Nóng dần cuộc đua 5G

Chỉ trong vòng một tháng cuối năm 2020, cả ba nhà mạng điện thoại di động lớn trong nước đều đồng loạt công bố vùng phủ sóng, chính thức thử nghiệm kinh doanh dịch vụ 5G, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia đầu tiên trên thế giới tiếp cận công nghệ này, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế số.

Khách hàng trải nghiệm điều khiển rô-bốt qua kết nối VinaPhone 5G.
Khách hàng trải nghiệm điều khiển rô-bốt qua kết nối VinaPhone 5G.

Quan trọng hơn, không như các công nghệ trước đây hầu hết phải nhập khẩu, hiện nay Việt Nam đã dần làm chủ và sản xuất được các thiết bị 5G, một bước tiến mang ý nghĩa chiến lược trong quá trình phát triển viễn thông - công nghệ thông tin của quốc gia.

Triển khai mạnh mẽ

Viettel là đơn vị đi đầu công bố khai trương kinh doanh thử nghiệm 5G với vùng phủ sóng bao trùm trung tâm các quận Hoàn Kiếm, Ba Ðình và Hai Bà Trưng của Hà Nội. Khách hàng của Viettel sử dụng điện thoại hỗ trợ 5G khi ở các khu vực này có thể sử dụng miễn phí 5G mà không cần nâng cấp SIM, với tốc độ in-tơ-nét lên tới 1,2-1,5 Gb/giây (gấp hàng chục lần so với 4G). Tiếp đó, giữa tháng 12-2020, VNPT cũng chính thức công bố vùng phủ sóng VinaPhone 5G tại một số quận nội thành ở cả hai thành phố lớn, đồng thời khai trương hai phòng trưng bày tại 75 Ðinh Tiên Hoàng (Hà Nội) và 121 Pasteur (quận 3, TP Hồ Chí Minh) để giúp các khách hàng không có điện thoại hỗ trợ 5G có thể trải nghiệm các tính năng mới của công nghệ này. Không để chậm chân, vào những ngày cuối cùng của năm 2020, MobiFone cũng hoàn tất việc triển khai phát sóng thử nghiệm thương mại và bảo đảm vùng phủ tại TP Hồ Chí Minh. Chia sẻ với chúng tôi, một cán bộ của MobiFone cho biết, 5G là một công nghệ viễn thông mới, bước đầu chưa thể triển khai rộng khắp và mang lại nhiều tiện ích trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Theo một số nhận định, việc các nhà mạng đua nhau ra mắt 5G tại thời điểm này chỉ đơn giản là một cuộc chiến về thương hiệu chứ chưa phản ánh sát diễn biến của thị trường viễn thông trong thời gian tới. Tuy nhiên, đối với một đơn vị vốn gặp rất nhiều khó khăn thời gian trước đó như MobiFone, 5G lại mang ý nghĩa như một lời khẳng định. Ðó là quyết tâm dám nghĩ, dám làm và đã làm thành công, không "thua bè, kém bạn". Quan trọng hơn, đây cũng là cơ hội để MobiFone vươn mình trở lại với một hình ảnh tốt hơn, đẹp hơn.

Với các công nghệ 3G và 4G, Việt Nam đã đi sau thế giới nhưng với 5G, chúng ta đang đứng trong nhóm những nước đi đầu. Và dù việc triển khai thử nghiệm chỉ là bước đầu trong quá trình phổ cập rộng rãi, nhưng nỗ lực của các nhà mạng đã minh chứng năng lực của ngành viễn thông trong nước, sẵn sàng cung cấp những công nghệ mới, hiện đại đến với người dân. Trong tương lai, 5G với khả năng hỗ trợ tốc độ cao vượt trội, độ trễ cực thấp và mật độ kết nối khổng lồ (hàng triệu kết nối/km2) sẽ giúp thay đổi cơ bản cách thức vận hành của xã hội, nhất là với những ngành như công nghệ công nghệ cao, y tế, giao thông, giáo dục…, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam dần đi đầu, làm chủ, ứng dụng các công nghệ mới cũng như triển khai thành công quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Ðối mặt thách thức để vươn lên

Việt Nam đang đi tiên phong trong công nghệ 5G, là cơ hội vươn lên làm chủ các công nghệ mới và bắt kịp đà phát triển của thế giới. Tuy nhiên, đi trước cũng đồng nghĩa với việc sẽ không có các kinh nghiệm để học hỏi và phải tự tìm ra con đường phát triển riêng cho mình. 5G mang lại cơ hội lớn trong tương lai, nhưng lại ẩn chứa không ít thách thức ngay hiện tại. Trước hết, các nhà mạng triển khai 5G phải đối mặt với rủi ro khi thiết bị mạng, thiết bị đầu cuối chưa được phổ biến; các mô hình kinh doanh 5G cũng chưa được kiểm nghiệm. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng công nghệ này dù có nhưng chưa thật sự nhiều, khiến bài toán về hiệu quả kinh doanh 5G tại Việt Nam hiện nay trước mắt khó có thể cân đối. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam muốn phát triển phải có đột phá về tư duy, dám đối mặt với thách thức, nếu không sẽ mãi là nước lạc hậu về công nghệ.

Lịch sử phát triển của ngành viễn thông Việt Nam đã khẳng định thành công từ những lần mạnh dạn tham gia "cuộc chơi" công nghệ. Ðó là những năm đầu của công cuộc đổi mới đất nước, trong bối cảnh 95% thế giới vẫn dùng mạng viễn thông analog (công nghệ tương tự), Việt Nam đã mạnh dạn đi tắt đón đầu, bỏ qua công nghệ trung gian, đi thẳng vào công nghệ digital (kỹ thuật số) hiện đại, đưa viễn thông nước nhà đạt được bước phát triển thần kỳ. Tiếp đó, đến năm 1997, chúng ta một lần nữa thể hiện sự đột phá mạnh mẽ về tư duy và nhận thức khi chấp nhận "mở cửa" in-tơ-nét, mở ra không gian sống mới, không gian số cho mỗi người dân; kết nối Việt Nam với toàn cầu; tạo cơ sở quan trọng để Việt Nam sớm ký kết được các hiệp ước quan trọng như Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) và tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), góp phần đưa nước ta tiến sâu vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển. Việc khai trương mạng lưới và dịch vụ thông tin di động công nghệ 2G năm 1993, tiếp theo đó là các công nghệ chuyển tiếp 2,5G, 2,75G và sau đó là 3G, 4G đã đưa điện thoại di động - món hàng xa xỉ của những năm 90 của thế kỷ 20, phổ cập tới 100% dân số với chi phí thấp nhất. Tuy nhiên, phải nhìn nhận khi chuyển sang công nghệ 3G, 4G, do không đáp ứng kịp thời về chính sách, tư duy quản lý; sự đi sau về công nghệ và thiếu nhân tố cạnh tranh mới, đã khiến viễn thông Việt Nam tụt hậu và bị xếp vào hạng các nước trung bình.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, mang lại nhiều cơ hội mới để bứt phá. Và 5G chính là công nghệ phù hợp nhất cho cuộc cách mạng này vì có tốc độ truyền siêu cao, độ trễ thấp, là hạ tầng ứng dụng không thể thiếu cho nhiều lĩnh vực cốt yếu của CMCN 4.0. Do đó, tất cả các quốc gia phải tận dụng cơ hội này và Việt Nam cũng chủ động bước lên "chuyến tàu" 5G một cách mạnh mẽ. Không những vậy, chúng ta cũng có thuận lợi khi đã có thể chủ động sản xuất nhiều thiết bị thông tin, hạ tầng viễn thông cho 5G. Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có thể sản xuất thiết bị 5G. Từ nay, Việt Nam sẽ chủ động đi đầu cùng với thế giới về mặt công nghệ, thúc đẩy ngành viễn thông tiếp tục đột phá mạnh mẽ, đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.