Khoa học ngày nay

Ứng dụng báo tin sự cố cháy, nổ

Mới đi vào hoạt động, ứng dụng báo tin sự cố cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ - Help 114 của Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PC07), Công an TP Hồ Chí Minh đã giúp có thêm một kênh thông tin hiệu quả, góp phần xử lý kịp thời các sự cố của người dân.

Khi người dùng bấm nút "114" gọi để báo tin cho lực lượng 114 thì lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy 114 biết ngay vị trí của người gọi trên bản đồ số theo tọa độ GPS. Khi bấm nút "video call", người dân có truyền hình ảnh sự cố cháy, nổ... ngay cho lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy 114. Các thông tin này giúp xử lý các sự cố một cách nhanh chóng, hiệu quả. Ðây là kết quả đề tài khoa học của PC07 phối hợp các chuyên gia về công nghệ nghiên cứu phát triển ứng dụng trên điện thoại.

Ô-tô tự hành hiện đại

Hãng sản xuất ô-tô Honda vừa cho lăn bánh loại ô-tô Legend tự hành hiện đại, được cấp phép lưu hành trên đường phố, khởi đầu với 100 xe tại Nhật Bản. Ô- tô tự hành Legend có thể tự động điều chỉnh chế độ lái theo từng làn đường, vượt và chuyển làn khi cần thiết và có tính năng dừng khẩn cấp trong trường hợp người lái không kịp phản ứng với cảnh báo của xe. Honda cho biết, trong quá trình phát triển hệ thống, hãng đã mô phỏng khoảng 10 triệu tình huống có thể xảy ra trên thực tế, cũng như tiến hành các thử nghiệm trên đường cao tốc.

Rô-bốt thám hiểm dưới biển sâu

Các nhà khoa học của Trung Quốc vừa phát triển loại rô-bốt mềm, mô phỏng sinh học, giúp công tác thám hiểm dưới biển sâu dễ dàng và thân thiện hơn với môi trường. Rô-bốt có hình dạng giống loài cá, có thể chịu được áp suất cao khi lặn xuống biển, nhờ bố trí các bộ phận điện tử phân tán bên trong cơ thể có dạng gel. Theo nhóm nghiên cứu, so với các công cụ thám hiểm đại dương truyền thống, loại rô-bốt này nhẹ, có cấu trúc đơn giản, có thể giảm đáng kể khó khăn và chi phí thám hiểm. Hơn nữa, với động cơ là "bó cơ nhân tạo" thay vì một thiết bị điện hoặc mô-tơ, sẽ không phát ra tiếng ồn và hạn chế ảnh hưởng tới các sinh vật biển.