Nhà khoa học tự tái lây nhiễm Covid-19 để nghiên cứu kháng thể

NDO -

Một nhà khoa học người Nga đã tự nhiễm Covid-19 để bị bệnh lần thứ hai. Nghiên cứu về kháng thể sau khi trải qua hai lần mắc bệnh, ông kết luận, hy vọng về khả năng miễn dịch bầy đàn đã bị thổi phồng quá mức.

Trung tâm Nghiên cứu Nhà nước về Virus và Công nghệ Sinh học ở Siberia hiện đang nghiên cứu loại vaccine thứ hai của Nga.
Trung tâm Nghiên cứu Nhà nước về Virus và Công nghệ Sinh học ở Siberia hiện đang nghiên cứu loại vaccine thứ hai của Nga.

Tiến sĩ Alexander Chepurnov, 69 tuổi, Viện Y học Lâm sàng và Thực nghiệm ở Novosibirsk, Nga mắc Covid-19 lần đầu trong một chuyến đi trượt tuyết ở Pháp vào tháng 2.

Sau khi hồi phục sức khỏe trở về nhà ở Siberia mà không cần nhập viện, ông và nhóm của mình tại Viện Y học Lâm sàng và Thực nghiệm ở Novosibirsk đã khởi động một nghiên cứu về kháng thể với virus SARS-CoV-2.

Họ đã nghiên cứu cách hoạt động của các kháng thể, độ mạnh, thời gian kháng thể tồn tại trong cơ thể và nhận thấy kháng thể giảm nhanh chóng.

Ông cho biết: “Đến cuối tháng thứ ba kể từ khi tôi bị mắc Covid-19, các kháng thể không còn được phát hiện”.

Ông quyết định kiểm tra xác suất tái nhiễm. Vì lợi ích của khoa học, Tiến sĩ Chepurnov đã làm “chuột bạch” cố tình tiếp xúc với những bệnh nhân Covid-19 mà không mặc đồ bảo hộ.

Ông nói: “Khả năng phòng vệ của cơ thể tôi đã giảm đúng sáu tháng sau khi tôi bị nhiễm bệnh lần đầu. Dấu hiệu đầu tiên là đau họng”.

Lần bị bệnh thứ hai của ông nghiêm trọng hơn nhiều và ông phải nhập viện. “Trong năm ngày, nhiệt độ của tôi vẫn trên 39 °C. Tôi mất khứu giác, nhận thức về vị giác của tôi thay đổi”, ông cho biết.

Nhà khoa học tự tái lây nhiễm Covid-19 để nghiên cứu kháng thể -0
 
Nhà khoa học tự tái lây nhiễm Covid-19 để nghiên cứu kháng thể -0
 

Tiến sĩ Alexander Chepurnov (ảnh bên trái đang đeo mặt nạ phòng độc và ảnh bên phải đang làm việc tại Viện Y học Lâm sàng và Thực nghiệm ở Novosibirsk, Nga).

Vào ngày thứ sáu, kết quả chụp CT phổi của ông đã thể hiện rõ dấu hiệu bị virus SARS-CoV2 tấn công, và ba ngày sau đó, kết quả chụp X-quang cho thấy ông bị viêm phổi kép.

“Virus biến mất khá nhanh. Sau hai tuần, nó không còn được phát hiện trong mũi, họng của tôi hoặc trong các mẫu xét nghiệm khác”, ông cho biết.

Kết luận của ông dựa trên trường hợp của chính mình là khả năng miễn nhiễm tập thể hoặc bầy đàn là một hy vọng hão huyền.

Virus luôn tồn tại, và mặc dù vaccine có thể cung cấp miễn dịch, nhưng điều này có thể chỉ là tạm thời.

Ông nói: “Chúng ta cần một loại vaccine có thể được sử dụng nhiều lần, loại vaccine tái tổ hợp để tạo phản ứng miễn dịch sẽ không phù hợp”.

“Khi đã tiêm vaccine tái tổ hợp dựa trên công nghệ vectơ adenovirus, chúng ta sẽ không thể tiêm lại vì khả năng miễn dịch chống lại người mang adenovirus sẽ tiếp tục gây nhiễu”, ông cho biết.

Giáo sư, Tiến sĩ Chepurnov trước đây từng làm việc tại Trung tâm Virus và Công nghệ Sinh học Nhà nước ở Siberia, nhà sản xuất vaccine ngừa Covid-19 thứ hai của Nga mang tên EpiVacCorona. Loại vaccine này sẽ yêu cầu tiêm lặp lại để duy trì khả năng miễn dịch.

Dịch Covid-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường