Thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường

NDO -

NDĐT- Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã có một số cải cách mạnh mẽ, như: Cắt giảm hơn 40% thủ tục hành chính; Thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; Tạo môi trường pháp lý góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, sàng lọc các dự án có công nghệ lạc hậu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam…

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Cần thay đổi phương thức quản lý phù hợp với diễn biến thực tiễn

Sáng 26-5, tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) (sửa đổi).

Nhấn mạnh việc đã đến lúc cần hình thành đạo luật về BVMT một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ và thống nhất, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong triển khai thực hiện, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Luật BVMT hiện hành chưa tiếp cận và cập nhật kịp với những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn; cách thức quản lý còn mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, chủ yếu dựa vào quy trình, thủ tục, chưa chú trọng quản lý theo mục tiêu và kết quả về BVMT; Bên cạnh đó, vấn đề môi trường không có ranh giới cụ thể nên cần phải được tiếp cận một cách tổng thể, có hệ thống. Luật BVMT đến nay qua hai lần sửa đổi nhưng nhiều nội dung về BVMT vẫn đang được quy định phân tán tại các luật khác nhau.

Bên cạnh đó, môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải. Đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, đặc biệt là sự cố môi trường do Formosa gây ra, đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường đối với các dự án đầu tư lớn, phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19 hiện nay đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề BVMT.

Nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, BVMT đã được ban hành cùng với nhiều cam kết quốc tế có liên quan đến môi trường đã được Việt Nam tham gia (hiệp định CPTPP, EVFTA...) đặt ra yêu cầu cần sớm được thể chế hóa để tạo hành lang pháp lý triển khai thực hiện. Thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ đã đặt ra cơ hội về đổi mới tư duy, cách thức trong quản lý môi trường, định hình các mô hình tăng trưởng mới cũng như những thách thức về sự dịch chuyển công nghệ cũ, ô nhiễm vào nước ta.

Dự thảo Luật đã xác lập khung chính sách nhằm hướng đến việc hình thành đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế-xã hội; đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định các chính sách BVMT khác.

Với vai trò là đạo luật cơ bản về BVMT, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về BVMT có tính nguyên tắc trong mối tương quan với các luật chuyên ngành khác để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Thí dụ như các quy định về đa dạng sinh học, bảo vệ chất lượng nước nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quy hoạch, quan trắc, điều tra cơ bản về đa dạng sinh học, tài nguyên nước; góp phần hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin, kết nối các thành phần môi trường, thể hiện bao quát, đầy đủ bức tranh chung về môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Nhiều cải cách mạnh mẽ

Dự thảo Luật bao gồm 16 chương, 186 điều, với nhiều điểm cải cách mạnh mẽ: Dự thảo Luật đã cắt giảm hơn 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính từ 20-75 ngày. Góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định: Thu hẹp khoảng 20% đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào giấy phép môi trường; Không duy trì chế độ quan trắc môi trường định kỳ đối với doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật về BVMT.

Lần đầu tiên, các quy định rải rác, phân tán về BVMT trong các luật khác được đưa vào dự thảo Luật nhằm đặt nền móng hướng đến một bộ luật thống nhất về môi trường; đưa các chức năng quản lý nhà nước về BVMT đang phân tán ở một số Bộ vào dự thảo Luật nhằm bảo đảm nguyên tắc đồng bộ, thống nhất trong quản lý nhà nước về BVMT; phân công, phân cấp đi đôi với phân quyền; chuyển vai trò của Nhà nước sang vai trò trung tâm của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân.

Cũng lần đầu tiên đưa chính sách môi trường của Việt Nam hài hòa tiệm cận với pháp luật quốc tế; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA, EVIPA, CPTPP, ...; góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, sàng lọc các dự án có công nghệ lạc hậu đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chủ động vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong cạnh tranh thương mại toàn cầu.

Đáng chú ý, về nội dung đánh giá tác động môi trường, dự thảo Luật thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường chỉ bao gồm những dự án đầu tư sử dụng diện tích đất, mặt nước lớn và có ảnh hưởng xấu đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và những dự án có phát sinh chất thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Giao Chính phủ quy định những trường hợp được miễn đánh giá tác động môi trường để ứng phó trong tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa.

Tại Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đánh giá về nội dung đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, Ủy ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cao những đổi mới về phương thức, công cụ quản lý môi trường trong dự thảo Luật, thể hiện vai trò kiến tạo của Nhà nước, trong đó có nội dung về cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, tán thành việc tích hợp nhiều nội dung cấp phép riêng lẻ vào giấy phép môi trường (GPMT), nhưng đề nghị cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực một phần, tước quyền sử dụng, thu hồi hoặc cấp lại GPMT; việc thẩm định cấp GPMT, thời điểm cấp GPMT nhằm bảo đảm tính thống nhất với pháp luật về đầu tư, xây dựng; xem xét việc bổ sung quy định thời hạn tối thiểu của GPMT.

Ủy ban Khoa họcv- Công nghệ và Môi trường của Quốc hội lưu ý có nhiều nội dung về quản lý nhà nước trong BVMT nằm rải rác ở nhiều chương, điều khác nhau, cần xem xét kỹ nội dung để bảo đảm tính đồng bộ giữa yêu cầu và trách nhiệm QLNN về BVMT, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót trách nhiệm. Đề nghị xem xét kỹ thanh tra, kiểm tra đột xuất để phù hợp với Luật Thanh tra, tránh tình trạng áp dụng tùy tiện gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.

Theo Báo cáo thẩm tra, một số ý kiến cho rằng, có sự khác nhau của dự thảo Luật với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nhất là việc mở rộng chủ thể có quyền xử phạt; quy định sử dụng 50% tiền thu được từ xử phạt để lại cho cơ quan, tổ chức thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm về BVMT trên địa bàn quản lý… cần cân nhắc thêm...