Xây dựng chính quyền số tại các địa phương vùng Đông Nam Bộ

Thời gian qua, nhiều địa phương vùng Đông Nam Bộ đã đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử (CQĐT), ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm đưa lại những tiện ích tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp (DN). Bằng các giải pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp thực tế, nhiều tỉnh, thành phố đang hướng đến xây dựng chính quyền số (CQS), nền tảng để thực hiện thành công “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020.
 

Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Phước đi vào hoạt động giúp tỉnh chỉ đạo, quản lý tốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ảnh: NHẤT SƠN
Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Phước đi vào hoạt động giúp tỉnh chỉ đạo, quản lý tốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Ảnh: NHẤT SƠN

Bài 1 :Đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp
  
 Để phát triển CQĐT, thời gian qua, các địa phương vùng Đông Nam Bộ đã áp dụng nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, DN. Thực tế cho thấy, những bước đi, cách làm thật sự vì dân, thêm điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, đã tạo sự đồng thuận sâu rộng trong xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. 
 
 Thích ứng, phù hợp thực tế
 
 Ứng dụng các giải pháp của CQĐT trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quý I-2021, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức nhiều hội thảo trực tuyến xúc tiến đầu tư đến Nhật Bản, châu Âu, Trung Quốc, Thái-lan… với hàng nghìn DN tham gia tại các điểm cầu ở các nước để tìm hiểu, quyết định đầu tư. Nhờ vậy, tính từ đầu năm đến ngày 15-3, tỉnh Bình Dương đã thu hút thêm gần 410 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nâng nguồn lực FDI tại tỉnh lên 3.955 dự án, với tổng vốn đăng ký 35,8 tỷ USD.
 
 Ông Xa-nan An-gu-bôn-cun, Chủ tịch Hội đồng DN Thái-lan - Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Thái-lan cho rằng, sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã khiến cộng đồng DN Thái-lan quan tâm tới môi trường đầu tư của tỉnh nói riêng và của Việt Nam nói chung.
 
 Cùng với Bình Dương, tỉnh Bình Phước cũng đã chủ động xúc tiến đầu tư bằng hình thức trực tuyến tới nhà đầu tư nước ngoài khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết, việc xúc tiến đầu tư trực tuyến đã giúp tỉnh thu hút được 24 dự án, với tổng vốn đầu tư 417 triệu USD trong quý I-2021, nâng nguồn vốn FDI tại tỉnh lên 297 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 3,3 tỷ USD từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
 
 Từ tháng 4 năm nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vận hành hệ thống ca-mê-ra giám sát thông minh trên quốc lộ 51 và nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh. Thông qua hệ thống ca-mê-ra giám sát này, lực lượng chức năng sẽ xử lý các phương tiện vi phạm giao thông, nhằm góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường huyết mạch. Đại tá Lê Văn Ninh, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ Công an tỉnh cho biết: Xác định tuyến quốc lộ 51 là điểm “nóng” về tai nạn giao thông, Công an tỉnh vừa triển khai lắp đặt 89 ca-mê-ra giám sát suốt dọc đoạn từ phường 12, TP Vũng Tàu đến thị xã Phú Mỹ. Hệ thống ca-mê-ra này có thể cùng lúc giám sát sáu làn xe, ghi rõ bằng hình ảnh biển số xe vi phạm không chỉ vào ban ngày, ban đêm, mà cả trong điều kiện thời tiết xấu để giúp cơ quan công an “phạt nóng” tại chỗ, hoặc “phạt nguội” các phương tiện vi phạm.
 
 Mới đây, UBND quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh) đã thiết lập và cho chạy thử nghiệm phần mềm Tân Phú trực tuyến. Tải phần mềm này về máy tính hay điện thoại thông minh, người dân có thể theo dõi những tin tức, sự kiện, văn bản pháp luật, thủ tục hành chính (TTHC) mới nhất liên quan người dân trên địa bàn. Trong phần mềm còn có phần tiếp nhận phản ánh của người dân về trật tự đô thị. Khi tiếp nhận thông tin, ngay trong ngày, chính quyền quận sẽ tìm phương án xử lý và phản hồi tiến độ giải quyết. Người dân cũng có thể lấy số thứ tự tại nhà khi thực hiện các TTHC hay khảo sát sự hài lòng thông qua phần mềm Tân Phú trực tuyến. Lãnh đạo quận Tân Phú mong muốn đây sẽ là kênh “đối thoại”, xử lý công việc chính của chính quyền với người dân.
 
 Nhờ sớm tập trung đầu tư các giải pháp phát triển CQĐT, ngành giáo dục tỉnh Đồng Nai đã chủ động ứng phó tốt tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ngay từ tháng 3-2020, Đồng Nai là địa phương đầu tiên của cả nước thay đổi hình thức học tập từ trực tiếp sang trực tuyến qua truyền hình với sự hỗ trợ của hệ thống VNPT e-Learning. Hiện, đã có hơn 530 trường học khai báo và sử dụng hiệu quả hệ thống học trực tuyến này. Để có nền tảng triển khai học trực tuyến, chỉ tính riêng trong 5 năm qua, tỉnh đã đầu tư gần 500 tỷ đồng cho ngành giáo dục triển khai dự án xây dựng trường học tiên tiến, hiện đại, hỗ trợ giáo viên ứng dụng CNTT vào dạy học, hỗ trợ kết nối thông tin điều hành giáo dục giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
 
 TP Long Khánh là địa phương thực hiện tốt giải pháp phát triển CQĐT ở Đồng Nai. Chủ tịch UBND thành phố Phạm Việt Phương cho biết: “Chúng tôi xác định phát triển CQĐT, chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng giúp xây dựng đô thị thông minh. CQS sẽ tích hợp các dịch vụ theo nhu cầu phục vụ người dân và DN, do đó, Long Khánh sẽ nâng cao các ứng dụng nhằm mở rộng sự tương tác giữa chính quyền và người dân, DN…”.
 
 Đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp
 
 Tại Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều ứng dụng công nghệ hiện đại đã tiết kiệm đáng kể thời gian thực hiện các TTHC của người dân, DN; nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức. Giám đốc Trung tâm CNTT (Sở TN và MT tỉnh) Phạm Huỳnh Quang Hiếu cho biết, Sở đã hoàn thành xây dựng sổ tay quản lý đất đai chạy trên cả hai hệ điều hành Android và iOS, triển khai đến phòng TN và MT cấp huyện, UBND các cấp để truy cập cơ sở dữ liệu đất đai phục vụ công tác quản lý ở địa phương. Hoàn thành ứng dụng quản lý đất công, tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu cho 7.571 khu đất, với tổng diện tích hơn 11.104 ha và thực hiện công bố dữ liệu đến công dân và DN trên in-tơ-nét; ứng dụng công bố các khu đất dự kiến đấu giá năm 2020 dưới dạng WebGIS, có thông tin vệ tinh giúp người dân và DN có điều kiện tiếp cận thông tin đấu giá đất. Đồng thời, triển khai thí điểm một số thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại TP Bà Rịa…
 
 Nhiều giải pháp phát triển CQĐT cũng đã được tỉnh Bình Dương áp dụng. Từ tháng 9-2019, UBND tỉnh đã công bố triển khai thí điểm hệ thống phòng họp không giấy VNPT e-Cabinet. Theo UBND tỉnh, việc triển khai và vận dụng hiệu quả hệ thống phòng họp không giấy đã góp phần phát triển CQĐT, hướng tới CQS, giúp tỉnh sớm đạt mục tiêu giảm ít nhất 30% thời gian các phiên họp và giảm tối đa sử dụng văn bản giấy trong các phiên họp của UBND tỉnh.
 
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng cho biết, xây dựng, phát triển CQĐT được tỉnh thực hiện theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính gắn tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đồng thời, tích hợp dữ liệu, liên thông quy trình giữa các cơ quan, rút ngắn quy trình xử lý, giảm hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện TTHC cho người dân, DN. Nhờ vậy, tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, hiện xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố về mức độ tổng thể ứng dụng CNTT; trong đó có nhiều chỉ số thành phần đạt hạng nhất, như: Hạ tầng kỹ thuật CNTT; cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT. Đặc biệt, Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương được đánh giá vị trí thứ 1/63 Cổng thông tin của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
 
 Nhiều địa phương vùng Đông Nam Bộ đang đẩy mạnh phát triển CQĐT, hướng tới CQS, tập trung cải cách ngay trong chính nội bộ các cơ quan nhà nước và cải cách trong việc cung cấp dịch vụ công tới người dân, DN. Đến cuối năm 2020, TP Hồ Chí Minh đã triển khai gần 1.300 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, chiếm hơn 40% tổng số dịch vụ công được cung cấp. Ứng dụng công nghệ 4.0 vào giải quyết TTHC, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn hơn 99%.
 
 Tân Phú là một trong những quận thuộc TP Hồ Chí Minh thực hiện tốt quá trình này. Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Trần Thị Hồng Cúc khẳng định: “Xây dựng đô thị thông minh hay CQS, quận luôn lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo. Ứng dụng CNTT phục vụ công tác điều hành của chính quyền nhưng phải làm sao cho người dân thấy được rõ ràng những tiện ích khi họ cùng tham gia. Thông qua ứng dụng CNTT, chính quyền và người dân có thể kiểm soát được thủ tục đang “tắc” ở khâu nào để tìm phương án giải quyết kịp thời”.
 
 Lợi ích từ CQĐT mang lại cho người dân và DN là rất lớn. Chính quyền thật sự đồng hành cùng người dân, DN. Các cơ quan quản lý nhà nước cung cấp thông tin, dịch vụ nhanh hơn, thuận tiện hơn thông qua các dịch vụ công trực tuyến; tiết kiệm thời gian, chi phí trong quá trình nộp hồ sơ, nhận kết quả. Thông qua việc thực hiện các TTHC trên môi trường điện tử đã góp phần giảm tiêu cực, phiền hà cho người dân và DN. Vì vậy, CQĐT luôn nhận được sự quan tâm, đồng thuận và ủng hộ tích cực của người dân và DN...
 Bài 2: Nỗ lực hiện đại hóa nền hành chính