Những nhà khoa học nữ vì cộng đồng

Trong nhiều năm qua, tập thể các nhà khoa học nữ của Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ) đã có nhiều đóng góp trong nghiên cứu các chất có hoạt tính sinh học từ nguồn gốc thiên nhiên và ứng dụng triển khai vào thực tế cuộc sống. Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 mà tập thể nữ vừa nhận được là sự ghi nhận những đóng góp, nỗ lực, hy sinh của họ để theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học.

Tập thể các nhà khoa học nữ Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên.
Tập thể các nhà khoa học nữ Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên.

Một trong những lĩnh vực nghiên cứu chính của Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên là nghiên cứu thực vật, sinh vật biển, vi sinh vật để tìm ra các chất có hoạt tính sinh học và tổng hợp chúng thành chất có giá trị phục vụ công nghiệp dược, nông nghiệp và xuất khẩu. Đóng góp vào nhiệm vụ chung đó, trong 10 năm qua, các nhà khoa học nữ của Viện đã chủ trì 29 đề tài, dự án cấp nhà nước, 30 đề tài cấp bộ và hàng trăm đề tài cấp cơ sở. Kết quả nghiên cứu tạo cơ sở khoa học cho việc phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều lĩnh vực: hóa học, hóa dược, nông nghiệp, vật liệu và môi trường... Đáng chú ý, nhiều phát hiện mới về hoạt tính sinh học trong các loài thực vật sẵn có trong tự nhiên đã góp phần đưa đến nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe cộng đồng có giá trị trong thời gian qua. Điển hình như sản phẩm Bioglucumin và Bioglucumin G của GS, TS Lê Mai Hương đã đoạt giải Vàng, giải Bạc tại Triển lãm quốc tế Phụ nữ sáng tạo và sở hữu trí tuệ năm 2018 của Hiệp hội các nhà nữ sáng chế của Hàn Quốc. GS, TS Lê Mai Hương là một trong những người tiên phong xây dựng và phát triển hướng nghiên cứu mới là thử nghiệm hoạt tính sinh học tại Viện. Hai sản phẩm nêu trên là thành quả của hơn 10 năm miệt mài nghiên cứu các loại dược liệu. Sản phẩm Bioglucumin có thành phần chính là nấm đầu khỉ, nấm linh chi kết hợp tinh chất curcumin từ củ nghệ vàng nhằm cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, hỗ trợ miễn dịch, hỗ trợ điều trị ung thư. Còn Bioglucumin G chiết xuất từ cà gai leo, diệp hạ châu, giảo cổ lam làm giảm men gan, tăng cường chức năng bảo vệ gan. GS, TS Lê Mai Hương chia sẻ, lợi thế của Việt Nam là có nguồn dược liệu phong phú, do đó mục tiêu của các nghiên cứu là giúp tăng giá trị và giá trị sử dụng của dược liệu. Sự đón nhận của thị trường là động lực để nhóm nghiên cứu tiếp tục theo đuổi các công trình nghiên cứu về các sản phẩm từ hợp chất thiên nhiên của Việt Nam.
 
 Trong khi đó, việc nghiên cứu chiết tách thành công hợp chất KG1 từ cây địa liền là kết quả nghiên cứu trong sáu năm của PGS, TS Lê Minh Hà. Hợp chất này đã được ứng dụng sản xuất sản phẩm khương thảo đan hỗ trợ điều trị các bệnh đau xương khớp, thoát vị đĩa đệm và đau thần kinh tọa. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học nữ còn gắn liền với các sản phẩm được thị trường đón nhận như: cốt thoái vương, sản phẩm đông trùng hạ thảo, kem dưỡng da tinh chất Citrus từ hạt quất, Nhó đông gan việt, sản phẩm Heviho, sản phẩm Fremo... Bên cạnh đó, có rất nhiều đề tài, dự án về xử lý môi trường do các nhóm nghiên cứu của PGS, TS Ngô Kim Chi; PGS, TS Lê Thị Phương Quỳnh thực hiện đã áp dụng ở nhiều địa bàn trên cả nước.
 
 Chia sẻ thêm về thành công của tập thể nữ, PGS, TS Phạm Thị Hồng Minh, Viện trưởng Hóa học các hợp chất thiên nhiên cho biết, phần lớn cán bộ của Viện là nữ, ngoài nghiên cứu còn tham gia công tác đào tạo. Từ năm 2010 đến 2020, các cán bộ nữ đã đào tạo được 35 thạc sĩ, 24 tiến sĩ và một trên tiến sĩ. Với những đóng góp đáng kể cho khoa học, nhiều nhà khoa học nữ của Viện vinh dự nhận những phần thưởng cao quý của Nhà nước và các tổ chức khoa học nước ngoài. Trong đơn vị tuy nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau (như chiết tách các hoạt chất thiên nhiên, môi trường, phân tích tổng hợp, thử nghiệm sinh học...) nhưng tất cả luôn hướng đến mục đích chung là tạo ra sản phẩm thiết thực phục vụ xã hội, nhất là chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Chẳng hạn, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên là cơ sở đầu tiên ở trong nước nghiên cứu chiết xuất và xác định cấu trúc hoạt chất Artemisinin - hoạt tính điều trị sốt rét - từ cây thanh hao hoa vàng. Công trình chiết xuất Artemisinin đã vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ, kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao sản xuất hoạt chất Artemisinin thành thuốc chống sốt rét có chất lượng cao. Thành công này là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ của các nhà khoa học về hóa nghiên cứu quy trình tách chiết hoạt chất và các nhà khoa học về thực vật nghiên cứu cây thanh hao hoa vàng có thể phát triển được ở vùng nào, hình thức trồng, thời điểm thu hoạch để cho nhiều hoạt chất nhất… Đây là minh chứng cho sức mạnh của tập thể toàn Viện.
 
 Nhà khoa học trẻ Hoàng Thị Bích tâm sự, với sự quan tâm về bình đẳng giới của lãnh đạo Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, vai trò của nhà khoa học nữ ngày được nâng cao. Nhà khoa học nữ được tạo điều kiện tham gia các khóa đào tạo, hợp tác quốc tế, hội thảo, làm chủ nhiệm đề tài để phát huy khả năng của bản thân, đạt được các học hàm, học vị cao. Tuy nhiên, để đóng góp nhiều hơn nữa cho khoa học và cộng đồng bằng những kết quả nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng thì các nhà khoa học của Viện, nhất là các nhà khoa học nữ, vẫn cần nỗ lực vượt qua các hạn chế của giới nữ và khó khăn trong công việc, cuộc sống.