Nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực dược liệu

Anh hùng Lao động, GS, TS Nguyễn Văn Ðàn là nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực dược liệu, hợp chất thiên nhiên; từng giữ nhiều cương vị: Thứ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Quốc hội khóa V, VI, Viện trưởng Viện Dược liệu, Hiệu trưởng Trường đại học Dược Hà Nội… Giáo sư là người góp phần nghiên cứu thành công nhiều loại thuốc từ dược liệu trong nước, nhất là thuốc gây mê clorofoc, ete phục vụ phẫu thuật ở chiến trường. Ông đã qua đời ngày 5-9-2017.

Nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực dược liệu ảnh 1

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ðàn (trong ảnh) sinh năm 1923, tại xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP Hà Nội). Từ năm 1947, GS, TS Nguyễn Văn Ðàn đã trải qua các cương vị công tác, đảm đương nhiều trách nhiệm lãnh đạo như phụ trách Ban nghiên cứu (Viện Nghiên cứu chế tạo dược phẩm quân y), phụ trách phòng thí nghiệm (Trường Quân dược), quản đốc công trường dược phẩm Liên khu I. Trong những năm tháng chiến tranh, địch phong tỏa đường tiếp tế thuốc cho bộ đội. Giáo sư trăn trở phải tìm ra thuốc để giảm đau cho đồng đội bị thương. Khi ấy, tài liệu, sách báo khoa học gần như không có, dụng cụ, dung môi hóa chất vô cùng hạn chế, giáo sư đã tìm cách nghiên cứu các thuốc gây mê clorofoc, ete. Ở trong rừng sâu, từng nồi tôn gò hàn bằng tay, những bình sành, sứ đã trở thành dụng cụ nghiên cứu, giúp làm ra thuốc gây mê, bảo đảm tiêu chuẩn cho phẫu thuật. Thuốc gây mê do giáo sư nghiên cứu đã được sản xuất, góp phần giải quyết vấn đề cấp bách nhất trong phẫu thuật tại chiến trường lúc bấy giờ. Cũng trong thời gian này, giáo sư cùng các đồng nghiệp nghiên cứu được một số sản phẩm từ dược liệu trong nước như mocphin, strychnin, camphe clorofin, các loại tinh dầu tràm, chồi, long nhãn, dầu gấc, các cao thuốc thảo mộc: Trường Sơn, cà độc dược, á phiện; một số hóa chất tinh chế canxi clorua, natri arscnist để pha các thuốc tiêm…

Năm 1950, với những nỗ lực vươn lên của bản thân, GS Nguyễn Văn Ðàn vinh dự được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Việt Nam, tiếp tục được giao làm Trưởng Ban thí nghiệm Cục Quân y, quản đốc xưởng Cục Quân y. Năm 1955, giáo sư được điều động về công tác tại Phòng thí nghiệm Y Viện 108. Năm 1956, giáo sư được cử đi thực tập tại Cộng hòa dân chủ Ðức và trở về công tác tại Viện Tiếp tế và kiểm nghiệm (Cục Quân y). Năm 1960, giáo sư chuyển công tác về Viện Dược liệu (Bộ Y tế) và được cử đi học nghiên cứu sinh tại Ðại học tổng hợp Các-Mác (Cộng hòa dân chủ Ðức). Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, giáo sư trở về Viện Dược liệu tiếp tục công tác và giữ nhiều trọng trách: Trưởng phòng Dược liệu, phó Viện trưởng. Năm 1974, giáo sư được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Dược liệu và là đại biểu Quốc hội khóa V, VI, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế xã hội của Quốc hội. 18 năm công tác tại Viện Dược liệu, giáo sư đã có nhiều công trình khoa học, sáng kiến cải tiến trong lĩnh vực dược liệu như nghiên cứu đưa ra sản xuất Rutin từ rơm lá lúa mạch ba góc, rong mơ chữa bướu cổ, thuốc cầm máu từ cỏ nhọ nồi, thuốc ho Nacotin, nghiên cứu tiêu chuẩn hóa từ một số thuốc nam có giá trị: dầu gấc có Vitamin A, sài đất tiêu độc, núc nác (Nunaxin) chữa dị ứng, thuốc chữa hen trẻ em, chữa bệnh vảy nến, thuốc bổ tinh sâm tam thất, ngũ gia bì chân chim,... giáo sư đã nghiên cứu và đưa ra sản xuất thuốc từ ích mẫu, núc nác, tam thất để phục vụ lâm sàng. Nghiên cứu hóa học thuốc kháng sinh thảo mộc Sâm đại hành, thuốc trợ tim D stroplantin, thuốc chống viêm và thấp khớp từ cây mía dò chiết ra diosgenin để tổng hợp thuốc nội tiết steroid… góp phần phục vụ kế hoạch phòng bệnh, chữa bệnh. Ông là người luôn giác ngộ và thấm nhuần tinh thần tự lực cánh sinh, tăng cường sử dụng nguyên liệu trong nước, lấy nghiên cứu dược liệu làm chính, đồng thời chú trọng nghiên cứu các mặt khác như: hóa dược, bào chế, dược lý, kiểm nghiệm, bảo quản… giáo sư đã thực hiện phương châm kết hợp đông y với tây y, sử dụng thuốc nam trong phòng bệnh, chữa bệnh, thực hiện khoa học hóa đông y. Ông đã đưa về Việt Nam 75 loài hạt giống thuốc, nghiên cứu và đưa 13 cây thuốc ra trồng đại trà, giúp các địa phương xây dựng 17 trạm dược liệu và nhiều vườn cây thuốc tuyến xã.

Năm 1978, GS Nguyễn Văn Ðàn được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Y tế. Năm 1983 kiêm Hiệu trưởng Trường đại học Dược khoa Hà Nội. Năm 1992, giáo sư là Ủy viên Ban Chỉ đạo quản lý thị trường Trung ương. Giáo sư còn là Trưởng Ban tư vấn chính sách quốc gia về thuốc, Ủy viên Hội đồng biên soạn lịch sử y tế, Phó Chủ tịch Tổng hội Y Dược học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Dược học, Phó Chủ tịch Hội Y học cổ truyền, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân Việt Nam. Giáo sư được giao trọng trách là chủ nhiệm Chương trình khoa học phục vụ phát triển dược liệu và có đóng góp rất lớn để vạch ra đường lối, chủ trương trong công tác phát triển dược liệu, thuốc dược liệu để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, thiếu thuốc chữa bệnh. Giáo sư luôn chăm lo công tác đào tạo, trực tiếp xây dựng đội ngũ cán bộ y tế, là tấm gương sáng về tinh thần học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học, phấn đấu trở thành cán bộ đầu ngành dược liệu. Ở cương vị nào giáo sư cũng luôn giữ phẩm chất trung kiên của người chiến sĩ cách mạng, của một đảng viên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và vinh dự được nhận Huy hiệu 65 năm tuổi Ðảng. GS, TS Nguyễn Văn Ðàn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Huân chương Ðộc lập hạng nhì, Huân chương lao động hạng nhất, nhì, ba, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, nhì và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, GS, TS Nguyễn Văn Ðàn đã đóng góp rất nhiều cho ngành y dược nói chung, ngành dược liệu nói riêng, song ông vẫn luôn khiêm tốn, coi đó là những đóng góp nhỏ cho xã hội, cho cuộc đời. Những năm tháng cuối đời, vượt lên trên bệnh tật, ông vẫn miệt mài làm việc, trăn trở với sự phát triển ngành dược, nhất là trong công tác phát triển dược liệu. Giáo sư là một trong những cán bộ lão thành của y tế Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho ngành y tế nước nhà và sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

PGS, TSKH NGUYỄN MINH KHỞI

Viện trưởng Viện Dược liệu, Bộ Y tế