Khoa học ngày nay

Tạo chế phẩm tự nhiên từ một số loài rong biển Việt Nam

Trong giai đoạn 2017 - 2018, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam giao đề tài "Nghiên cứu tạo chế phẩm tự nhiên từ một số loài rong biển Việt Nam sử dụng làm mỹ phẩm" cho Viện Công nghệ sinh học chủ trì, với mục đích tạo ra chế phẩm sử dụng làm mặt nạ dưỡng da từ nguồn nguyên liệu rong biển Việt Nam.

Sau hai năm thực hiện, đề tài đã sàng lọc và xác định được điều kiện bảo quản bốn loài rong biển có khả năng nuôi trồng trên quy mô lớn, bảo đảm chất lượng làm nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm. Ðồng thời, xây dựng thành công quy trình tạo chế phẩm mặt nạ dưỡng da từ các loài rong biển Việt Nam.

Máy bay không người lái nhận diện vật cản

Nhóm các nhà nghiên cứu tại Ðại học Maryland (Mỹ) và Ðại học Zurich (Thụy Sĩ) đã biến những chiếc máy bay không người lái (drone) trở nên linh hoạt hơn khi đối diện với chướng ngại vật. Họ đã trang bị cho máy bay không người lái trí tuệ nhân tạo, ca-mê-ra sự kiện và một loại cảm biến tiên tiến. Các nhà khoa học đã ghi lại cảnh chiếc máy bay không người lái né tránh những quả bóng, món đồ chơi và máy bay khác trong 200 lần thử nghiệm, với tỷ lệ thành là 70% đến 86%.

Công nghệ tia la-de tiêu diệt các tế bào ung thư máu

Một nhóm các nhà khoa học từ Ðại học Arkansas (Mỹ) đã thử nghiệm thành công một loại tia la-de có thể tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư hắc tố ác tính mà không cần lấy mẫu xét nghiệm. Công nghệ này sử dụng tia la-de chiếu từ bên ngoài da để đốt nóng các tế bào bị bệnh, sau đó sử dụng kỹ thuật siêu âm để dò những sóng nhỏ phát ra từ hiệu ứng đốt nóng, qua đó giúp phát hiện và tiêu diệt các tế bào bị bệnh. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm chiếu tia la-de vào cánh tay của 47 tình nguyện viên, trong đó có 19 người khỏe mạnh và 28 người bệnh có khối u ác tính. Kết quả, trong vòng 10 giây đến 60 phút, công nghệ này có thể xác định các tế bào ung thư ở 27 trong số 28 người bệnh. Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể cải thiện công nghệ để dò tìm những khối u gây ra bởi những căn bệnh ung thư khác.