Những phát hiện mới về di sản văn hóa ở Tây Nguyên

Gần đây, các nhà khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam có nhiều phát hiện mới về di sản văn hóa ở Tây Nguyên.

Tiến sĩ La Thế Phúc (người ngồi giữa) cùng các cộng sự tại buổi thẩm định kết quả phát hiện tại sườn núi Chư A Thai.
Tiến sĩ La Thế Phúc (người ngồi giữa) cùng các cộng sự tại buổi thẩm định kết quả phát hiện tại sườn núi Chư A Thai.

Trong đó, nổi bật là các di tích khảo cổ tiền sử trên miệng núi lửa Hố Tre (thôn Hòa Tây, xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) và trên các thềm sông cổ dọc thung lũng sông Ba, thuộc tỉnh Gia Lai.

Những phát hiện này góp phần bổ sung tư liệu nghiên cứu các giai đoạn phát triển của con người ở Việt Nam cũng như trong khu vực, đồng thời là cơ sở để xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ, phát triển du lịch địa phương.

Tiến sĩ La Thế Phúc (Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) cho biết, trong các đợt khảo sát thực địa thuộc đề tài khoa học và công nghệ cấp nhà nước, ông cùng các cộng sự đã phát hiện các di tích khảo cổ thời tiền sử ở Hố Tre và thềm sông cổ thuộc lưu vực sông Ba. Hố Tre là một miệng núi lửa, trước đây mọc nhiều tre nên được người dân bản địa gọi là Hố Tre. Địa hình miệng núi lửa Hố Tre đã bị bào mòn mạnh bởi thiên nhiên và con người san ủi hạ độ cao để làm rẫy, cho nên rất khó nhận diện được địa hình núi lửa trên thực địa. Trong miệng núi lửa là một trũng họng núi lửa có hình lòng chảo, chứa nước. Người tiền sử đã cư trú và sinh tồn trên miệng núi lửa Hố Tre, tạo nên một gò đất nổi tự nhiên trên trũng họng núi lửa. Tại gò nổi này lộ ra rất nhiều công cụ đá, mảnh tước, hòn ghè, hòn kê, hòn lấy lửa (?), hạch đá, bàn mài và mảnh gốm tiền sử, với mật độ dày đặc, nhiều hơn so với mật độ di vật ở những chỗ khác trên miệng núi lửa. Bên vách kênh đào dẫn nước từ trũng họng núi lửa qua gò nổi đã xuất lộ tầng văn hóa.

Các nhà khoa học đã khảo sát sơ bộ tầng văn hóa ở vách kênh và nhận thấy, chiều dày tầng văn hóa khoảng 0,8 m, tại độ sâu từ 0,6 đến 0,8 m đã xuất lộ một cụm đá xếp (rộng khoảng 0,3 m, dài khoảng 0,5 m) bao gồm: một hòn ghè (dùng để đập, ghè vật cứng khác); một hòn kê (dùng để kê khi ghè đập vật cứng) với nhiều lỗ lõm sâu; chung quanh là rìu hình bầu dục, rìu ngắn, mảnh tước (mảnh đá bị tách ra khi chế tác công cụ lao động), hạch đá (hòn đá bị ghè đập, tạo ra mảnh tước). Cụm đá xếp này có khả năng là nơi chế tác công cụ đá tại chỗ của cư dân thời tiền sử.

Các công cụ đá thu thập tại di tích Hố Tre có chất liệu chủ yếu là đá cuội ba-dan, số ít là đá cát kết dạng quarzit, rất hiếm thạch anh, tương ứng với các loại đá trong khu vực. Có thể người tiền sử đã thích ứng, lựa chọn sử dụng đá cuội ba-dan và đá cát kết dạng quarzit tại chỗ để chế tác công cụ, phục vụ cuộc sống sinh tồn. Mảnh gốm tại di tích Hố Tre thô, cứng, độ nung không cao; độ kết dính giữa các thành phần trong xương gốm, giữa áo gốm và xương gốm không cao. Số hiện vật được thu thập ngẫu nhiên tại đây khá lớn (hơn 500 hiện vật), đã đưa về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam 103 hiện vật; số còn lại để phục vụ trưng bày bảo tàng bảo tồn tại chỗ, giới thiệu khách tham quan trong tương lai.

Tuy chưa khai quật, nhưng trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm tổ hợp hiện vật, loại hình công cụ và phương thức chế tác, đặc điểm đồ gốm… và đối sánh với các di tích khác ở lưu vực sông Sê-rê-pốc nói riêng và trong khu vực nói chung, các nhà khoa học cho rằng, di tích Hố Tre thuộc loại hình di tích cư trú và di tích công xưởng có niên đại Trung kỳ đá mới. Đây là di tích thời tiền sử đầu tiên tại Tây Nguyên được phát hiện trên miệng núi lửa, tạo nên di sản kép có tính độc đáo ở Tây Nguyên và rất có giá trị trong nghiên cứu thời tiền sử ở Đắk Lắk nói riêng, trong dòng chảy lịch sử thời tiền sử ở khu vực nam Tây Nguyên cũng như Đông - Nam Á nói chung.

Cùng với đó, TS La Thế Phúc và cộng sự đã phát hiện hàng loạt các điểm, cụm điểm di tích thời đại đá cũ dọc lưu vực sông Ba. Mở đầu cho chuỗi phát hiện này là phát hiện các công cụ đá, mảnh tước, hạch đá phân bố rải rác ở sườn và chân núi Chư A Thai, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện (Gia Lai). Núi Chư A Thai nổi tiếng bởi có trữ lượng gỗ hóa thạch (silic hóa) lớn. Cư dân tiền sử ở đây đã sử dụng gỗ hóa thạch làm công cụ, tạo nên nét độc đáo về chất liệu công cụ thời đại đá cũ ở đây. Trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm phân bố các hiện vật tiền sử trong mối liên quan với đặc điểm địa chất, địa hình địa mạo… tại thực địa, các nhà khoa học đã rút ra được các dấu hiệu tìm kiếm di tích tiền sử rất quan trọng, đó là: các bậc địa hình ở sườn núi có độ cao nhỏ hơn 100 m và các thềm sông cổ bậc một, bậc hai và bậc ba của sông Ba là các dấu hiệu trực tiếp cho tìm kiếm di tích tiền sử.

Mở rộng tìm kiếm theo các dấu hiệu này, các nhà khoa học đã thu được nhiều kết quả ngoài mong đợi, đó là hệ thống các điểm di tích tiền sử phân bố có quy luật trên một vùng địa lý rộng lớn của lưu vực sông Ba, thuộc địa phận các huyện K’Bang, Chư Sê, Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa (Gia Lai); huyện Ea Ka (Đắk Lắk). Kết quả thu được hàng trăm hiện vật đá, bao gồm: rìu tay, ghè một mặt và hai mặt, công cụ chặt thô rìa dọc và rìa ngang, mảnh tước, hạch đá,... Chất liệu công cụ chủ yếu là các loại cuội thạch anh, đá silic, quarzit, đá sừng, opal-chalcedon, gỗ hóa thạch và một ít ba-dan, đều là nguồn nguyên liệu tại chỗ. Kỹ nghệ chế tác là ghè đẽo thủ công trực tiếp và thô sơ, tạo các rìa lưỡi sắc thẳng hoặc dích dắc, mũi nhọn hoặc mũi nhọn tam diện. Phần lớn công cụ có trọng lượng lớn hơn nhiều so với các công cụ đá mới, trên công cụ còn bảo lưu một phần vỏ cuội tự nhiên ở phần tay cầm. Điều này phản ánh trình độ chế tác và nhu cầu sử dụng còn rất sơ khai và đơn giản.

TS La Thế Phúc cho biết, di tích thời đá mới ở Hố Tre và nhất là cụm di tích thời đá cũ ở huyện Phú Thiện nói riêng cũng như lưu vực sông Ba nói chung là những phát hiện mới về di tích tiền sử ở Tây Nguyên, có giá trị đặc biệt to lớn cả về khoa học và thực tiễn. Về khoa học, khẳng định sự xác thực về tính liên tục của dòng chảy lịch sử phát triển từ thời đại đá cũ đến nay, góp phần quan trọng trong nghiên cứu lịch sử tự nhiên, lịch sử dân tộc trong mối liên kết vùng và khu vực Đông - Nam Á; tạo nên các di sản hỗn hợp độc đáo, làm tăng thêm giá trị cho các di sản địa chất - di sản thiên nhiên. Về thực tiễn, di tích là cơ sở để xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ, khai thác phát huy các giá trị di sản, phát triển du lịch, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Hà Linh