Phát hiện hơi nước ở một hành tinh ngoài hệ mặt trời

NDO -

NDĐT – Lần đầu tiên các nhà khoa học đã phát hiện ra nước trong bầu khí quyển của một hành tinh giống trái đất đang quay quanh một ngôi sao xa xôi, bằng chứng cho thấy thành phần quan trọng cho sự sống tồn tại ở ngoài hệ mặt trời của chúng ta. Nghiên cứu mới này được công bố ngày 11-9.

Bức do NASA công bố ngày 11-9-2019 cho thấy hành tinh K2-18b và một hành tinh đi kèm (Ảnh: Reuters)
Bức do NASA công bố ngày 11-9-2019 cho thấy hành tinh K2-18b và một hành tinh đi kèm (Ảnh: Reuters)

Các nhà khoa học đã phát hiện ra hơi nước trong bầu khí quyển của hành tinh K2-18b, một trong hàng trăm “siêu trái đất” – những hành tinh có kích thước khác nhau giữa kích thước của trái đất và sao Hải vương - được ghi nhận trong một lĩnh vực thiên văn học mới đang phát triển nhằm khám phá những hành tinh ngoài hệ mặt trời ở một nơi nào đó trong dải ngân hà.

Cho đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện được hơn 4.000 hành tinh ngoài hệ mặt trời ở tất cả các dạng và kích thước khác nhau.

Phát hiện mới nhất về hơi nước này được đưa ra trong một nghiên cứu của nhóm nhà khoa học tại Đại học Collega London (UCL), công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.

“Chúng tôi đã tìm thấy nước”, nhà vật lý thiên văn Ingo Waldmann của UCL nói về khám phá mang tính đột phá này khi thực hiện quan sát và phân tích ánh sáng được lọc qua bầu khí quyển của hành tinh K2-18b bằng Kính viễn vọng Không gian Hubble.

Chính xác hơn, phát hiện này là sự đánh dấu lần đầu tiên các nhà khoa học đã tìm thấy nước trong bầu khí quyển chung quanh một “siêu trái đất” quay quanh một ngôi sao trong “vùng tồn tại” của nó, là khoảng cách phù hợp để nước ở dạng lỏng có thể tồn tại trên bề mặt.

Nhà thiên văn học Angelos Tsiaras cho biết, nhóm nghiên cứu đang tập trung sự chú ý xác định các hành tinh ngoài hệ mặt trời có các điều kiện tương tự như trái đất. Tuy nhiên, việc này không phải để tìm kiếm một nơi con người có thể di chuyển đến, mà vẫn chỉ là nghiên cứu khoa học. Nhà thiên văn học Tsiaras cho hay, hành tinh K2-18b quay quanh một ngôi sao nhỏ trong chòm sao Leo nằm cách trái đất 100 năm ánh sáng.

Trong khi ánh sáng từ mặt trời mất vài phút để tới được trái đất, thì ánh sáng từ hành tinh K2-18b mất một thế kỷ để tới được hành tinh của chúng ta, “do đó việc tới hành tinh này là điều không thể”, ông nhấn mạnh.

Ngoài khoảng cách quá xa với trái đất, hành tinh K2-18b có khả năng tiếp xúc với bức xạ nhiều hơn nhiều so với trái đất, làm giảm triển vọng cho sự sống phát triển ở đó.

Song, khám phá này đang đưa các nhà thiên văn học gần hơn tới câu trả lời của câu hỏi cơ bản về tính đơn nhất của trái đất trong vũ trụ này.