Nâng cao nhận thức sở hữu trí tuệ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực

Trong nội dung của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có cam kết về lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT), được cho là sẽ tác động mạnh mẽ, mang đến nhiều cơ hội và thách thức mới. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội thâm nhập vào thị trường tiềm năng, tiếp cận với nguồn máy móc, công nghệ cao, từ đó hình thành chuỗi giá trị mới, nhưng cũng sẽ phải đối phó với không ít sức ép cạnh tranh.

EVFTA được coi là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó chế định về SHTT sẽ có tác động trực tiếp tới thể chế pháp luật và thực thi của Việt Nam. Bởi châu Âu vốn là khu vực xuất khẩu các sản phẩm SHTT, do đó có nhu cầu tăng cường bảo hộ các quyền SHTT, đồng thời cũng có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý. Ngược lại, Việt Nam hiện chỉ sở hữu một số lượng ít sản phẩm SHTT so với các đối tác châu Âu, cho nên rất cần không gian cho phép các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được tiếp cận các sản phẩm SHTT, phục vụ quá trình phát triển kinh tế, xã hội với chi phí thấp nhất.

Vụ trưởng Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) Lương Hoàng Thái cho biết, kể từ khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết: sẽ gia nhập Hiệp định về quyền tác giả, Hiệp ước về biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức SHTT thế giới trong vòng ba năm và thời hạn bảo hộ kéo dài ít nhất 50 năm; thiết lập cơ sở dữ liệu điện tử công khai về các hồ sơ đăng ký nhãn hiệu và cho phép thu hồi nhãn hiệu đã đăng ký nhưng không sử dụng trong vòng ít nhất 5 năm; gia nhập Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp trong vòng hai năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực và bảo hộ kiểu dáng công nghiệp với thời gian ít nhất 15 năm.

Việt Nam cam kết sẽ bảo hộ trên 169 chỉ dẫn địa lý của châu Âu chủ yếu là rượu và thực phẩm với mức độ bảo hộ cao. Ngược lại, phía châu Âu, cũng cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam có liên quan tới nông sản, thực phẩm nổi tiếng, có tiềm năng xuất khẩu như: trà Mộc Châu, cà-phê Buôn Ma Thuột… Ðiều này sẽ tạo điều kiện cho một số sản phẩm đặc trưng của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu tại thị trường châu Âu.

Tuy nhiên, các cam kết về SHTT cũng mang tới những thách thức nhất định cho tổ chức, cá nhân của Việt Nam khi việc chống xâm phạm quyền SHTT sẽ nghiêm minh hơn có thể khiến doanh nghiệp phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát, nhất là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng. Theo Phó Cục trưởng Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) Lê Ngọc Lâm, do mức bảo hộ cao sẽ dẫn tới khả năng tiếp cận sản phẩm trí tuệ được bảo hộ hạn chế hơn. Chế độ bảo hộ chặt chẽ cũng khiến cho giá thành sản phẩm, công nghệ đắt hơn, ảnh hưởng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Ngoài ra, với cơ chế thực thi nghiêm khắc, doanh nghiệp nếu không nhận thức rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình sẽ chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH và CN), những cam kết cụ thể về mức độ bảo hộ và thực thi quyền SHTT trong Hiệp định EVFTA nhằm bảo đảm cho doanh nghiệp của hai bên được hưởng sự bảo hộ cao nhất. Ðiều này sẽ tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp hai bên, tạo động lực thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ cao trong nông nghiệp, công nghiệp chế biến, sản xuất hàng nông sản, thực phẩm; công nghệ năng lượng điện tái tạo, dược phẩm, chế tạo thiết bị máy móc… từ châu Âu vào Việt Nam.

Bộ trưởng KH và CN Chu Ngọc Anh cho biết, thời gian tới, khi các cam kết về SHTT trong EVFTA có hiệu lực, việc thi hành các nghĩa vụ sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể xác lập và bảo vệ thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo. Ðiều này sẽ có nhiều tác động tích cực đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài cũng như thương mại của Việt Nam. Bên cạnh đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, môi trường kinh doanh ngày càng tốt hơn, trong đó có sự tin tưởng ngày càng cao của các đối tác nước ngoài về việc bảo hộ các tài sản trí tuệ tại Việt Nam, sẽ thu hút được các nguồn vốn FDI chất lượng cao, với trình độ công nghệ tiên tiến. Ðây là cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp nhận chuyển giao các công nghệ tiên tiến từ châu Âu, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp. Mặt khác, Hiệp định EVFTA sẽ mang lại nhiều cơ hội tiếp cận thị trường các nước châu Âu, nhưng để khai thác được thị trường rộng lớn này, các doanh nghiệp cần nắm vững và đáp ứng các quy định về bảo hộ, khai thác, thực thi quyền sở hữu các tài sản trí tuệ và các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại của châu Âu. Ðiều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú trọng nâng cao nhận thức về lĩnh vực SHTT cũng như không ngừng đổi mới sáng tạo, cải thiện năng lực công nghệ nội tại và năng lực hấp thụ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.

Ngày 22-8-2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030, trong đó bao gồm nhiều giải pháp nhằm đưa Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu ASEAN về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT vào năm 2030. Tất cả sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp mới có thể đứng vững khi bước ra thế giới, tham gia "cuộc chơi" chung toàn cầu.