từng bước khẳng định và vươn ra thế giới, xóa nhòa khoảng cách địa lý. Những kết quả nêu trên cho thấy, các văn bản quy định về khởi nghiệp ĐMST đã đi vào cuộc sống, như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (năm 2017), Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi (năm 2017), Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025 (năm 2016), Đề án 1665/QĐ-TTg (năm 2017) về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong nước đã phát triển mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho hình thành và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST. Hiện nay, có hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (tăng gấp hai lần so với năm 2015) là cơ hội gọi vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp bởi các quỹ thường tìm kiếm và phát triển các ý tưởng, sản phẩm, giải pháp và dịch vụ trên nền tảng công nghệ. Hơn 40 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh thường xuyên cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ, hoàn thiện, ứng dụng, thương mại hóa công nghệ, huy động vốn cho doanh nghiệp KH và CN. Hơn 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước đã hỗ trợ trang thiết bị, nơi làm việc cho doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp họ tiết kiệm thời gian quản lý và chi phí ở bước đầu hoạt động.

Những vướng mắc về cơ chế ưu đãi trong đầu tư tại Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc cũng đã được Bộ KH và CN đề xuất tháo gỡ. Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2017/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu CNC Hòa Lạc. Sau một năm thực hiện, về cơ bản đã giải quyết được những khó khăn trong việc xây dựng và phát triển Khu CNC Hòa Lạc. Thực hiện chủ trương của Chính phủ trong việc tạo điều kiện cho hoạt động xúc tiến đầu tư cấp Chính phủ vào Khu CNC Hòa Lạc, Bộ KH và CN đã chú trọng tổ chức xúc tiến đầu tư từ các tập đoàn lớn về công nghệ cao. Năm 2018, có 10 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 15.855 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc lên 87 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư là 78.000 tỷ đồng. Điểm nhấn trong thu hút đầu tư năm 2018 là nhà máy sản xuất động cơ máy bay thuộc Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) đã khai trương hoạt động tại Khu CNC Hòa Lạc, dự kiến sẽ xuất xưởng sản phẩm đầu tiên vào tháng 1-2019. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần đào tạo lao động chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng lực về công nghệ của Việt Nam; tạo sự lan tỏa trong thu hút các dự án đầu tư nước ngoài vì Hanwha là tập đoàn lớn trên thế giới. Tuy vậy, hiện nay, khu CNC Hòa Lạc vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chuyển hướng chính sách, đáp ứng yêu cầu phát triển

Sự phát triển của doanh nghiệp dựa trên hoạt động nghiên cứu, triển khai công nghệ, ĐMST đã góp phần tăng hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 (GII 2018) của Việt Nam, xếp thứ 45 trong số 126 nền kinh tế được xếp hạng, cải thiện hai bậc so với năm 2017. Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam hiện chỉ đứng thứ 60 trong số 125 quốc gia/vùng lãnh thổ. Thực tế, một số dự án khởi nghiệp khá thành công của người Việt lại chọn Xin-ga-po làm nơi đăng ký kinh doanh, như trình duyệt Cốc Cốc, mạng xã hội về địa điểm ăn uống Lozi… vì có môi trường khởi nghiệp thuận lợi hơn. Tại Ngày hội khởi nghiệp ĐMST quốc gia (Techfest 2018) vừa qua, nhiều doanh nghiệp cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vẫn còn nhiều khó khăn; sinh viên khởi nghiệp cần được tăng cường hợp tác đầu tư với doanh nghiệp và cần có quỹ đầu tư mạo hiểm trong trường đại học để khởi nghiệp của sinh viên đi được đến cùng... Cũng tại sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để có một môi trường khởi nghiệp ĐMST thuận lợi nhất, sẽ xây dựng một Chương trình khung quốc gia về khởi nghiệp và sáng tạo; hình thành trung tâm khởi nghiệp quốc gia thống nhất…

Bộ KH và CN cho biết, năm 2019 là năm đột phá quyết liệt để hiện thực hóa các chỉ đạo của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các Nghị quyết Trung ương khóa XII, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội để hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2016-2020. Trong đó, KH và CN là đòn bẩy của công cuộc tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; ĐMST trở thành một trong các động lực tăng trưởng mới. Trong bối cảnh đó, chính sách phát triển KH và CN, ĐMST phải kịp thời đổi mới và chuyển hướng để thích ứng và đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đó là, xây dựng phương án cơ cấu lại các chương trình KH và CN quốc gia theo hướng doanh nghiệp thật sự là trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia; chuyển dịch trọng tâm chính sách KH và CN, từ chỗ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu-triển khai là chủ yếu sang chú trọng đầu tư cho thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Để đưa các kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường, ứng dụng được trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cần sự đầu tư có trách nhiệm của các lực lượng xã hội, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất. Bên cạnh đó, tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh cho hoạt động KH và CN và ĐMST; phát huy Quỹ phát triển KH và CN của doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động ĐMST, chuyển giao công nghệ tại các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty. Tiếp tục phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia, kết nối với các hệ sinh thái khu vực và toàn cầu. Khuyến khích các trường đại học, nhất là các trường khối kỹ thuật và công nghệ, dành không gian thích đáng cho hoạt động ươm tạo công nghệ, xưởng thiết kế chế tạo của sinh viên; hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp ĐMST của sinh viên năm cuối và cựu sinh viên thông qua các không gian sáng tạo chung hoặc các chương trình, dự án hỗ trợ khởi nghiệp.