Tạo thuận lợi cho cán bộ khoa học trẻ

Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chế độ, chính sách ưu đãi để các nhà khoa học, nhất là nhà khoa học trẻ có môi trường làm việc tốt hơn. Số lượng các đề tài do cán bộ trẻ làm chủ nhiệm hằng năm nhiều hơn, kinh phí được cấp đáp ứng cơ bản việc triển khai nghiên cứu. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số cán bộ khoa học trẻ ở nhiều cơ quan nghiên cứu, trường đại học chưa nắm bắt được các lợi thế để vươn lên trong công việc.

Đến nay, nhiều công trình khoa học tầm vóc do các nhà khoa học trẻ chủ trì đã mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội cho đất nước. Với trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin, các nhà khoa học trẻ có rất nhiều thuận lợi để tiếp cận những thành quả khoa học tiên tiến của thế giới, các hướng nghiên cứu mới và thể hiện năng lực của mình thông qua nhiều công trình khoa học được công bố quốc tế. Nhiều nhà khoa học trẻ đã trưởng thành, kế tục lớp đàn anh đi trước. Thí dụ, Giải thưởng Tạ Quang Bửu do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN) tổ chức hằng năm đã tôn vinh nhiều nhà khoa học có thành tựu nổi bật trong nghiên cứu cơ bản lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật là minh chứng cụ thể. Tính đến năm 2020, giải thưởng này đã trao cho 20 nhà khoa học ở các trường đại học và viện nghiên cứu, trong đó có bốn nhà khoa học trẻ được nhận giải thưởng trẻ. 

Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực KH và CN hiện vẫn gặp nhiều thách thức bởi số lượng nhà khoa học có kinh nghiệm, trình độ cao ngày một giảm và hầu hết đã lớn tuổi, trong khi đội ngũ kế cận chưa kịp bổ sung. Trao đổi thêm về vấn đề này, PGS, TS Bùi Xuân Đính, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ: Nếu tính bình quân 10 năm là một thế hệ thì có thể chia đội ngũ cán bộ khoa học (khoa học tự nhiên và công nghệ, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn) đang làm việc tại các viện nghiên cứu, trường đại học ở nước ta hiện nay thành năm nhóm: Thế hệ sinh những năm 50, 60, 70, 80 và 90 của thế kỷ trước. Trong đó những người sinh trong giai đoạn từ thập kỷ 50 đến đầu năm 1960 coi như đã hoàn thành nhiệm vụ, chuẩn bị nhường chỗ cho lớp trẻ. Song thực tế cho thấy, ở phần lớn các cơ sở nghiên cứu, trường đại học, một số ngành nghiên cứu cơ bản, chuyên môn đặc thù có quá ít các cán bộ khoa học sinh nửa sau thập niên 60, đầu thập niên 70, một số ngành không tuyển được sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh. Điều này phản ánh sự thiếu hụt đội ngũ kế cận, ảnh hưởng chất lượng và tính liên tục của chuyên ngành. Mặt khác, một số cán bộ trẻ ở nhiều cơ quan nghiên cứu, trường đại học không nắm bắt các lợi thế để vươn lên trong công việc. Họ ỷ lại vào việc đã “có chỗ đứng” trong cơ quan là “yên tâm với viên chức suốt đời”, nên không tích cực phấn đấu. Một số cán bộ trẻ sau khi có học vị, học hàm, danh hiệu đã “dừng lại”, hay làm việc “cầm chừng”, số lượng và chất lượng các sản phẩm khoa học không tương xứng với các danh vị họ có; xa rời chuyên môn, không thường xuyên quan tâm đến đào tạo cán bộ kế cận. Một phần khác thì làm việc mang tính đối phó, không làm hết trách nhiệm của bản thân, lười suy nghĩ, tận dụng công nghệ thông tin, rút tài liệu trên mạng để “biến báo” thành “ý tưởng” khoa học của mình. Nhiều cán bộ trẻ lãng phí thời gian, không chịu đọc tài liệu, tranh thủ cập nhật thông tin, bổ sung kiến thức, học kinh nghiệm làm việc của các thế hệ đi trước, dẫn đến việc số lượng và chất lượng sản phẩm khoa học mà đội ngũ cán bộ trẻ tạo ra không được như mong đợi. Một cán bộ có thâm niên công tác ở một cơ quan nghiên cứu tâm sự, không thể đòi hỏi các cán bộ trẻ phải làm việc đạt năng suất, chất lượng ở mức tuyệt đối, vì khoa học cần phải có quá trình lao động và tích lũy. Song, dễ dàng nhận thấy nhiều nhà khoa học trẻ hiện nay đang thiếu hoài bão, khát vọng vươn lên đỉnh cao trong khoa học.

Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để các nhà khoa học đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công việc, cần tiếp tục có các chế độ, chính sách ưu đãi, tạo được “ngọn lửa đam mê” trong mỗi người làm khoa học, thông qua các định mức sát thực, bảo đảm tính đặc thù, đánh giá nghiêm túc sản phẩm hữu ích, để phân loại và chọn lọc bồi dưỡng người có năng lực thành cán bộ giỏi, đồng thời có công cụ để không lựa chọn, đào tạo và đưa ra khỏi bộ máy những người không có năng lực, thiếu trách nhiệm, ý chí tiến thủ, hoài bão, làm việc không hiệu quả. Trong bối cảnh hiện nay, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh thì việc thu hút, tạo “đất diễn”, sử dụng hiệu quả đội ngũ các nhà khoa học trẻ là hết sức quan trọng. Bên cạnh các chính sách mới của Nhà nước, thì bản thân nhà khoa học trẻ cần có hoài bão, ý chí, tích lũy kinh nghiệm kiến thức, tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi để làm việc, không ngừng vươn lên.