Thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Những năm qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) xác định doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo (ÐMST), trong đó, chú trọng đổi mới công nghệ để tăng năng suất, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, quốc gia. Các chính sách, pháp luật về KH và CN đã tập trung thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất.

Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử thông minh tại Nhà máy Vinsmart.
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử thông minh tại Nhà máy Vinsmart.

Kinh nghiệm của Hàn Quốc - một nước mất 40 năm để vươn lên thành một nền kinh tế tiên tiến thông qua công nghiệp hóa cho thấy, thành công một phần là nhờ chính sách đã thiết lập được hệ thống đổi mới, với vai trò doanh nghiệp làm trung tâm. Cũng theo xu hướng đó, những năm qua, các chính sách của Việt Nam đã chuyển hướng để đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống ÐMST quốc gia. Các chính sách, pháp luật về KH và CN cần thể hiện được tư duy coi doanh nghiệp là đối tác chiến lược và trung tâm của hệ thống ÐMST quốc gia. Bộ KH và CN đã áp dụng các đối sách linh hoạt, phù hợp loại hình và quy mô doanh nghiệp khác nhau. Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quan tâm hỗ trợ các dự án đổi mới, cải tiến công nghệ, giúp doanh nghiệp làm chủ, hoàn thiện công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Ðối với các doanh nghiệp quy mô lớn, hỗ trợ để triển khai các nhiệm vụ KH và CN phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển các công nghệ ứng dụng vào các dự án kinh tế - kỹ thuật lớn, như: Cơ khí đóng tàu, chế tạo các tổ hợp phát thủy điện, truyền dẫn điện (Nhiệt điện Quảng Ninh, Phả Lại, Thủy điện Sơn La, nhà máy thủy điện nhỏ và vừa), hỗ trợ thăm dò khai thác dầu khí, chế tạo thiết bị cho nhà máy xi-măng theo công nghệ lò quay, sản xuất vắc-xin, tạo giống và nuôi thương phẩm các loài thủy sản giá trị cao...

Ðáng chú ý, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 có hơn 50 dự án đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực khác nhau, theo hình thức doanh nghiệp chủ trì, hợp tác với viện nghiên cứu, trường đại học hoặc tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để đổi mới công nghệ. Các dự án này đã có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và ngành kinh tế. Ngoài ra, Bộ KH và CN đã chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin, tư vấn lựa chọn công nghệ, chuyển giao công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ, tiêu chuẩn và chất lượng,... Vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động nghiên cứu và ÐMST ngày càng trở nên quan trọng, nhất là trong khâu đưa kết quả nghiên cứu từ phòng thí nghiệm ra thị trường, tạo thành sản phẩm, dịch vụ mới và giá trị gia tăng cho xã hội. Nhận thức rõ điều này, Bộ KH và CN đã đẩy mạnh cơ chế hợp tác công - tư, khuyến khích huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, nhờ vậy, số lượng và tổng kinh phí trích lập Quỹ phát triển KH và CN của doanh nghiệp đã được gia tăng trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, theo Cục Thông tin KH và CN quốc gia, việc ÐMST trong doanh nghiệp chưa mạnh. Số doanh nghiệp có hoạt động ÐMST còn ít là do ÐMST còn khá mới mẻ tại Việt Nam; nhận thức của doanh nghiệp về ÐMST chưa đầy đủ, nhiều doanh nghiệp chưa thấy được tác dụng, ý nghĩa, sự cần thiết phải ÐMST. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ gặp khó khăn khi đổi mới công nghệ do nguồn lực tài chính hạn chế. Ngoài ra, một số bất cập trong chính sách cũng ảnh hưởng đến hoạt động ÐMST của doanh nghiệp, như: chính sách khuyến khích trích lập và sử dụng quỹ phát triển KH và CN của doanh nghiệp; chính sách, thủ tục tiếp cận ưu đãi thuế, đất đai, tín dụng...

Đổi mới sáng tạo đòi hỏi đổi mới khuôn khổ pháp luật để ngày càng thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp. Từ kết quả ÐMST tại doanh nghiệp thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách để tiếp tục đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống ÐMST. Nhiều chính sách ưu đãi thuế cần được nghiên cứu, bổ sung, như: Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo thu nhập tính trên các sản phẩm là kết quả của hoạt động KH và CN và ÐMST, các khoản thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ là các sáng chế, giải pháp hữu ích; ưu đãi thuế xuất, nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng, máy móc thiết bị nhập khẩu để lắp ráp thành máy móc phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ... Bên cạnh đó, hướng dẫn rõ các nội dung chi của Quỹ phát triển KH và CN của doanh nghiệp, trao quyền tự chủ, tự quyết định sử dụng quỹ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, ÐMST, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án đổi mới công nghệ, ÐMST, nghiên cứu và phát triển thông qua các Chương trình KH và CN quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia...