Xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng xu thế phát triển

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức phát triển để có thể đóng góp tốt hơn cho đất nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy nước ta vẫn thiếu chuyên gia giỏi, thiếu nhà khoa học thật sự tâm huyết với nghề; trong khi cơ chế đãi ngộ, thu hút người tài còn dàn trải, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm… Xây dựng, đào tạo đội ngũ trí thức đáp ứng nhu cầu phát triển và xu thế thời đại là mục tiêu, cũng là thách thức không nhỏ.

Chính sách và “điểm nghẽn”

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 7 khóa X năm 2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Nghị quyết số 27-NQ/TW), đội ngũ trí thức nước ta đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và hoạch định chính sách, nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng và phát triển. Nhiều chính sách cụ thể được thực hiện về đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ trí thức theo các nhóm trí thức và thực thi đầu tư phát triển trí thức. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quyết định, nghị định, chính sách động viên, hỗ trợ, nâng cao năng lực đội ngũ trí thức của các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ quan đơn vị, khuyến khích hoạt động khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học; thúc đẩy doanh nghiệp, khu vực tư nhân tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ công nghệ. Tỷ lệ chi đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của cả nước tăng từ 28,4% trong năm 2015 lên 64,1% trong năm 2019…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính sách đã nhiều, nhưng chưa đủ và phần nào chưa phù hợp, chưa thúc đẩy đội ngũ trí thức, đóng góp hiệu quả cho công cuộc xây dựng đất nước. PGS, TS Phạm Ngọc Linh (Ban Tuyên giáo T.Ư) cho biết: Đến nay, 5 trong số 7 đề án về xây dựng đội ngũ trí thức đã và đang được thực hiện, nhưng số nhiệm vụ, giải pháp chậm được triển khai và thể chế hóa. Một số quy định triển khai chưa đạt mục tiêu đề ra, nhiều văn bản ban hành còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu tính hệ thống giữa các lĩnh vực dẫn tới khó thực hiện. Môi trường làm việc ở một số nơi chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho trí thức chuyên tâm cống hiến, vì vậy, tình trạng “chảy máu chất xám” từ khu vực công sang khu vực tư và ra nước ngoài khá phổ biến, gây lãng phí về tài lực, nhân lực. Các chính sách hỗ trợ vẫn thiếu đồng nhất; chương trình bồi dưỡng đào tạo không phù hợp, thiếu chuyên gia hàng đầu ở các lĩnh vực. Một số địa phương lúng túng trong cụ thể hóa các chính sách, nhất là cơ chế thông tin về xây dựng và phát triển các tổ chức hội để tập hợp trí thức. Một lợi thế tiềm năng là Việt Nam đang có khoảng 400 nghìn trí thức Việt kiều ở các nước, trong đó có hơn 6.000 tiến sĩ và hàng trăm trí thức tên tuổi được đánh giá cao, song chính sách thu hút nguồn chất xám này trở về cống hiến, đóng góp xây dựng đất nước chưa thật sự hiệu quả.

Theo TS Trần Hồng Quang, Viện Chiến lược và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chúng ta chưa có sự thống nhất trong nhận thức, chưa nhất quán từ nhận thức đến xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức là viên chức. Một số nội dung trong cơ chế chính sách mang tính bình quân, dàn trải. Vẫn còn cơ chế “xin-cho”; sự liên kết giữa đội ngũ trí thức và nắm bắt cơ hội phát triển còn yếu, nhất là các biện pháp tạo động lực để họ liên kết tham gia thị trường. Có thể nói, khoa học và công nghệ chưa thật sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, tạo nền tảng tư liệu lao động mới về chất cho toàn bộ nền kinh tế. Đây là một trong những “điểm nghẽn” căn bản cho sự phát triển đột phá của nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo của nước ta hiện nay.

Thu hút “chất xám”, tạo nguồn nhân lực

Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao. Dự thảo Văn kiện cũng nêu ba đột phá về thể chế, con người và hạ tầng, trong đó nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện “phát triển đất nước nhanh, bền vững trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Theo PGS,TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, những mục tiêu và nhiệm vụ này đòi hỏi sự vào cuộc và nỗ lực rất cao của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong đó, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh. Ở đây, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là phải có được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và ngang tầm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng phải đáp ứng được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, trước mắt là ở những ngành, lĩnh vực trọng tâm then chốt của nền kinh tế để tạo sự bứt phá về chất lượng nguồn nhân lực với cơ chế đặc thù để thu hút trọng dụng nhân tài.

Theo định hướng nêu trên, việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi từ cơ chế chính sách đến hoàn thiện môi trường cho hoạt động của đội ngũ trí thức sẽ mở đường, đưa đất nước phát triển và hội nhập mạnh mẽ. Thạc sĩ Nguyễn Việt Hưng, Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo T.Ư) chia sẻ: Việt Nam cần đề ra những chính sách linh hoạt hơn nhằm ngăn chặn “chảy máu chất xám” và thu hút chất xám bằng nhiều biện pháp: “trải thảm đỏ”, vận động, tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước và tạo điều kiện cho trí thức đóng góp xây dựng đất nước. Cần phải tạo một “vườn ươm” nhằm giúp trí thức xây dựng năng lực tư duy độc lập, sáng tạo để có thể tham gia quá trình tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội. Muốn vậy, theo TS Đỗ Thị Lệ Hằng (Viện Tâm lý học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), phải coi trọng giáo dục, chấn chỉnh việc giáo dục - đào tạo, làm sao có “thực học để có thực lực”, thực hiện tốt chính sách trọng dụng, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ, chuyên gia giỏi. Ở tầm vĩ mô, nên có cơ chế, chính sách thu hút hiệu quả, tập hợp trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài tích cực tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới; mạnh dạn bố trí cán bộ trẻ có bản lĩnh, năng lực vượt trội và có triển vọng phát triển vào vị trí lãnh đạo, quản lý.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng đã đến lúc nước ta cần có một chiến lược tổng thể về xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức. Chính phủ nên thành lập cơ quan phụ trách về nguồn nhân lực, có trách nhiệm tham mưu, đồng thời thay mặt Nhà nước quản lý và phát triển nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện tại và tương lai. Tăng cường xã hội hóa nguồn vốn đầu tư cho khoa học và công nghệ, coi đây là giải pháp đột phá để phát triển. Hoàn thiện và ổn định các quy định pháp luật liên quan đến ưu đãi, sử dụng chuyên gia nước ngoài, trí thức khoa học - công nghệ là Việt kiều và du học sinh sau tốt nghiệp. Đẩy mạnh đào tạo thường xuyên nguồn nhân lực chất lượng cao trong khoa học - công nghệ. GS, TS Hoàng Khắc Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: Để phát huy được vai trò của họ cũng cần một số điều kiện, đó là, tạo môi trường tốt nhất cho các hoạt động khoa học, tạo sự độc lập trong tư duy và đặt khoa học lên trên cái tôi… Phát triển các điều kiện này không chỉ trông chờ vào những chính sách của đất nước mà phụ thuộc rất nhiều vào sự “tự đổi mới’’ của bản thân giới trí thức, bắt đầu từ bộ phận nghiên cứu khoa học. Có như vậy, trí thức mới thật sự là tầng lớp tiên phong, dẫn dắt cho hội nhập vì phát triển.