Thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

NDO -

Ngày 18-9, tại Trụ sở Báo Nhân Dân, Báo Nhân Dân phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học “Truyền thông và chuyển giao công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”. Tọa đàm nhằm tuyên truyền các công nghệ nổi bật sẵn sàng chuyển giao của Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam, các công nghệ tiềm năng đang nghiên cứu, hoàn thiện và giới thiệu các mô hình thành công về ứng dụng triển khai công nghệ giữa Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam và doanh nghiệp; thảo luận các khó khăn, vướng mắc và đề ra các giải pháp để thúc đẩy ứng dụng và triển khai công nghệ, kết nối nhà khoa học và doanh nghiệp...

Các đại biểu dự Tọa đàm khoa học “Truyền thông và chuyển giao công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Các đại biểu dự Tọa đàm khoa học “Truyền thông và chuyển giao công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Truyền thông giúp kết nối nhà khoa học và doanh nghiệp
 
 Tham dự và chủ trì tọa đàm, về phía Báo Nhân Dân có đồng chí Quế Đình Nguyên, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cùng lãnh đạo các ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc; về phía Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam có PGS,TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam; các nhà khoa học của Viện; đại diện một số doanh nghiệp nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học để phát triển thành các sản phẩm...
 
 Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Quế Đình Nguyên cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, nhu cầu sở hữu các công nghệ hiện đại của doanh nghiệp tăng đòi hỏi các nhà khoa học định hướng các nghiên cứu của mình để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn. Mặt khác, các nhà khoa học cần đẩy mạnh truyền thông tạo cầu nối với doanh nghiệp và cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí. Trong bối cảnh đó, cơ quan báo chí bên cạnh tuyên truyền cơ chế, chính sách về KH và CN tới nhà khoa học, doanh nghiệp, cũng cần đẩy mạnh truyền thông các sản phẩm KH và CN để tôn vinh, biểu dương các nhà khoa học, giúp sản phẩm sớm tiếp cận người tiêu dùng. Đồng chí Quế Đình Nguyên nhấn mạnh, Kết luận số 50-KL/TW ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển KH và CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế đã nêu nhiệm vụ, giải pháp là: Phải tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, toàn xã hội về vị trí vai trò quan trọng của KH và CN trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
 
Thực hiện Chương trình hợp tác giữa hai đơn vị ký ngày 10-7-2017, Báo Nhân Dân đã tuyên truyền đậm nét các hoạt động của Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam trên các ấn phẩm của Báo, trong đó chú trọng các đề tài, kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, nêu những bất cập trong cơ chế, chính sách về nghiên cứu khoa học và các chế độ đãi ngộ nhà khoa học. Để tọa đàm đạt kết quả, đồng chí Quế Đình Nguyên đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận hai nội dung chính: Các kết quả nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả trong sản xuất, đời sống và đề xuất cơ chế chính sách để đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào cuộc sống.
 
 PGS,TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam chia sẻ: Những năm qua, Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam triển khai đồng bộ các nhiệm vụ được Chính phủ giao và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên cả ba lĩnh vực: Nghiên cứu cơ bản; nghiên cứu ứng dụng và đào tạo cán bộ có trình độ cao. Gần đây nhất, Bảng xếp hạng của Nature Index đã xếp hạng Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam là đơn vị đứng đầu cả nước về số lượng công bố quốc tế. Đối với công tác ứng dụng và triển khai công nghệ, Viện đã đạt được nhiều kết quả đáng kể, liên tục trong ba năm gần đây, luôn được cấp lượng văn bằng sở hữu trí tuệ lớn nhất cả nước (trung bình 50 bằng/năm). Hằng năm, Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam có khoảng 10 công nghệ chuyển giao cho doanh nghiệp theo hình thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Để có được sự thành công, lan tỏa các kết quả nghiên cứu và đưa vào ứng dụng là có sự đóng góp rất quan trọng của cơ quan truyền thông, trong đó Báo Nhân Dân là cơ quan báo chí đi đầu trong việc tuyên truyền, lan tỏa những thành tựu KH và CN đó.
 
 Nhiều công nghệ sẵn sàng chuyển giao
 
 Tại tọa đàm, có bảy kết quả nghiên cứu nổi bật gần đây và các công nghệ có tính ứng dụng cao thuộc các hướng nghiên cứu ưu tiên nêu trên đã được các nhà khoa học trình bày, giới thiệu cụ thể.
 
 Công nghệ đầu tiên được báo cáo tuy không được sản xuất thành hàng hóa tiêu dùng, song lại có tính ứng dụng rất cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đó là công nghệ quan trắc vật lý địa cầu. Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Vật lý địa cầu, hệ thống mạng trạm quan trắc quốc gia đã được đầu tư hiện đại, với 40 đài, trạm quan trắc động đất, bốn đài trạm địa từ, bảy trạm định vị sét và vật lý khí quyển, một trạm quan trắc biến dạng vỏ Trái đất, một đài điện ly, hệ thống thu nhận và xử lý tín hiệu địa chấn đo xa phục vụ nhiệm vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần... Trong nhiều năm qua, Viện Vật lý địa cầu đã có những đóng góp cho công tác phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, nhất là trong việc báo tin động đất, cảnh báo sóng thần, phân vùng động đất, nghiên cứu dông sét và phòng, chống sét, bão từ,...
 
Là nhà khoa học có nhiều đề tài nghiên cứu về dược liệu được chuyển giao cho doanh nghiệp để phát triển thành sản phẩm, Thạc sĩ Bá Thị Châm (Viện Hóa học) đã chia sẻ tại tọa đàm việc kết hợp các công nghệ mới trong bào chế dược liệu đã được chuyển giao cho doanh nghiệp sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo nguyên lý đa đích. Theo đó, dược liệu sau khi chiết được hoạt chất thu được dịch chiết thảo dược, cho lên men, hoặc sử dụng enzym để chuyển hóa các dược chất, tăng hàm lượng dược chất, giúp tinh chế hoạt chất dễ dàng, thu được hỗn hợp tinh chất thảo dược, sau đó na-nô hóa bằng công nghệ sinh học, với chất mang là chitosan. Nhờ việc ứng dụng kết hợp các công nghệ này, mới đây Thạc sĩ Bá Thị Châm đã chiết xuất thành công chất flavonoit từ lá sen để na-nô hóa, làm nguyên liệu chuyển giao cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm MP Seno giảm béo, giảm mỡ máu.
 
Công nghệ nhận được nhiều quan tâm của các đại biểu bởi mở ra tiềm năng ứng dụng trong chiếu sáng công cộng tại Việt Nam, đó là hệ thống mô-đun đèn LED chiếu sáng công cộng tản nhiệt bằng chất lỏng na-nô các-bon của Trung tâm Ứng dụng và Triển khai Công nghệ. Báo cáo tại tọa đàm, TS Bùi Hùng Thắng, Trung tâm Ứng dụng và Triển khai Công nghệ cho biết, khi nâng cấp đèn chiếu sáng đường phố lên đèn LED, phải bỏ đi toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng theo công nghệ cũ và thay bằng đèn LED mới sẽ gây tăng chi phí và lãng phí. Hệ thống của nhóm nghiên cứu có thể lắp ngay các bộ đèn đường cũ để nâng cấp thành đèn LED với chi phí tiết kiệm từ 25% đến 40% so với giá thành đèn LED thương mại trên thị trường, đáp ứng được khả năng đưa nhiệt lượng từ chip LED ra ngoài môi trường bằng kết cấu tản nhiệt sử dụng chất lỏng na-nô, giúp nâng cao độ bền, tuổi thọ cho chip LED.
 
 TS Lê Thị Nhị Công, Viện Công nghệ sinh học đã đưa ra giải pháp xử lý ô nhiễm dầu bằng công nghệ ứng dụng vi sinh vật tạo màng sinh học trên than sinh học để tạo chế phẩm xử lý ô nhiễm dầu. Nghiên cứu đã sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp đốt trong điều kiện kiện kỵ khí hoặc thiếu ô-xy tạo ra các than sinh học. Thí dụ than sinh học từ trấu có cấu trúc phù hợp cho các vi sinh vật tạo màng gắn trên đó, các vi sinh vật sẽ sử dụng dầu làm nguồn năng lượng cho quá trình sinh trưởng của chúng và từ đó giúp hấp thu dầu tốt nhất. TS Lê Thị Nhị Công chia sẻ, chế phẩm đã được ứng dụng xử lý ô nhiễm dầu ở kho xăng dầu Đỗ Xá, Hà Nội, thời gian xử lý giảm từ 30 ngày còn 14 ngày, chi phí xử lý giảm 30% so với các công nghệ khác đang sử dụng.
 
 Tại tọa đàm, các nhà khoa học cũng chia sẻ nhiều công nghệ có tiềm năng, trên cơ sở ứng dụng các công nghệ lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như: Hệ thống mạng thông tin diện rộng năng lượng thấp sử dụng khí cầu tầng bình lưu phục vụ giám sát, dẫn đường tìm kiếm cứu hộ và cảm biến IoT khí hậu môi trường cảnh báo thiên tai. PGS,TS Phạm Hồng Quang, Trung tâm Tin học và Tính toán vui mừng cho biết, khi dịch Covid-19 quay trở lại vào tháng 7 vừa qua, nhóm nghiên cứu đã bắt tay nghiên cứu ống nghe tim, phổi không tiếp xúc để tránh lây nhiễm vi-rút SAR-CoV-2 cho nhân viên y tế. Chỉ trong thời gian ngắn, nhóm nghiên cứu đã cho ra đời mẫu ống nghe tim phổi không tiếp xúc, thông tin được truyền lên máy tính, dùng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh. Hiện, nhóm nghiên cứu đang tìm nhà đầu tư để chuyển nhanh sang các khâu thiết kế, chế tạo, triển khai công nghệ. PGS,TS Nguyễn Tiến Đạt trình bày về một số công nghệ đang triển khai tại Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ như: Chuỗi khối Orichain chuyên dụng lưu trữ dữ liệu phục vụ đánh giá chuỗi an toàn và truy xuất nguồn gốc thực phẩm; hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục. Thạc sĩ Trương Thị Minh Ngọc, Viện Công nghệ thông tin trình bày hệ thống khai thác thông tin người tiêu dùng hàng hóa dịch vụ trong thương mại điện tử. Đây là giải pháp dựa trên các công nghệ lớn của cách mạng công nghiệp 4.0 (phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo) phục vụ phân tích xu thế, quan điểm đánh giá của người tiêu dùng trực tuyến với các sản phẩm, dịch vụ trên môi trường thương mại điện tử. Hiện, đang trong giai đoạn nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ, thử nghiệm trên ba lĩnh vực nóng của thương mại điện tử là thời trang, thực phẩm dành cho trẻ em và xe ô-tô...
 
 Cần các chính sách để thúc đẩy chuyển giao công nghệ
 
 Tại tọa đàm, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển giao, tiếp nhận và triển khai công nghệ trong thực tế. Đồng thời, đề xuất các giải pháp để thúc đẩy nhanh chuyển giao công nghệ. TS Bùi Hùng Thắng, Viện Khoa học vật liệu cho biết, dù mô-đun đèn LED chiếu sáng công cộng tản nhiệt bằng chất lỏng na-nô các-bon đã được cấp bằng độc quyền sáng chế, đã phối hợp với doanh nghiệp sản xuất và lắp đặt và thử nghiệm tại một số địa điểm như một số tuyến đường tại Hà Nội, đáp ứng được các yêu cầu về chiếu sáng, nhưng vẫn rất khó để được sử dụng rộng rãi do chưa có cơ chế, chính sách cho phép nâng cấp cải tiến đèn đường cũ thành đèn LED. Mong rằng, các kênh truyền thông như cuộc tọa đàm hôm nay sẽ là cầu nối, đưa các kiến nghị của nhà khoa học đến được cơ quan chức năng để sớm tháo gỡ bất cập nêu trên, góp phần mang lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng công cộng và chứng minh cho hiệu quả kinh tế kỹ thuật của sản phẩm trong ứng dụng thực tế.
 
 Dược sĩ Lê Phương Dung, Giám đốc Công ty cổ phần Dược mỹ phẩm MyPharma đại diện một số doanh nghiệp nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu của nhà khoa học nhấn mạnh vai trò truyền thông trong thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Theo đó, các viện, trường, cơ sở nghiên cứu phải đẩy mạnh truyền thông, giới thiệu các đề tài để chủ động tìm kiếm đối tác, bằng cách tăng cường tổ chức các buổi hội thảo, xây dựng và phát triển các kênh truyền thông, cập nhật thông tin để doanh nghiệp có thể tiếp cận và kết nối với các nhà khoa học khi có nhu cầu. Thậm chí, thành lập các bộ phận chuyên trách về truyền thông để không chỉ kết nối chuyển giao, mà còn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc quảng bá sản phẩm sau khi ra thị trường. Cơ quan truyền thông cần truyền thông minh bạch để bảo vệ quyền lợi các sản phẩm chuyển giao từ khoa học công nghệ. Đồng thời, hỗ trợ truyền thông cho các sản phẩm khoa học công nghệ, để giúp sản phẩm sớm tiếp cận được người tiêu dùng, tôn vinh, biểu dương những tấm gương nhà khoa học chân chính để người tiêu dùng hiểu và tin tưởng các thành tựu khoa học Việt, người Việt ủng hộ sản phẩm Việt, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, hướng tới xuất khẩu các sản phẩm khoa học công nghệ Việt ra nước ngoài.
 
 Phát biểu kết luận tọa đàm, PGS,TS Chu Hoàng Hà đánh giá cao các tham luận, với các công nghệ có tính ứng dụng cao, các công nghệ có tiềm năng ứng dụng trong thực tế. Qua trao đổi của các đại biểu, nhất là từ doanh nghiệp, cho thấy nhiều vấn đề còn bất cập cần được tháo gỡ, dù Nhà nước đã có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trích lập quỹ để chi cho phát triển KH và CN của doanh nghiệp, nhưng thực tế triển khai còn vướng mắc trong thủ tục giải ngân. Đây chính là nút thắt đối với việc phát triển, sử dụng các sản phẩm khoa học của các nhà khoa học Việt Nam, khuyến khích việc nghiên cứu, sử dụng công nghệ của các viện nghiên cứu, nhà khoa học.
 
 Nghiên cứu khoa học cơ bản là lĩnh vực khó, đòi hỏi người nghiên cứu phải kiên trì, luôn sáng tạo và chịu khó học hỏi. Nghiên cứu ứng dụng còn khó hơn. Từ việc phải nắm rõ kiến thức về công nghệ, phải kết hợp nhiều lĩnh vực liên quan cho tới sản xuất. Để tạo ra một sản phẩm ứng dụng tốt phải kết hợp nhiều lĩnh vực KH và CN, nhiều nhà từ nhà nghiên cứu, nhà kinh doanh, nhà quản lý và người sử dụng... Một “hợp phần” quan trọng hướng nghiên cứu ứng dụng thành công là truyền thông. Đây là sợi dây kết nối giữa nhà nghiên cứu, phát triển công nghệ với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và người sử dụng. Nghiên cứu khoa học cần sự đầu tư, nhưng sự đầu tư của Nhà nước không đủ, cần sự đầu tư của doanh nghiệp. Từ việc thực hiện các chính sách còn bất cập, đòi hỏi vai trò của cơ quan truyền thông rất lớn, giúp chuyển tải các thông tin đến cơ quan quản lý, nhà hoạch định chính sách để sớm có giải pháp tháo gỡ.