Phát triển môi trường khởi nghiệp tại các địa phương

Cùng với việc kiện toàn hệ thống chính sách, nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ÐMST) đã được triển khai mạnh mẽ ở các cấp, các ngành góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST. Tuy nhiên, một số địa phương chưa triển khai hiệu quả, các hoạt động chủ yếu mới chỉ tuyên truyền, tổ chức các hội thi.

Hoạt động khởi nghiệp ÐMST ở Việt Nam tuy còn non trẻ, nhưng có tiềm năng phát triển rất lớn. Ðể tạo điều kiện cho khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, Chính phủ đã ban hành một số chính sách nhằm thúc đẩy, hỗ trợ, phát triển khởi nghiệp ÐMST, trong đó có Ðề án 844/QÐ-TTg ngày 18-5-2016 về việc "Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST đến năm 2025"; Quyết định số 1269/QÐ-TTg ngày 2-10-2019 về việc thành lập Trung tâm ÐMST quốc gia. Kết quả triển khai thực hiện các chính sách cho thấy, trong bốn năm gần đây, hoạt động khởi nghiệp ÐMST thật sự bùng nổ. Các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường khởi nghiệp sôi động nhất của khu vực Ðông - Nam Á, tạo sự hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn trên thế giới.

Cùng với việc kiện toàn hệ thống chính sách, nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đã được triển khai mạnh mẽ ở các cấp, các ngành góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST. Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN), chỉ riêng năm 2019, có 41 doanh nghiệp KH và CN được thành lập, 361 dự án khởi nghiệp nhận được hỗ trợ từ ngân sách, 370 doanh nghiệp nhận được vốn đầu tư từ các doanh nghiệp mạo hiểm, 357 doanh nghiệp khởi nghiệp ÐMST được hình thành. Có bốn địa phương (Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Ðồng và Cần Thơ) đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức ngày hội khởi nghiệp ÐMST ở quy mô cấp vùng, kết quả đã lựa chọn được nhiều mô hình tham gia Ngày hội khởi nghiệp ÐMST cấp quốc gia. Thành công mới đây của Công ty cổ phần Abivin Việt Nam cũng đã tạo nguồn cảm hứng cho cộng đồng khởi nghiệp. Công ty cổ phần Abivin Việt Nam là doanh nghiệp cung cấp giải pháp tối ưu hóa chuỗi cung ứng trên nền tảng trí tuệ nhân tạo. Ngày 15-7-2019, Công ty cổ phần Abivin Việt Nam đã xuất sắc vượt qua đại diện của 40 quốc gia trên thế giới, giành giải nhất với giải thưởng trị giá 1 triệu USD tiền đầu tư tại Cuộc thi Khởi nghiệp quốc tế năm 2019.

Một số đơn vị ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp hình thành trong khu vực tư nhân như: Topica Founder Insititute; 5 Desire; Hatch!Program. Ở khu vực công lập, vườn ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp ÐMST đã được thành lập tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Vườn ươm Doanh nghiệp chế biến thực phẩm Hà Nội, Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, Khu nông nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, Khu công nghệ Phần mềm Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, có hơn 40 quỹ đầu tư hoạt động đầu tư mạo hiểm được thành lập như: Câu lạc bộ Hatch Angels của một số nhà đầu tư thiên thần tại Hà Nội; Câu lạc bộ nhà đầu tư thiên thần thuộc câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu tại TP Hồ Chí Minh; Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp KH và CN Việt Nam, Quỹ Ươm mầm hành động do các nhà đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài khởi xướng...

Nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, các tỉnh, thành phố đã đưa ra rất nhiều chương trình, kế hoạch và quyết định để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST. Thí dụ, tỉnh Ðồng Nai ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST trên địa bàn tỉnh Ðồng Nai giai đoạn 2018-2023". TP Hồ Chí Minh tổ chức tuần lễ ÐMST và khởi nghiệp. Tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 1923/QÐ-UBND về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất từ 35.000 đến 40.000 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có khoảng từ 3% đến 5% số doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh; xây dựng doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. TP Ðà Nẵng có sáu vườn ươm, 10 không gian làm việc chung, chín câu lạc bộ, trung tâm khởi nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng, TP Ðà Nẵng đã hỗ trợ phát triển hơn 60 dự án khởi nghiệp ÐMST, hỗ trợ phát triển 35 doanh nghiệp khởi nghiệp ÐMST. Hỗ trợ chín doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp…

Theo Phó Vụ trưởng Phát triển KH và CN địa phương (Bộ KH và CN) Chu Thúc Ðạt, với những hoạt động tương đối sôi nổi, môi trường khởi nghiệp ÐMST tại các địa phương bắt đầu phát triển, nhiều hoạt động hỗ trợ các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp ÐMST đã được tổ chức. Tuy nhiên chưa có sự đồng đều mà tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Nghệ An… Các địa phương thuộc các tỉnh, thành phố vùng Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên… mới dừng ở mức độ tuyên truyền, tổ chức các hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật. Các hoạt động kết nối các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp giữa tỉnh, thành phố trong khu vực cũng như giữa các vùng lân cận còn hạn chế. Thời gian tới, các địa phương cần phát triển các doanh nghiệp KH và CN thông qua thúc đẩy phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH và CN, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp KH và CN, doanh nghiệp công nghệ cao.

Nhiều địa phương cho rằng, Bộ KH và CN cần hỗ trợ chuyên gia đào tạo, tập huấn kiến thức, tham gia tổ chức, hướng dẫn các hoạt động về khởi nghiệp ÐMST tại địa phương, triển khai các cơ chế, chính sách về khởi nghiệp ÐMST và cách thức tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ của Bộ KH và CN. Ngoài ra, xây dựng phương hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo hướng liên kết vùng và kết hợp doanh nghiệp địa phương với cơ quan, các trường, viện nghiên cứu nhằm phát triển các giải pháp tổng thể hướng tới các mô hình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại địa phương.