Những cột mốc chinh phục vũ trụ trong năm 2021

NDO -

Với những người ưa thích khám phá vũ trụ, năm 2021 có một số cột mốc quan trọng để mong đợi. Từ những chuyến bay đầu tiên, những vụ phóng được chờ đợi từ lâu, đến những bước đi đầu tiên tạo nên lịch sử ngành vũ trụ của thế giới... là một số sự kiện lớn nhất sắp diễn ra trong năm nay.

Tàu thăm dò Hope của UAE được phóng vào tháng 7-2020. Ảnh: Getty Images.
Tàu thăm dò Hope của UAE được phóng vào tháng 7-2020. Ảnh: Getty Images.

Cao điểm chinh phục hành tinh Đỏ vào tháng 2

Những cột mốc chinh phục vũ trụ trong năm 2021 -0
 Hình minh họa của một nghệ sĩ về tàu đổ bộ trên sao Hỏa. Ảnh: NASA / JPL-Caltech

Vào năm 2020, ba quốc gia đã phóng tàu vũ trụ lên sao Hỏa và hiện nay, ba nhiệm vụ riêng biệt này đang trên đường đến hành tinh Đỏ.

Theo dự kiến, vào ngày 9-2, tàu thăm dò Hope của Các tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) sẽ đến và bắt đầu quay quanh sao Hỏa để nghiên cứu bầu khí quyển và thời tiết của hành tinh này.

Vài ngày sau, dự kiến ngày 11-2, tàu khám phá sao Hỏa Thiên Vấn-1 của Trung Quốc sẽ đến quỹ đạo của hành tinh Đỏ và bắt đầu tìm địa điểm hạ cánh trước khi đổ bộ tàu thăm dò lên bề mặt vài tháng sau đó. Nhiệm vụ của tàu Thiên Vấn-1 bao gồm một tàu quỹ đạo sẽ lập bản đồ bề mặt và nghiên cứu bầu khí quyển, và một tàu thăm dò sẽ hạ cánh trên bề mặt vào ngày 23-4, thực hiện các phân tích hóa học trên đất và tìm kiếm các dấu hiệu sự sống của sao Hỏa.

Trong khi đó, tàu thám hiểm Perseverance của NASA dự kiến ​​sẽ hạ cánh xuống miệng núi lửa Jezero của sao Hỏa vào ngày 18-2. Tại đó, nó sẽ tiếp tục sứ mệnh của người tiền nhiệm là tàu thám hiểm Curiosity để tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống vi sinh vật cổ đại. Trong một kế hoạch đầy tham vọng, tàu Perseverance mang theo một máy bay không người lái thử nghiệm và sẽ lấy các mẫu đất và đá trên bề mặt sao Hỏa đưa về Trái đất để nghiên cứu.

Phóng kính viễn vọng không gian James Webb sau 25 năm phát triển

Những cột mốc chinh phục vũ trụ trong năm 2021 -0
NASA mở các tấm gương của Kính viễn vọng Không gian James Webb trong một lần thử nghiệm. Ảnh: NASA.

Kính viễn vọng không gian James Webb của NASA nhằm thay thế cho kính viễn vọng Hubble, nhưng đã nhiều lần bị trì hoãn. Lần phóng đầu tiên theo kế hoạch là vào năm 2007. Sau đó, lần cất cánh vào tháng 3-2020 cũng đã bị trì hoãn do đại dịch Covid-19, trong khi ngân sách 500 triệu USD ban đầu đã tăng lên hơn 10 tỷ USD. Kính thiên văn James Webb nhạy cảm hơn Hubble và sau khi hoạt động, nó sẽ có thể quan sát sự hình thành của một số thiên hà đầu tiên. Dự kiến, nó sẽ được phóng trên tên lửa Ariane 5 của châu Âu vào ngày 31-10 tới.

Sau 25 năm phát triển và nhiều lần trì hoãn, kính viễn vọng James Webb sẽ thăm dò bầu trời trong ánh sáng hồng ngoại, quan sát sâu hơn vào không gian và quay ngược thời gian xa hơn bất kỳ kính viễn vọng nào trước đó. Hy vọng nó sẽ phát hiện ra ánh sáng từ thế hệ sao đầu tiên, hơn 13 tỷ năm trước, cũng như xem các thiên hà ban đầu hình thành và phát triển như thế nào.

Gần hơn một chút, kính viễn vọng này cũng sẽ nghiên cứu nhiều ngoại hành tinh đã được phát hiện trong những năm gần đây, gồm cả việc tìm kiếm các phân tử chỉ ra sự hiện diện của sự sống trong khí quyển của các hành tinh này.

Ấn Độ tiếp tục chinh phục mặt trăng

Những cột mốc chinh phục vũ trụ trong năm 2021 -0
 Điểm va chạm của tàu đổ bộ Vikram có thể được nhìn thấy ở trung tâm của bức ảnh. Ảnh: NASA.

Vào tháng 9-2019, tàu đổ bộ mặt trăng Vikram của Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) đã đâm vào bề mặt mặt trăng rồi sau đó bị mất tín hiệu. Trong quý hai năm nay, cơ quan này sẽ tiến hành một nhiệm vụ chinh phục mặt trăng khác.

Sứ mệnh mặt trăng thứ ba mang tên Chandrayaan-3 về cơ bản là một nhiệm vụ lặp lại của Chandrayaan-2 năm 2019, bao gồm cả tàu đổ bộ Vikram. Để ngăn chặn việc mất tín hiệu, tàu đổ bộ mới có cấu hình động cơ khác và có Máy đo vận tốc Doppler Laser (LDV) để giúp tàu đánh giá tốc độ hạ cánh chính xác hơn.

Nhiệm vụ lần này chỉ liên quan đến tàu đổ bộ và tàu thám hiểm, còn tàu quỹ đạo của Chandrayaan-2 vẫn đang hoạt động tốt xung quanh mặt trăng. Nếu thành công, tàu thám hiểm Chandrayaan-3 sẽ khám phá cực nam mặt trăng để tìm bằng chứng về nước.

Nói lời từ biệt với tàu vũ trụ Juno

Những cột mốc chinh phục vũ trụ trong năm 2021 -0
Juno sẽ lao vào sao Mộc khi kết thúc sứ mệnh của nó vào tháng 7-2021. Ảnh: NASA / JPL-Caltech. 

Tàu vũ trụ Juno đã quay quanh sao Mộc từ tháng 7-2016 và sứ mệnh của nó sẽ kết thúc vào tháng 7-2021.

Nhiệm vụ của Juno là đo thành phần, trường hấp dẫn, từ trường và từ quyển địa cực của sao Mộc. Nó cũng sẽ tìm kiếm manh mối về cách hành tinh này hình thành, liệu nó có lõi đá hay không, lượng nước có trong bầu khí quyển…

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tàu vũ trụ Juno sẽ bị hút vào bầu khí quyển của sao Mộc một cách có chủ ý, nói cách khác, NASA sẽ cho Juno đâm vào sao Mộc.

Tất nhiên, NASA có thể cho Juno một “sợi dây cứu sinh” và mở rộng sứ mệnh, giống như đã làm vào năm 2018. Nhưng ở giai đoạn này, có vẻ như đây sẽ là dấu chấm hết. Số phận của Juno sẽ tương tự như tàu thăm dò Cassini đã lao xuống sao Thổ sau khi hoàn thành nhiệm vụ vào năm 2017.

Phóng tàu thăm dò vũ trụ Lucy khám phá các tiểu hành tinh

Những cột mốc chinh phục vũ trụ trong năm 2021 -0
Ấn tượng của một nghệ sĩ về tàu vũ trụ Lucy bay gần một tiểu hành tinh. Ảnh: NASA / JPL-Caltech.

Một tàu vũ trụ khác của NASA mang tên Lucy sẽ được phóng lên vũ trụ vào tháng 10 năm nay trong một hành trình kéo dài 12 năm để thăm tám tiểu hành tinh khác nhau.

Sau một vài thao tác vòng quanh Trái đất, Lucy sẽ lướt qua một tiểu hành tinh ở Vành đai chính vào năm 2025, sau đó mới đến đích thực sự của mình là các tiểu hành tinh Trojan trong vùng không gian xung quanh sao Mộc vào năm 2027.

Tàu sẽ ghé thăm năm tiểu hành tinh Trojan từ năm 2027 đến năm 2028, trước khi quay ngược lại Trái đất trên đường đến thăm hai tiểu hành tinh khác trong cụm thứ hai vào năm 2033. Sau đó, Lucy có thể tiếp tục bay giữa hai đám mây Trojan cứ sáu năm một lần.

Tiểu hành tinh Trojan về cơ bản là những mảnh vụn còn sót lại từ quá trình hình thành hệ mặt trời, vì vậy hy vọng rằng tàu vũ trụ Lucy có thể làm sáng tỏ lịch sử và sự tiến hóa của hệ mặt trời.

Bước nhảy vọt trở lại mặt trăng của NASA

Những cột mốc chinh phục vũ trụ trong năm 2021 -0
 Hình ảnh của một nghệ sĩ về sứ mệnh mặt trăng Artemis. Ảnh: AP.

Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất khám phá mặt trăng vào năm 2021 mà NASA cũng có một số kế hoạch lớn của riêng mình. Chuyến bay thử nghiệm Artemis I dự định sẽ được phóng vào tháng 11 trên hành trình 25 ngày đi vòng quanh mặt trăng, để chuẩn bị cho các sứ mệnh của con người trong tương lai.

Tàu vũ trụ Orion sẽ được phóng chuyến đầu tiên từ Hệ thống Phóng Không gian (SLS) mới của NASA. Sau đó, nó sẽ cơ động ra khỏi quỹ đạo Trái đất về phía mặt trăng, cuối cùng sà vào vòng quỹ đạo mặt trăng. Nó sẽ ở đó trong sáu ngày, trước khi quay trở lại Trái đất.

Sứ mệnh Artemis I về cơ bản là một cuộc chạy thử nghiệm để bảo đảm hệ thống và kỹ thuật an toàn cho con người. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, sứ mệnh Artemis II sẽ mang theo phi hành đoàn bốn người trong một chuyến hành trình tương tự quanh mặt trăng vào năm 2023. Và năm sau, sứ mệnh Artemis III sẽ đưa con người trở lại bề mặt mặt trăng lần đầu tiên sau 50 năm.

SpaceX tiếp tục thực hiện tham vọng chinh phục vũ trụ

Những cột mốc chinh phục vũ trụ trong năm 2021 -0

Nguyên mẫu Starship SN8 của SpaceX trong chuyến bay thử nghiệm. Ảnh: SpaceX. 

Không nghi ngờ gì nữa, năm 2021 sẽ là một năm quan trọng nữa đối với SpaceX, nhưng chính xác thì những gì nó sẽ nắm giữ là một chút hư vô.

Sau chuyến bay thử nghiệm thành công (và hạ cánh ít thành công hơn) của nguyên mẫu Starship SN8 vào ngày 9-12-2020, gần như ngay lập tức, SpaceX tung ra phiên bản tiếp theo, SN9. Một cuộc thử nghiệm tĩnh đã diễn ra vào ngày 6-1 và chuyến bay thử độ cao tiếp theo có thể diễn ra vào ngày 12-1 tới. Tỷ phú Elon Musk còn cho biết, nguyên mẫu SN10 cũng sẽ hoạt động trong vòng vài tuần tới.

Ông Musk và tập đoàn SpaceX đã bày tỏ hy vọng sẽ phóng Starship vào quỹ đạo Trái đất và quay trở lại vào năm 2021, trước khi đưa nó lên mặt trăng vào năm 2022 và có khả năng là sao Hỏa vào năm 2024. Nhưng vị tỷ phú này vẫn chưa định được ngày phóng, vì vậy đó vẫn là cột mốc chưa chắc chắn trong năm nay.

Trong khi đó, chắc chắn sẽ có nhiều bước tiến khác được thực hiện trong năm nay trên con đường đạt được các mục tiêu cao cả của SpaceX.

Trạm vũ trụ của Trung Quốc

Những cột mốc chinh phục vũ trụ trong năm 2021 -0
 Hình ảnh của một nghệ sĩ về trạm vũ trụ theo kế hoạch của Trung Quốc. Ảnh: CNS.

Module đầu tiên của dự án trạm vũ trụ Trung Quốc đã được lên kế hoạch từ lâu sẽ được khởi động vào nửa đầu năm nay. Việc xây dựng cần mất khoảng hai năm và 18 phi hành gia đã được chọn để lập phi hành đoàn trên phi thuyền được phóng lên trạm vũ trụ cách Trái đất khoảng 240 dặm (380km).

Sứ mệnh đánh dạt các tiểu hành tinh

Những cột mốc chinh phục vũ trụ trong năm 2021 -0
Hình ảnh đồ họa về vụ va chạm của sứ mệnh DART với hệ thống tiểu hành tinh đôi Didymos. Ảnh: Getty Images.

NASA đang thực hiện sứ mệnh không gian mang tên DART, viết tắt từ Double Asteroid Redirection Test (tạm dịch: Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh đôi), còn có nghĩa là phi tiêu, nhằm tìm biện pháp xử lý các tiểu hành tinh có nguy cơ va chạm vào Trái đất.

Vào tháng 7 năm nay, NASA sẽ bắt đầu thực hiện sứ mệnh này. Một tàu thăm dò sẽ được phóng vào không gian với mục đích thăm tiểu hành tinh Didymos vào năm 2022. Hệ thiên thạch Didymos gồm hai thiên thạch Didymos A, đường kính 780 m và Didymos B, đường kính 160 m, được xem là một trong những đối tượng ở gần Trái đất, có nguy cơ va chạm với hành tinh của chúng ta. Tàu vũ trụ DART sẽ va chạm với thiên thạch nhỏ hơn (Didymos B). Hai tàu của châu Âu sẽ theo dõi tác động và ảnh hưởng của nó lên quỹ đạo của tảng đá.