Ðẩy mạnh xu hướng chuyển đổi số

Chuyển đổi số tạo ra sự đổi mới sáng tạo có tính chất đột phá trong sản xuất, kinh doanh và tương tác với tất cả các bên liên quan của doanh nghiệp. Xu hướng chuyển đổi số đã trở thành khách quan, quy luật tất yếu trên thị trường mà không một doanh nghiệp nào có thể đứng ngoài.

Ứng dụng công nghệ số trong khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa TP Vinh (Nghệ An).
Ứng dụng công nghệ số trong khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa TP Vinh (Nghệ An).

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2019, số người sử dụng in-tơ-nét là 4,3 tỷ người, chiếm 57% dân số thế giới, 5,1 tỷ người sử dụng điện thoại di động, chiếm 67% dân số thế giới, trong đó 42% dân số thế giới sử dụng mạng xã hội trên thiết bị di động. Ðây là kho dữ liệu lớn tạo tiền đề cho doanh nghiệp chuyển đổi số và mở ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp. Cùng với đó, số lượng người sử dụng mạng xã hội ở nước ta rất lớn kéo theo các dịch vụ tiếp thị, quảng cáo, bán hàng qua mạng... Nếu các doanh nghiệp không thực hiện tối ưu cách quản lý, không chuyển đổi công nghệ sản xuất ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho các dây chuyền tự động, không sử dụng hệ thống mạng xã hội để chăm sóc khách hàng, không xây dựng hệ thống bán hàng tự động, không xây dựng thương hiệu trên in-tơ-nét, không nghiên cứu tổ chức thực hiện các phương thức ma-két-tinh hiệu quả… thì chắc chắn sẽ bỏ lọt khách hàng. Từ đó, dẫn tới doanh thu giảm. Yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh hiện nay là cần có sự chuẩn bị kỹ và phải bắt đầu ngay từ hạ tầng đến các ứng dụng công nghệ thông tin để phù hợp với điều kiện của mình. Chú trọng việc số hóa của doanh nghiệp trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ tạo ra môi trường kết nối, an ninh, an toàn. Mặt khác, phải nhìn nhận vai trò quan trọng của đổi mới về công nghệ đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ cũng như khả năng của doanh nghiệp.

PGS,TS Trần Ðình Thiên, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong những năm gần đây, tinh thần bước vào cách mạng công nghiệp lần thứ tư của doanh nghiệp lên rất cao. Hiện, có gần 700 nghìn doanh nghiệp tư nhân, trong đó, số doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tăng từ 1.800 doanh nghiệp năm 2016 lên khoảng 4.000 doanh nghiệp vào năm 2018. Con số này cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam thật sự "lớn lên" và trở thành động lực chủ yếu cho phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, còn rất nhiều rào cản về chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực, và hạn chế của bản thân doanh nghiệp làm cho xu hướng này còn gặp nhiều khó khăn.

GS Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Ðể chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần thay đổi về cả nhận thức và hành động. Mỗi doanh nghiệp, tổ chức phải thay đổi quan điểm, cách thức làm việc, hướng tới các mô hình kinh doanh công nghệ mới với sự thấu hiểu và ý chí mạnh mẽ, bởi chuyển đổi số là một hành trình dài với vô vàn thách thức của nhiều bước chuyển đổi nhỏ. Chuyển đổi số là một thực tế khách quan mà các doanh nghiệp buộc phải thích nghi, là giai đoạn phát triển không thể khác của quá trình sản xuất và cuộc sống.

TS Nguyễn Mạnh Hải, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư chia sẻ, để chuyển đổi số được thực hiện thành công trong các doanh nghiệp tại Việt Nam, Chính phủ cần quan tâm việc hoàn thiện cơ chế, tạo môi trường chính sách giúp các doanh nghiệp giảm rủi ro trong hoạt động kinh tế. Ðồng thời, nâng cao năng lực hiểu biết và sử dụng dịch vụ kinh tế số, pháp luật về hợp đồng số cho người sử dụng dịch vụ; bảo đảm an toàn lao động và an toàn trong thanh toán các hợp đồng điện tử.

Chuyển đổi số là một quá trình chuyển đổi khó khăn với chi phí chuyển đổi không hề nhỏ, nhưng không thể bỏ lỡ cơ hội này. Các doanh nghiệp cần khắc phục, giảm những khó khăn từ bản thân, từ đó cùng Chính phủ triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nhằm thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số, tạo đà cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong nước trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.