Tám quốc gia ký Hiệp ước Artemis về quy tắc khám phá mặt trăng

NDO -

Ngày 13-10, Mỹ và bảy quốc gia đối tác đã ký Hiệp ước Artemis của NASA về các quy tắc để khám phá mặt trăng, trong đó có quy định không gây chiến hoặc xả rác trên bề mặt mặt trăng.

Bức tranh mô tả về các phi hành gia đi bộ trên mặt trăng trong chương trình Artemis của NASA. Ảnh: NASA.
Bức tranh mô tả về các phi hành gia đi bộ trên mặt trăng trong chương trình Artemis của NASA. Ảnh: NASA.

Thông báo của NASA cho biết, tám quốc gia gồm Mỹ, Australia, Canada, Italy, Nhật Bản, Luxembourg, Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất và Anh đã ký thỏa thuận Artemis, trong đó quy định 10 nguyên tắc để điều chỉnh hành vi của các quốc gia tham gia sứ mệnh lên mặt trăng vào năm 2024. Nga và Trung Quốc không tham gia ký Hiệp ước này.

Quản trị viên NASA Jim Bridenstine cho biết, ông hy vọng sẽ có thêm nhiều quốc gia tham gia nỗ lực đưa các phi hành gia trở lại mặt trăng vào năm 2024.

Bridenstine nói: “Artemis là chương trình khám phá không gian nhân loại quốc tế rộng lớn và đa dạng nhất trong lịch sử, và Hiệp ước Artemis là phương tiện sẽ thiết lập liên minh toàn cầu”.

Tám quốc gia ký Hiệp ước Artemis về quy tắc khám phá mặt trăng -0
Tám quốc gia gồm Mỹ, Australia, Canada, Italy, Nhật Bản, Luxembourg, Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất và Anh đã ký thỏa thuận Artemis. 

“Với việc ký kết ngày hôm nay, chúng tôi đang hợp nhất với các đối tác của mình để khám phá mặt trăng và đang thiết lập các nguyên tắc quan trọng sẽ tạo ra một tương lai an toàn, hòa bình và thịnh vượng trong không gian cho cả nhân loại”, Quản trị viên NASA tuyên bố.

Theo ông Bridenstine, mặc dù một số quốc gia coi đây là kế hoạch cho chiến tranh, nhưng theo NASA, đây là liên minh lớn nhất cho chương trình bay vào vũ trụ của con người trong lịch sử và dự kiến ​​sẽ mở đường cho các chuyến thám hiểm sao Hỏa sau này.

Giám đốc phụ trách các mối quan hệ quốc tế và liên ngành của NASA Mike Gold lưu ý: "Thông báo này là khởi đầu, không phải là kết thúc cho các quốc gia tham gia Hiệp ước".

Tám quốc gia ký Hiệp ước Artemis về quy tắc khám phá mặt trăng -0
Phi hành gia người Mỹ Buzz Aldrin mang theo các module để khám phá mặt trăng. Bức ảnh chụp ngày 20-7-1969 này do NASA cung cấp.

Hiệp ước Artemis có 10 quy tắc với mục tiêu chính là mọi người khám phá vũ trụ trong hòa bình. Thỏa thuận này cấm các hành vi làm gián đoạn việc khám phá bề mặt mặt trăng, như hành vi đánh nhau và xả rác.

Một quy tắc bổ sung là không được phép giữ bí mật với các vật thể được đưa lên mặt trăng, những thứ xuất hiện trên mặt trăng phải được xác định và đăng ký.

Các quốc gia sáng lập cho rằng đây là sự hợp tác của các quốc gia và tất cả các thành viên phải chung tay trong các trường hợp khẩn cấp bảo vệ phi hành gia.

Hiệp ước Artemis cũng quy định, những công nghệ trên hệ thống không gian phải phổ biến để thiết bị của các quốc gia đều tương thích và dữ liệu khoa học phải được chia sẻ.

Các quốc gia cũng phải đồng ý bảo vệ các di sản và hiện vật không gian, thu thập tài nguyên theo các thỏa thuận quốc tế, tránh can thiệp có hại vào các sứ mệnh khác và xử lý bất kỳ mảnh vỡ hoặc tàu vũ trụ nào một cách có trách nhiệm.

NASA muốn bảo đảm rằng các di tích lịch sử từ những ngày đầu của tàu vũ trụ khám phá mặt trăng, như địa điểm hạ cánh của tàu Apollo và tàu vũ trụ Luna 2 của Nga, vật thể đầu tiên do con người tạo ra trên mặt trăng, được bảo vệ khỏi sự phá hủy.

NASA cho biết: “Bảo vệ các di tích lịch sử và hiện vật trong không gian cũng quan trọng như ở trên Trái đất. Do đó, theo các thỏa thuận của Hiệp ước Artemis, NASA và các quốc gia đối tác sẽ cam kết bảo vệ các địa điểm và hiện vật có giá trị lịch sử”.

Tám quốc gia ký Hiệp ước Artemis về quy tắc khám phá mặt trăng -0
Sau khi có thỏa thuận Artemis mới, Hiệp ước Không gian vũ trụ năm 1967 vẫn còn hiệu lực. Ảnh: NASA.

NASA lưu ý rằng, Hiệp ước Không gian vũ trụ năm 1967 vẫn còn hiệu lực, nhưng Hiệp ước Artemis mới được xây dựng trên khung pháp lý để giúp củng cố mối quan hệ hòa bình trên mặt trăng và hơn thế nữa.

Hiệp ước Không gian vũ trụ năm 1967 bao gồm 17 nguyên tắc được tạo ra để bảo đảm sự công bằng và các mối quan hệ hòa bình vào thời điểm con người lần đầu tiên khám phá vũ trụ.

Thỏa thuận này cấm vũ khí hủy diệt hàng loạt ngoài không gian, cấm các hoạt động quân sự trên các thiên thể và nêu chi tiết các quy tắc ràng buộc pháp lý quản lý việc thăm dò và sử dụng không gian một cách hòa bình. Khoảng 105 quốc gia được đưa vào Hiệp ước 1967 và 26 quốc gia đã ký nó nhưng vẫn chưa hoàn thành việc phê chuẩn.

NASA nói rằng Hiệp ước Artemis mới sẽ không thay thế Hiệp ước 1967, nhưng sẽ mở rộng nó với các nguyên tắc chi tiết hơn cho các quốc gia được thiết lập để đóng vai trò trong sứ mệnh lên mặt trăng năm 2024.