Triển vọng của kỹ thuật ghép tạng ở nước ta

Các GS. TS Học viện quân y đến thăm tặng quà gia đình cháu Diệp nhân Tết Bính Tuất 2006.
Các GS. TS Học viện quân y đến thăm tặng quà gia đình cháu Diệp nhân Tết Bính Tuất 2006.

Một ngày giáp Tết Bính Tuất, chúng tôi theo đoàn cán bộ lãnh đạo Học viện quân y về xã Hải Minh, huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) thăm cháu Nguyễn Thị Diệp, người đầu tiên được ghép gan ở nước ta cách đây gần hai năm.

Hơn ba tiếng đồng hồ xuất phát từ Hà Đông, xe chúng tôi về đến Cầu Ngói của xã, đã thấy ông Được (ông nội của cháu) và cháu Diệp đứng chờ. Thật khó tưởng tượng, trước mắt chúng tôi là một khuôn mặt tươi tắn, nhanh nhẹn hoàn toàn khác xa với bé Diệp tong teo, thiếu sức sống khi lên bàn mổ để ghép gan vào sáng ngày 31-1-2004, tại phòng mổ đặc biệt, Viện bỏng quốc gia (Học viện quân y).

Căn nhà ngói lát gạch hoa rộng hàng trăm m2, nằm trên khu vườn diện tích hơn một sào của vợ chồng anh Nguyễn Quốc Phòng (bố, mẹ cháu Diệp) đông vui, ấm áp hẳn lên bởi sự quan tâm, phấn khởi của các cán bộ Học viện đối với gia đình. Thiếu tướng GS.TS Phạm Gia Khánh, Giám đốc Học viện quân y, các đại tá PGS.TS Lê Bách Quang, Đỗ Tất Cường ân cần hỏi thăm chuyện sức khỏe, học hành của cháu, nhắc nhở gia đình thực hiện chế độ uống thuốc cho cháu Diệp hằng ngày theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Ngồi đối diện, tôi chen vào:

- Mỗi bữa cháu ăn được mấy bát cơm, uống thuốc có đều không?

- Dạ, cháu ăn hai bát mỗi bữa, còn thuốc thì uống một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối ạ.

- Hết học kỳ I, cháu được xếp loại gì?

- Cháu được cô giáo xếp loại Giỏi.

Ông Được cho biết thêm, trước đây hôm thì bố cháu, hôm thì ông đưa cháu đi học nhưng cách đây vài tháng, cháu đã tự đi xe đạp đến trường cách nhà hơn 3km. Quay sang anh Phòng (bố cháu - người cho gan), tôi hỏi:

- Dạo này, sức khỏe của anh thế nào?

- Em ăn uống bình thường, thỉnh thoảng thời tiết thay đổi, có cảm giác hơi mệt nên chỉ làm các việc nhẹ nhàng thôi. Em cũng hy vọng dần dần sức khỏe sẽ hồi phục khá hơn. Chị Hoa, vợ anh đứng cạnh xen vào, cũng may nhà em khá lên, nên vừa rồi chúng em có thêm "thằng cu" đã hơn một tháng.

Rời Hải Hậu, Nam Định chúng tôi về Bệnh viện nhi T.Ư, thăm cháu Hoàng Anh Tuấn (14 tuổi) người thứ hai được ghép gan ngày 2-7-2005. Được về nhà ở Hòa Bình từ giữa tháng 10-2005, lần này cháu Tuấn trở lại bệnh viện để các bác sĩ kiểm tra chức năng gan và xử lý hiện tượng đau dạ dày mới xuất hiện. Hỏi chuyện chị Phạm Thị Đông (mẹ cháu) chị cho biết: Từ ngày được về nhà, ngoài việc ăn cơm, uống sữa, gia đình hàng ngày cho cháu uống gần 10 loại thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bây giờ thì trông cháu đã khá hơn nhiều vì trước khi lên bàn mổ cả nhà tưởng cháu không qua khỏi nhưng nay trọng lượng cơ thể đã tăng lên 30kg, hằng ngày cháu vẫn đọc truyện, chơi "games". Tôi đến bên cháu hỏi: chắc Tuấn nhớ trường, nhớ lớp lắm nhỉ?. Cháu mỉm cười và mở to đôi mắt: cháu chỉ muốn mau khỏe để được đến trường học tập với các bạn thôi.

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư sau kiểm tra cho cháu lần này, các chỉ số về chức năng gan, men gan tiến triển tốt, chúng tôi sẽ giảm dần các loại thuốc. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn có trách nhiệm tiếp tục theo dõi, kiểm tra định kỳ và hỗ trợ lâu dài thuốc chống thải ghép cho cháu; riêng bố cháu, anh Hoàng Văn Thanh (người cho gan) ngoài việc ăn uống, bồi dưỡng, thỉnh thoảng vẫn phải xuống kiểm tra theo yêu cầu của bệnh viện.

Trao đổi với chúng tôi về triển vọng của kỹ thuật chuyên sâu ghép tạng, trong đó có ghép gan, GS.TS Phạm Gia Khánh cho biết: mười ba năm qua, chúng ta đã thực hiện ghép tạng được hơn 160 trường hợp (trong đó có ba ca ghép gan), kỹ thuật này đã được triển khai ở chín cơ sở y học trong cả nước. Đến nay, tuy còn thiếu trang thiết bị chuyên dụng, và thực hiện một ca ghép tạng là rất phức tạp, công phu, nhưng về chuyên môn kỹ thuật chúng ta đã làm chủ được nhất là kỹ thuật ghép thận.

Cái khó nhất lâu nay vẫn là nguồn cho thận, cho gan quá khan hiếm, ngay Học viện quân y và một số bệnh viện lớn trong cả nước muốn làm thêm một số ca ghép gan nhưng ngặt nỗi nhu cầu người ghép thì lớn mà người cho gan khó tìm. Sắp tới, nếu dự án Luật "Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người" được Quốc hội thông qua, đồng thời có sự thay đổi trong chính sách bảo hiểm y tế một cách phù hợp, chắc chắn sẽ tạo điều kiện cho lĩnh vực chuyên sâu ghép tạng, trong đó có ghép gan, ghép tim phát triển lên một bước mới...