Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo

Được đánh giá là mảnh đất giàu tiềm năng để giới trẻ tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp, sáng tạo, những năm qua, TP Đà Nẵng đã chú trọng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ nguồn vốn để nhiều dự án phát huy tối đa hiệu quả. Đà Nẵng phấn đấu thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước.

Một không gian dùng chung trong khởi nghiệp sáng tạo tại Đà Nẵng.
Một không gian dùng chung trong khởi nghiệp sáng tạo tại Đà Nẵng.

Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo Đà Nẵng lần thứ 4 (SURF 2019) vừa được tổ chức, đã mở ra nhiều cơ hội cho giới trẻ đam mê khởi nghiệp sáng tạo. Một không gian kết nối được thiết lập bằng những kinh nghiệm thực tiễn truyền đạt cho các bạn trẻ là học sinh, sinh viên, thanh niên Đà Nẵng và khu vực miền trung, Tây Nguyên. SURF 2019 không chỉ liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp của các tỉnh, thành phố, kết nối nguồn lực cộng đồng tại các địa phương, đưa Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của khu vực mà còn là cơ hội để hàng nghìn bạn trẻ được tiếp cận các dự án khởi nghiệp sáng tạo, các chuỗi sự kiện huấn luyện khởi nghiệp…

Để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, Đà Nẵng đã tiên phong thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ TP Đà Nẵng, thành lập Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp, xây dựng Vườn ươm Doanh nghiệp theo hình thức PPP; thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm Flying Fish, và hiện đang xúc tiến xây dựng Khu làm việc và đào tạo khởi nghiệp của TP Đà Nẵng lồng ghép với việc thiết kế xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng. Theo TS Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng mạng lưới khởi nghiệp TP Đà Nẵng, thời gian qua, Vườn ươm khởi nghiệp Đà Nẵng (DNES) đã hỗ trợ hơn 10 dự án khởi nghiệp đang phát triển. Hiện, DNES đang định hình chiều sâu của khởi nghiệp, tập trung thực hiện các mục tiêu là hoàn thiện chương trình ươm tạo mới có chất lượng hơn, thu hút được các ý tưởng khởi nghiệp không chỉ riêng Đà Nẵng mà của khu vực miền trung, phát triển chương trình đào tạo về khởi nghiệp tại các trường đại học; tập trung mở hệ thống không gian sáng tạo, làm việc chung cho khởi nghiệp.

Trong các dự án khởi nghiệp thành công tại Đà Nẵng, tiêu biểu như dự án Hekate tham gia cùng thành phố vừa chính thức trở thành đối tác khu vực tư nhân (Private Sector Partner) của UNDP châu Á - Thái Bình Dương đồng hành với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Dự án Zody đã phát triển rộng ra TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, kêu gọi được vốn của nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Dự án khởi nghiệp thành công điển hình khác là sản phẩm nước rửa chén Minh Hồng đã có mặt tại 40 tỉnh, thành phố, hiện đã có nhà đầu tư của Pháp đặt vấn đề đưa sản phẩm xuất khẩu và kêu gọi vốn phát triển quy mô lớn hơn. Đây cũng là dự án hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiêu biểu của Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng. Bà Trịnh Thị Hồng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công nghệ sinh học Minh Hồng - chủ nhân dự án khởi nghiệp chế phẩm sinh học nước rửa chén Minh Hồng chia sẻ: Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và cả thất bại trong hơn sáu năm qua, hiện nay, công ty đã phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, mở rộng thị trường và điều quan trọng nhất là giải quyết công ăn việc làm cho hơn 100 lao động địa phương. Khởi nghiệp từ con số 0 và đi đến thành công như hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân chủ doanh nghiệp, phải kể đến sự hỗ trợ từ các nguồn quỹ khởi nghiệp, sáng tạo, khoa học - công nghệ của TP Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhìn nhận, mặc dù Đà Nẵng vẫn còn khoảng cách nhất định so với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về tầm vóc, quy mô, sự trưởng thành của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhưng thể hiện mạnh mẽ khát vọng, niềm tin của người dân và sự cam kết của chính quyền về phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt cho Đà Nẵng nhiệm vụ trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông - Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Để làm được điều này, Đà Nẵng cần có những bước đi đột phá. Hy vọng trong một tương lai không xa, Đà Nẵng sẽ hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh, trở thành là một trong những điểm đến thu hút, liên kết các nguồn lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tốt nhất, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và quốc tế đến đây cùng hợp tác, đầu tư, phát triển, cùng cạnh tranh và chinh phục thị trường toàn cầu.

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, các CEO khởi nghiệp thành đạt, cho rằng, để xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm về khởi nghiệp sáng tạo thì địa phương cần những bước đi đột phá, một hành lang pháp lý phù hợp và chính sách hỗ trợ khởi đầu, tạo bệ phóng cho các dự án khởi nghiệp chạm đến thành công. Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech cho rằng, không thể có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đột phá nếu chỉ có các hành lang pháp lý truyền thống. Trên thực tế, nhiều khía cạnh của khởi nghiệp vẫn chưa được đề cập trong luật pháp hiện hành của Việt Nam, điển hình như quỹ đầu tư mạo hiểm, cơ chế thu hút nhân lực khởi nghiệp. Điều quan trọng là các dự án khởi nghiệp phải tập hợp đồng bộ các phương thức kinh doanh phù hợp với năng lực đặc thù của doanh nghiệp, có thể đem lại tăng trưởng và sinh lời. Với những nghiên cứu sát thực tế, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng, trở ngại lớn nhất trong phát triển khởi nghiệp hiện nay chính là tư duy phải có khuôn khổ pháp lý trước rồi mới làm. Trong khi thực tế, việc đổi mới, sáng tạo thuộc về tư duy, không nên bị hạn chế bởi các bộ máy hành chính. Để đạt được những kỳ vọng như mong muốn, Đà Nẵng nên xây dựng thành vùng thí điểm để áp dụng các chính sách mới phù hợp nhất.

Theo PGS, TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), trong hoạt động đào tạo tri thức, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên cần có sự liên kết, phối hợp giữa các trường đại học và các đối tác doanh nghiệp để có thể phát huy tiềm năng, thế mạnh. Ngoài hỗ trợ kinh phí cho các dự án khởi nghiệp, trường đã kết nối với Quỹ đầu tư khởi nghiệp Vintech City và Dự án Vi2W để hỗ trợ cho Câu lạc bộ Khởi nghiệp và Không gian sáng chế của sinh viên và giảng viên trẻ. Nhà trường luôn ủng hộ, đánh giá cao tiềm năng sinh viên, tìm kiếm nhiều dự án, đối tác doanh nghiệp và đã triển khai đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên, giúp sinh viên sớm đưa các nghiên cứu, sáng tạo ứng dụng trong thực tiễn.

Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm về khởi nghiệp sáng tạo của khu vực, bắt đầu từ những kết quả của các dự án khởi nghiệp thành công. Khởi nghiệp để kiến tạo là thông điệp được Đà Nẵng chọn lựa, truyền đi cảm hứng khởi nghiệp cho giới trẻ, cộng đồng doanh nghiệp tại Đà Nẵng và khu vực miền trung. Với những nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của địa phương, trong tương lai gần, Đà Nẵng sẽ là điểm đến khởi nghiệp hấp dẫn, thu hút, liên kết các nguồn lực, các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và quốc tế.