Vật liệu xây không nung giúp tiết kiệm đất nông nghiệp

Từ nguyên liệu sẵn có tại tỉnh Khánh Hòa như: Ðá bán phong hóa lẫn đất đồi, xỉ than,... nhóm nghiên cứu của Công ty cổ phần Vật liệu mới Asia 96 (Khánh Hòa) đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất vật liệu xây không nung và cải tiến dây chuyền thiết bị, đưa vào sản xuất thử nghiệm 400.000 viên gạch xây dựng.

Lâu nay, các mỏ khai thác đá thường thải ra đá non bán phong hóa lẫn đất đồi, xỉ than, xà bần... Nguồn chất thải rắn này gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tốn kém chi phí xử lý. Việc phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung giúp tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường. Dự án đã được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nghiệm thu cấp nhà nước.

Ứng dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất nước mắm

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Hà Tĩnh mới đây đã nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ chế biến nước mắm sử dụng năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng khác, rút ngắn thời gian chế biến nước mắm từ 13 tháng theo công nghệ truyền thống xuống còn sáu tháng. Ðiểm đặc biệt của công nghệ này là hệ thống thu, cấp nhiệt thông qua tấm pin năng lượng mặt trời, có tác dụng hấp thụ và tích tụ ánh sáng mặt trời, làm gia tăng nhiệt độ cần thiết cho quá trình lên men của nguyên liệu. Nước tại bể chượp thẩm thấu qua lớp lọc (lưới, sỏi) chảy vào ống lọc, sau đó được bơm lên chảy qua tấm thu nhiệt năng lượng mặt trời để hấp thụ thêm nhiệt và được đẩy vào bể chượp. Giải pháp công nghệ này đã thay thế nhiều công đoạn thủ công trong quá trình sản xuất nước mắm như: Phơi, đảo, lọc... cho nên hạn chế hoàn toàn việc hở nguyên liệu, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất.

"Tái chế" khí carbon dioxide thành nhựa

Nhóm nghiên cứu tại các trường: đại học Toronto (Ca-na-da), đại học California, Berkeley (Mỹ) và Trung tâm Nguồn sáng Canada (CLS) đã thành công trong việc tìm ra các điều kiện lý tưởng để chuyển đổi khí carbon dioxide (CO2) thành ethylene (C2H4). Ethylene được sử dụng để chế tạo polyethylene - loại nhựa phổ biến nhất thế giới. Trọng tâm của thí nghiệm là phản ứng khử của carbon dioxide, giúp chuyển đổi loại khí này thành hàng loạt hợp chất khác nhau. Nhiều kim loại có thể được dùng làm chất xúc tác, nhưng nhóm nghiên cứu đã chọn đồng vì việc sử dụng nó sẽ tạo ra ethylene. Cùng với công nghệ thu giữ carbon, công nghệ biến carbon dioxide thành nhựa sẽ góp phần giảm khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu.