Chế tạo thành công rô-bốt vận chuyển tại các khu cách ly y tế

Thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH và CN) cấp quốc gia đột xuất phòng, chống dịch Covid-19, các nhà khoa học của Học viện Kỹ thuật quân sự (Bộ Quốc phòng) đã triển khai đề tài "Nghiên cứu, chế tạo rô-bốt y tế vận chuyển trong khu vực cách ly bệnh truyền nhiễm có nguy cơ cao".

Rô-bốt chạy thử phát thuốc cho người bệnh tại Bệnh viện Bắc Thăng Long.
Rô-bốt chạy thử phát thuốc cho người bệnh tại Bệnh viện Bắc Thăng Long.

Sau hơn hai tuần, sản phẩm của đề tài là rô-bốt Vibot-1a đã ra đời, có thể ứng dụng tại các khu cách ly y tế để hỗ trợ các y sĩ, bác sĩ trong quá trình chăm sóc người bệnh.

Bộ KH và CN và Học viện Kỹ thuật quân sự đã đánh giá kết quả giai đoạn 1 của đề tài nghiên cứu nêu trên và cho chạy thử rô-bốt Vibot-1a tại khu điều trị của Bệnh viện Bắc Thăng Long (Hà Nội). Tại buổi chạy thử, rô-bốt đã trình diễn tính năng tự động di chuyển từ vị trí tập kết đến điểm nhận thuốc và đưa đến các cửa buồng bệnh, mời người bệnh ra nhận thuốc và nói "cảm ơn", "chúc sức khỏe" người bệnh. Trong quá trình di chuyển, rô-bốt tự động phát các bài hát cổ động về phòng, chống Covid-19 và yêu cầu "xin tránh đường" khi phát hiện có người đi phía trước.

Rô-bốt cũng chở thùng rác đến các cửa buồng bệnh, dừng lại để người bệnh bỏ rác vào thùng và rô-bốt mang đến điểm tập kết rác. Khi hết nhiệm vụ, rô-bốt tự động trở về điểm chờ. Một số người bệnh tham gia buổi chạy thử cho biết, các thao tác rất đơn giản, khi rô-bốt dừng trước cửa, người bệnh mở ngăn đựng thuốc và lấy thuốc, sau đó ấn vào chiếc nút mầu xanh để rô-bốt đi sang buồng bệnh kế tiếp. Ðiểm đặc biệt là, rô-bốt cho phép người bệnh giao tiếp với bác sĩ từ xa, người bệnh nghe rõ và trả lời các câu hỏi của bác sĩ. Cách khu buồng bệnh khoảng 150 m là Trung tâm điều hành với các máy tính được kết nối để điều khiển rô-bốt từ xa. Ðây là nơi các kỹ thuật viên ra lệnh cho rô-bốt giao thuốc, nhận rác và là nơi bác sĩ, người nhà người bệnh theo dõi, nói chuyện với người bệnh thông qua rô-bốt nhằm hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp.

Theo ông Ðàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ KH và CN), trước yêu cầu của việc phòng, chống dịch Covid-19, nhất là các bệnh viện cần rô-bốt hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm, thức ăn, thuốc, Bộ KH và CN đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn tìm kiếm các đơn vị có năng lực chế tạo rô-bốt. Học viện Kỹ thuật quân sự được đề xuất trên cơ sở ý kiến của Hội đồng chuyên ngành về rô-bốt và y tế. Học viện Kỹ thuật quân sự có nhóm nghiên cứu mạnh, nhiều kinh nghiệm về chế tạo rô-bốt và hệ thống các nhà máy công nghiệp quốc phòng có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất rô-bốt hàng loạt sau khi nghiên cứu, chế tạo thành công. Bộ KH và CN đặt hàng đơn vị nghiên cứu trong 18 tháng chế tạo ra được rô-bốt có tính năng như mẫu rô-bốt TUG của hãng Aethon, Mỹ, và trong tháng đầu tiên chế tạo ra được rô-bốt thuần thục chức năng vận chuyển thức ăn, thuốc cho người bệnh, giao tiếp giữa bác sĩ và người bệnh để phục vụ khẩn cấp nhu cầu của các bệnh viện đang điều trị người bệnh Covid-19. Ðến nay, mới chỉ hơn hai tuần kể từ khi nhận nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành nhiệm vụ của giai đoạn 1.

PGS,TS, Ðại tá Tăng Quốc Nam, Học viện Kỹ thuật quân sự, Chủ nhiệm đề tài cho biết, rô-bốt hỗ trợ y tế có mục đích thay thế, hỗ trợ nhân viên y tế các công việc phục vụ, chăm sóc người bệnh. Rô-bốt Vibot-1a được thiết kế đa chức năng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của từng khu vực cách ly, có thể vận chuyển nhiều loại hàng hóa khác nhau với tải trọng lên đến 100 kg. Khó khăn lớn nhất của nhóm nghiên cứu là không gian di chuyển ở hành lang của bệnh viện hẹp, chỗ rô-bốt quay đầu khó, đường truyền nhiễu, nhưng nhóm nghiên cứu đã tìm được giải pháp khắc phục. Theo tính toán sơ bộ, rô-bốt có thể thay thế được từ ba đến năm nhân viên y tế. Ngoài việc giảm rủi ro lây nhiễm, việc sử dụng rô-bốt còn tạo điều kiện để nhân viên y tế tập trung thời gian, công sức phục vụ, chăm sóc và điều trị người bệnh được tốt hơn.

Yêu cầu quan trọng nhất của rô-bốt y tế là tính tin cậy, độ an toàn cao để không ảnh hưởng đến người bệnh, nhất là phát đúng thuốc, đúng người bệnh. Ở giai đoạn 1, thiết kế rô-bốt Vibot-1a đi đến các buồng bệnh bằng vạch từ và định vị bằng thẻ nhận dạng, nhưng sang giai đoạn 2, rô-bốt sẽ được thiết kế để tự ghi nhớ địa hình và di chuyển. Với nguồn pin công suất lớn và trạm sạc tự động, rô-bốt Vibot-1a có thể làm việc liên tục 12 giờ và tự động tìm về trạm để sạc khi cạn nguồn. GS,TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết, đối với các bệnh lây qua đường hô hấp như Covid-19, nhân viên y tế là một trong những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, cho nên cần có các giải pháp như rô-bốt y tế để giảm nguy cơ lây nhiễm trong quá trình điều trị người bệnh. Rô-bốt Vibot-1a ra mắt chỉ sau hai tuần nghiên cứu, chế tạo với các yêu cầu cơ bản đã đạt được là thành công lớn của các nhà khoa học, góp phần hỗ trợ các y sĩ, bác sĩ trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Thiếu tướng Nguyễn Lạc Hồng, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự chia sẻ, khi nhận nhiệm vụ nghiên cứu, đơn vị đã phát huy thế mạnh trong việc đã có nhiều kinh nghiệm thiết kế, chế tạo các loại rô-bốt phục vụ mục đích quân sự, vận chuyển hàng hóa trong kho hàng, rô-bốt thông minh hỗ trợ dạy học. Trong quá trình thiết kế, chế tạo rô-bốt Vibot-1a, Học viện đã phối hợp các đơn vị có năng lực, kinh nghiệm trong và ngoài quân đội như Công ty Ðiện tử Sao Mai, Nhà máy Z125, Công ty cổ phần Antbot Việt Nam để cùng hoàn thiện quy trình. Các đơn vị đã lên phương án chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ các điều kiện cho việc sản xuất các rô-bốt với số lượng lớn, đáp ứng kịp thời cho các bệnh viện, khu cách ly khi có yêu cầu.

Tại buổi đánh giá kết quả nghiên cứu, chế tạo rô-bốt giai đoạn 1, tất cả các thành viên của Tổ chuyên gia đã đồng ý thông qua và nhất trí kiến nghị Bộ Y tế xem xét cho phép sử dụng rô-bốt tại các cơ sở cách ly y tế. Trước mắt, Tổ chuyên gia quyết định tiếp tục để Bệnh viện Bắc Thăng Long sử dụng thử từ một đến hai tuần để chính các y sĩ, bác sĩ có thể phát hiện thêm các bất cập, trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu sẽ hoàn thiện các tính năng của rô-bốt.

Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao Ðàm Bạch Dương khẳng định, dù có thể còn một vài điểm nhỏ cần hoàn thiện, nhưng Bộ KH và CN đánh giá rô-bốt đáp ứng được yêu cầu cơ bản của giai đoạn 1 đã đề ra. Ðây là tiền đề để nhóm nghiên cứu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu trong 18 tháng với mục tiêu phát triển hệ thống rô-bốt y tế có các tính năng, yêu cầu cao hơn.