Virus SARS-CoV-2 có khả năng bị phát tán khi nói

NDO -

NDĐT – Trong không gian kín, một giọt bắn được tạo ra khi nói vẫn lơ lửng trong không khí hơn mười phút, một nghiên cứu được công bố hôm thứ Tư, 13-5, cho biết.

Hình ảnh qua kính hiển vi điện tử cho thấy virus SARS-CoV-2 (màu vàng) được phân lập từ một bệnh nhân, nổi lên từ bề mặt tế bào (màu xanh / hồng) được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Ảnh: NIAID-RML.
Hình ảnh qua kính hiển vi điện tử cho thấy virus SARS-CoV-2 (màu vàng) được phân lập từ một bệnh nhân, nổi lên từ bề mặt tế bào (màu xanh / hồng) được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Ảnh: NIAID-RML.

Điều này cho thấy việc nói chuyện có khả năng lan truyền dịch Covid-19.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Bệnh thận Quốc gia Mỹ (NIDDK) đã thử nghiệm cho một người lặp lại lớn tiếng cụm từ "Giữ sức khỏe" trong 25 giây vào một chiếc hộp kín. Sau đó, họ chiếu tia laser vào hộp để nhìn và đếm giọt bắn.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Science (PNAS) cho thấy, giọt bắn lơ lửng trên không trung bình 12 phút.

Có tính đến nồng độ virus SARS-CoV-2 đã biết trong nước bọt, các nhà khoa học ước tính rằng mỗi phút nói to có thể tạo ra hơn 1.000 giọt chứa virus, và chúng có khả năng tồn tại trong không khí từ tám phút trở lên trong không gian kín.

Các nhà nghiên cứu kết luận: "Hình dung trực tiếp này cho thấy cách nói chuyện bình thường tạo ra các giọt bắn trong không khí có thể lơ lửng trong hàng chục phút hoặc lâu hơn và có khả năng truyền bệnh trong không gian hạn chế".

Trước đó, vào tháng 4, nhóm nghiên cứu này đã công bố trên Tạp chí Y học New England về công trình nghiên cứu cho thấy việc nói ít hơn sẽ tạo ra ít giọt bắn hơn.

Nếu mức độ lây nhiễm của Covid-19 thông qua lời nói được xác nhận, nó có thể giúp tăng cường cơ sở khoa học cho các khuyến nghị đeo khẩu trang ở nhiều quốc gia và giúp giải thích sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2.