Quản lý thông tin trên mạng xã hội trong bối cảnh bùng nổ thông tin

NDO -

Quản lý thông tin trên mạng xã hội là một nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, nhằm tạo ra một môi trường thông tin lành mạnh, tích cực, góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội.

Các đại biểu quyên góp ủng hộ đồng bào miền trung bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Các đại biểu quyên góp ủng hộ đồng bào miền trung bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Đây là thông tin được chia sẻ tại hội thảo khoa học quốc tế “Quản lý thông tin trên mạng xã hội trong bối cảnh bùng nổ thông tin”, diễn ra sáng 4-11 tại Hà Nội, do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp tổ chức.

Hội thảo là diễn đàn cho các nhà khoa học Việt Nam và Hàn Quốc trao đổi kinh nghiệm, phương thức, giải pháp quản lý thông tin nhằm phát huy mặt tích cực, đồng thời hạn chế mặt tiêu cực của truyền thông xã hội hiện nay.

Sự kiện nằm trong chuỗi các hội thảo khoa học quốc tế do Học viện Báo chí và Tuyên truyền phối hợp KOICA tổ chức từ năm 2016, nhằm hỗ trợ việc hoàn thiện lý luận về truyền thông chính sách và trao đổi các kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực này.

Tại những phiên chuyên đề của hội thảo, các chuyên gia truyền thông chính sách đã tập trung vào những vấn đề lý luận và thực tiễn về quản lý thông tin trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, các kinh nghiệm, sáng kiến và giải pháp để quản lý thông tin trên các nền tảng truyền thông xã hội ở Việt Nam và Hàn Quốc.

Với sự phát triển của công nghệ, truyền thông xã hội đã trở thành một kênh trao đổi thông tin phổ biến nhưng cũng là môi trường phát tán tin giả, thông tin xuyên tạc… gây hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy, quản lý thông tin cần gắn liền với việc nhanh nhạy phát hiện, kịp thời đấu tranh, xử lý thông tin xấu độc, phát ngôn thù ghét trên mạng xã hội.

Do đó, theo PGS.TS Lưu Văn An, Quyền Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, quản lý thông tin trên mạng xã hội đã trở thành một nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, nhằm tạo ra một môi trường thông tin lành mạnh, tích cực, góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội.

Ông Cho Han Deog, Giám đốc KOICA Việt Nam cho rằng, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số, mạng xã hội đã trở thành nền tảng phổ biến để chia sẻ thông tin nhưng nó cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng do thông tin sai lệch và thông tin giả.

Ông Cho Han Deog cũng cho biết, thông qua Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cơ sở đào tạo báo chí hàng đầu tại Việt Nam, KOICA sẽ hỗ trợ hai quốc gia xây dựng môi trường truyền thông lành mạnh, giải quyết các vấn đề truyền thông xã hội gây ra và phát triển một môi trường truyền thông tốt đẹp hơn.

Tại hội thảo, các chuyên gia Hàn Quốc cũng trao đổi kinh nghiệm của nước này trong công tác truyền thông và quản lý thông tin giữa bối cảnh đại dịch Covid-19, bao gồm chiến lược truyền thông của Chính phủ Hàn Quốc về dịch Covid-19, cũng như kinh nghiệm quản lý thông tin sai lệch trên truyền thông xã hội tại Hàn Quốc trong đại dịch.

Các ý kiến thảo luận tại hội thảo cho rằng, môi trường truyền thông mới đặt ra những thách thức “phi truyền thống” cho công tác quản lý thông tin, đòi hỏi có sự đổi mới về tư duy và phương thức quản lý. Đội ngũ cán bộ quản lý cần nâng cao năng lực hoạch định chính sách, xây dựng quy định, dự báo tình hình, trong khi công chúng cũng cần cải thiện kỹ năng tiếp cận, đánh giá thông tin, nâng cao trách nhiệm trong viêc sử dụng truyền thông xã hội vì sự phát triển của bản thân và xã hội.