Ninh Thuận phát triển nông nghiệp bền vững

Sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Ninh Thuận gặp nhiều khó khăn do sự khắc nghiệt của thời tiết, nhất là tình trạng hạn hán diễn ra trên diện rộng và liên tục. Việc xây dựng các mô hình nông nghiệp bền vững ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật đã giúp địa phương tăng năng suất, chất lượng cây trồng và phát triển thủy sản.

Trồng nho sạch, cho thu nhập cao ở Ninh Thuận.
Trồng nho sạch, cho thu nhập cao ở Ninh Thuận.

Lãnh đạo Trung tâm Thông tin - Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH và CN) Ninh Thuận thuộc Sở KH và CN tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã thực hiện bốn dự án cấp nhà nước về đưa KH và CN ứng dụng vào nông nghiệp. Thông qua các dự án, đã giúp nông dân vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và học tập các quy trình kỹ thuật công nghệ tiên tiến, từng bước tham gia xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm nông sản tại địa phương. Người dân cơ bản thay đổi được phương thức sản xuất lạc hậu và có ý thức bảo vệ môi trường hơn.

Trong 5 năm qua, Trung tâm đã tiếp nhận và chuyển giao 17 quy trình công nghệ cho người dân tại bảy huyện, thành phố. Hầu hết các quy trình đều phù hợp trình độ và điều kiện sản xuất của tỉnh Ninh Thuận. Tiêu biểu là dự án xây dựng mô hình ứng dụng tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là phương pháp tưới phun mưa, nhỏ giọt, giảm lượng nước rất lớn so với tưới rãnh truyền thống, phù hợp điều kiện địa bàn khô nóng, gió nhiều và bốc hơi mạnh. Trước đây, nguồn nước tưới ở khu vực này đều là nước ngầm. Vào mùa khô, các khu vực trồng hành, tỏi, nho và táo… thường xuyên thiếu nước, khiến cây sinh trưởng kém, nhiều người dân đã bỏ hoang đất. Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đã làm giảm áp lực khai thác nước ngầm và đủ nước sử dụng trong cả mùa khô cho sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện phục hồi hệ sinh thái của các vùng đất bị hạn, xói mòn và có nguy cơ sa mạc hóa. Hiệu quả nhất, thu nhập của người dân tăng cao. Hiện, thu nhập của người dân từ trồng rau, hành, tỏi đạt từ 116 đến hơn 156 triệu đồng/ha, cây ăn quả đạt hơn 377 triệu đồng/ha. Tính trung bình, lợi nhuận mỗi năm tăng từ 59% đến 80% so với trồng theo phương pháp trước đây.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã triển khai các dự án xây dựng mô hình nông nghiệp bền vững như: Ứng dụng tiến bộ KH và CN xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững vùng đồng bào dân tộc Raglai đặc biệt khó khăn ở huyện Bác Ái; mô hình trồng rau an toàn bằng công nghệ thủy canh trong nhà màng quy mô lớn; mô hình trồng thâm canh một số giống cây ăn quả chất lượng cao kết hợp trồng cây sa nhân tím dưới tán vườn tại huyện miền núi Ninh Sơn, Bác Ái. Đánh giá về hiệu quả đạt được của các dự án nêu trên, lãnh đạo Trung tâm cho biết, dự án đã tạo ra sản lượng hơn 2.144 tấn nông sản các loại và 872 tấn cỏ phục vụ chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho các hộ dân vùng đồng bào dân tộc Raglai.

Để triển khai các nhiệm vụ nêu trên, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng tiến bộ KH và CN đã cử nhiều cán bộ phối hợp cán bộ nông nghiệp các xã tham gia các lớp đào tạo, tiếp nhận công nghệ; tổ chức đào tạo, tập huấn chuyển giao các quy trình công nghệ, kỹ thuật cho các kỹ thuật viên địa phương và hơn 2.500 lượt nông dân tại các vùng dự án triển khai. Đây là lực lượng quan trọng để tiếp tục duy trì và phát triển nhân rộng các mô hình dự án sau khi kết thúc. Đến nay, Trung tâm đã làm chủ một số quy trình công nghệ như: trồng rau thủy canh; tưới tiết kiệm nước; chế biến thức ăn gia súc; trồng luân canh, xen canh, thâm canh…

Cùng với đó, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng một số mô hình nuôi trồng thủy sản phù hợp. Sở KH và CN tỉnh Ninh Thuận cho biết, đầm Nại (huyện Ninh Hải) là một trong những đầm phá ven biển của Việt Nam, điển hình cho kiểu thời tiết khô hạn ven biển, có nguồn lợi thủy sản phong phú, nằm trong khu vực dân cư tập trung của huyện. Nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản nơi đây khá phát triển, tạo nhiều việc làm cho người dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nghề nuôi tôm nước lợ tại đầm Nại đang đối diện khó khăn do dịch bệnh và rào cản về thị trường xuất khẩu vì tôm bị dư lượng kháng sinh và hóa chất… Nhiều người dân đã bỏ hoang ao đìa, tìm công việc khác. Trước tình trạng này, UBND tỉnh, Bộ KH và CN và Sở KH và CN tỉnh đã giao Trung tâm Giống hải sản cấp I Ninh Thuận chủ trì thực hiện dự án xây dựng một số mô hình nuôi trồng thủy sản phù hợp nhằm tạo sinh kế bền vững cho các xã ven đầm Nại. Trong đó, đáng chú ý là ứng dụng nuôi hàu Thái Bình Dương và cá mú đen chấm đỏ tại năm xã ven đầm Nại. Đến nay, sau 5 năm triển khai, dự án giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động trực tiếp sản xuất và 150 lao động gián tiếp, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao nhận thức về KH và CN trong sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Các dự án đưa KH và CN vào sản xuất nông nghiệp đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã cơ bản thực hiện đúng mục tiêu đề ra, từng bước giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp địa phương cũng như điều kiện canh tác, đất đai, khí hậu và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình dự án nhận được sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền địa phương và người dân, cho nên đã phát huy hiệu quả. Nhiều hộ tham gia dự án đã vươn lên thoát nghèo, qua đó giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm của tỉnh.