Vỏ sao Hỏa có thể đã hút hết nước của hành tinh

NDO -

Hàng tỷ năm trước, sao Hỏa có sông và biển, nhưng tất cả đều biến mất từ đó. Hành tinh này có thể bị khô cạn sau khi lớp vỏ của nó hút hầu hết lượng nước xưa kia theo một cách không thể phục hồi.

Hình ảnh bề mặt sao Hỏa được chụp bởi tàu thám hiểm của NASA Curiosity. Ảnh: NASA.
Hình ảnh bề mặt sao Hỏa được chụp bởi tàu thám hiểm của NASA Curiosity. Ảnh: NASA.

Nhiều nghiên cứu cho rằng sao Hỏa mất nước đồng thời với mất bầu khí quyển, do nước bốc hơi và thoát ra ngoài không gian. Tuy nhiên, cơ chế đó không thể giải thích cho việc thất thoát nước trên lớp vỏ được cho là đã xảy ra trên sao Hỏa.

Nhà nghiên cứu địa chất cổ đại Eva Scheller, Viện Công nghệ California và các đồng nghiệp của cô đã so sánh các mô phỏng về quá trình mất nước với các quan sát từ tàu thám hiểm Curiosity của NASA và các phân tích về thiên thạch từ sao Hỏa để cố gắng tìm hiểu điều gì đã xảy ra với phần nước còn lại của hành tinh Đỏ.

Cô Scheller đã trình bày công trình này tại Hội nghị khoa học trực tuyến về Hành tinh và mặt trăng vào ngày 16-3.

Theo mô hình của Scheller và nhóm của cô, sao Hỏa bắt đầu với lượng nước đủ để bao phủ toàn bộ bề mặt trong một đại dương sâu ít nhất 100 mét và trở nên khô cằn như hiện nay vào khoảng 3 tỷ năm trước. Trong các mô phỏng phù hợp với các quan sát về hóa học trên sao Hỏa, có từ 30 đến 99% lượng nước đã được vỏ hành tinh hút lên và kết hợp vào cấu trúc phân tử của khoáng chất, không bị mất vào không gian.

Có bằng chứng về quá trình này trong các quan sát về các khoáng chất chứa nước trên khắp bề mặt sao Hỏa.

Giáo sư Bethany Ehlmann, Viện Công nghệ California cho biết: “Chúng tôi nhận thấy thực tế là nước từng có trên bề mặt sao Hỏa đã bị hút vào lớp vỏ”.

Nếu đúng như các nhà khoa học kết luận, có nghĩa là bề mặt sao Hỏa có thể bị mất nhiều nước hơn chúng ta đã suy đoán trước đây. Nói cách khác, sao Hỏa có thể từng ẩm ướt hơn chúng ta tưởng.