Sinh viên xây dựng hệ thống bài giảng tương tác trực tuyến công nghệ cao

NDO -

Từ những bất cập đa chiều trong thực tế, Võ Nguyễn Đình Trí và một nhóm bạn trẻ đã triển khai hiệu quả một công trình hứa hẹn mở ra hướng đi mới cho việc học trực tuyến, đồng thời đặt nền móng cho một hệ thống cơ sở dữ liệu giáo án thông minh, công nghệ cao, tăng cường hiệu quả nền giáo dục nước nhà.

Võ Nguyễn Đình Trí (thứ hai từ trái sang) cùng các đồng tác giả của REBO. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Võ Nguyễn Đình Trí (thứ hai từ trái sang) cùng các đồng tác giả của REBO. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Xuất phát từ lòng ham học

Trong những ngày đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua, các thầy cô giáo và sinh viên, học sinh cả nước đã buộc phải làm quen với hình thức học trực tuyến. Bản thân đang ngồi ghế giảng đường, Võ Nguyễn Đình Trí đã nhận thấy phương pháp học tập này thực tế còn bất cập, chưa được hiệu quả như mong đợi.

Vốn là một nhà sáng tạo trẻ năng động, từng giành nhiều giải thưởng tin học, công nghệ, kỹ thuật mà mới đây nhất là công trình "Sách sinh học lớp 10 ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường" giành giải cao nhất của Cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2019 do T.Ư Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long triển khai, Trí cùng một nhóm bạn đã bắt tay vào khảo sát tình trạng trên.

Kết quả thu thập ý kiến đánh giá từ hơn 200 giáo viên và học sinh tại Thủ đô Hà Nội, TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Nam và một số tỉnh, thành phố khác cho thấy, việc sử dụng các giác quan khi học mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều so với thụ động lắng nghe bài giảng trực tuyến.

"Theo khảo sát, các nền tảng họp video trực tuyến chưa tạo được sự tương tác cần thiết để người học thật sự tập trung vào bài giảng. Ở chiều hướng ngược lại, giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn trong đánh giá năng lực, mức độ hiểu bài của sinh viên, học sinh", Võ Nguyễn Đình Trí cho biết.

Cũng từ cách tiếp cận nói trên, nhóm bạn trẻ đã tìm ra nguyên nhân của các bất cập trong việc học trực tuyến, bao gồm: giáo viên gặp khó khi soạn giáo án học trực tuyến, khiến chất lượng giáo án giảm sút, bài giảng không hấp dẫn được người học; giáo viên không kiểm soát được sự tập trung của sinh viên, học sinh; tính tương tác, sự giao tiếp giữa người dạy và người học quá thấp.

Hướng tới một hệ thống bài giảng công nghệ cao

"Yếu tố quan trọng nhất có thể tăng cường tương tác giữa người dạy và người học chính là thu hút sự chú ý vào bài giảng. Muốn nâng cao sự chú ý đó, bài giảng buộc phải trở nên sinh động thông qua các phương pháp tích hợp công nghệ cao", Võ Nguyễn Đình Trí lý giải.

Chàng trai SN 2001 nhanh chóng nghiên cứu nên tạo thư viện bài giảng tham khảo với khả năng tự cập nhật và phân loại; tích hợp kho dữ liệu hình ảnh 2D, mô hình 3D công nghệ thực tế ảo tăng cường vào bài giảng; tìm cách áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), tạo nên ứng dụng "Nền tảng xây dựng bài giảng tương tác trực tuyến lý tưởng dành cho giáo viên và học sinh - REBO".

Sinh viên xây dựng hệ thống bài giảng tương tác trực tuyến công nghệ cao -0
 Công cụ soạn giáo án sinh động, dễ hiểu của REBO.

Những "nguyên liệu" cần thiết để thu hút sự chú ý vào bài giảng đã có, nhưng làm thế nào để người học không có cảm giác bị bó buộc? Vấn đề này được nhóm tác giả trẻ của REBO giải quyết bằng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm, tự luận tích hợp ngay trong bài giảng.

"Giáo viên có quyền đặt những câu hỏi tương tác trong khi tiết học đang diễn ra. Nếu không thật tập trung, học sinh sẽ không thể trả lời tốt những câu hỏi này. Từ đó, giáo viên có thể kiểm soát tốt tình hình lớp học, tránh việc xao nhãng; đồng thời, lập tức đánh giá được khả năng tiếp thu của học sinh", Trí cho hay.

Được biết, hiện REBO đã được hoàn thiện hơn 80%  với bốn chức năng nổi bật: công cụ, phương pháp giáo dục phù hợp, cả học trực tuyến và tập trung; hệ thống câu hỏi tương tác phong phú tích hợp vào bài giảng; khả năng đánh giá tại chỗ năng lực người học; công nghệ thực tế ảo tăng cường sinh động, trực quan.

Trưởng nhóm tác giả REBO Võ Nguyễn Đình Trí chia sẻ: "Mục đích cuối cùng của tụi em là một thư viện bài giảng cao cấp, không chỉ qua các giờ học mà ngay khi về nhà, sinh viên và học sinh vẫn có thể tự trau dồi thêm. Thông qua mạng lưới REBO, giáo viên có thể soạn, chia sẻ các giáo án hay từ bất cứ đâu trên thế giới, tạo nên một kho tàng kiến thức khổng lồ, giá trị”.

Sinh viên xây dựng hệ thống bài giảng tương tác trực tuyến công nghệ cao -0
 Giao diện trả lời câu hỏi trắc nghiệm tương tác trong giờ học của REBO.

Võ Nguyễn Đình Trí hiện là sinh viên Trường đại học FPT Đà Nẵng. Năm học lớp 10, Trí lọt top 15 Cuộc thi "Young Maker Việt Nam" với sản phẩm "Máy hấp thu năng lượng gió và mặt trời".

Lớp 11, Trí tham gia cuộc thi "Ươm mầm khởi nghiệp" với sản phẩm "Thùng rác thông minh".

Lên lớp 12, sản phẩm "Sách sinh học lớp 10 ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường" của Trí và một số bạn trẻ khác đã giành giải nhất tại cuộc thi “Tin học trẻ TP Đà Nẵng”, đồng thời đoạt giải xuất sắc cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2019.

Công trình REBO của Trí hiện tiếp tục là ứng viên sáng giá tại cuộc thi "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2020.