Một công trình nghiên cứu về vắt

Vắt và cách di chuyển.
Vắt và cách di chuyển.

Vào Cát Tiên, khám phá bí ẩn về vắt

“Chúng tôi đã cố gắng truy tìm trên internet với gần 100 website chuyên ngành và 1.800 trang web về bộ Đỉa (Hirudinae), nhưng hầu như vẫn rất thiếu thông tin đáng chú ý về con vắt (Heamadipsa).” - Thạc sĩ Phan Kim Ngọc kể. Do đó, anh đã quyết định khăn gói vào rừng Cát Tiên bám trụ để khám phá những bí ẩn trong hoạt động của vắt...

Ở Việt Nam, có ba loài vắt: Vắt xanh (hay vắt lá), vắt đen và vắt vàng. Vắt xanh thường sống ở các tỉnh trung du và miền núi phía bắc, nhất là ở vùng bắc dãy Trường Sơn. Hai loài sau thường thấy ở khu vực miền trung - Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Vắt là con vật nhỏ, trọng lượng trung bình khoảng hơn 100mg, dài cỡ 3-5cm, có giác bám ở đầu và đuôi. Cấu tạo của cơ thể vắt khá hoàn chỉnh, với miệng, thực quản, dạ dày, ruột, hậu môn. Chúng di chuyển bằng cách “co đi, co lại” thân mình với 33 đốt sống. Lúc nghỉ ngơi, vắt co lại, dài cỡ 2-3 cm. Tới khi di chuyển, cơ thể chúng lại dài gấp đôi.

Vắt không chịu được lạnh. Chúng chỉ thích hợp ở nhiệt độ 24-28oC. Đem dìm vắt vào môi trường có nhiệt độ dưới 100oC, vắt chết ngay. Còn khi nhiệt độ môi trường ở mức 34-35oC, vắt phản ứng dữ dội.  

Vắt rất háu ăn. Mỗi lần hút máu, chúng có thể hút một lượng máu lớn gấp tám đến mười lần trọng lượng cơ thể. Một con vắt có trọng lượng khoảng 100mg có thể hút tới… 1000mg máu. Điều kỳ lạ là mỗi khi “ăn” xong, chúng để “thức ăn” được tiêu hóa dần trong cơ thể thậm chí trong nhiều tháng nhưng cơ thể vẫn phát triển bình thường. Tương tự như đỉa, máu không bị đông trong dạ dày vắt do một chất chống đông có trong cơ thể của chúng, gọi là chất Hirudin.

Người ta đã biết Hirudin có công thức hóa học là C30H60O20N8 nhưng nguồn gốc của chất này trong đỉa và vắt thì các nhà khoa học vẫn chưa rõ. Có người cho rằng đây là một chất tiết của hệ tế bào xoang ở đỉa và vắt, nhưng có người đã tìm cách chứng minh Hirudin là sản phẩm của một loại vi khuẩn sống ký sinh trong hệ tiêu hóa của vắt…

Ngoài vấn đề này, trong khuôn khổ của một luận án thạc sĩ, tác giả Phan Kim Ngọc còn để ngỏ vấn đề sau: Liệu ngoài máu ra, vắt còn sử dụng nguồn thức ăn nào khác?

Riêng vấn đề vắt hút máu người và các loài vật khác như thế nào, tác giả Phan Kim Ngọc đã nghiên cứu khá kỹ. Miệng vắt có các gờ răng cứa đứt da người hay vật mà nó bám được vào để hút máu. Máu được hút vào xoang miệng, qua hầu vào dạ dày. Nhờ có nhiều cặp túi dạ dày nên vắt có thể hút lượng máu lớn gấp chục lần trọng lượng của nó. Như ta đã biết, trong dạ dày vắt luôn có sẵn chất Hirudin để chống đông máu nên vì thế, vắt có thể nhẩn nha thưởng thức món máu tươi dự trữ trong nhiều tháng liền. Chỉ khi tiêu thụ hết lượng máu này, vắt mới đi tìm mồi khác để hút máu. Trung bình phải mất đến hơn một giờ (khoảng 70 phút), vắt mới hút được no máu. Con càng nhỏ, thời gian hút máu càng dài...


Giải phẫu hệ thần kinh của vắt.

Đáng nể là những giác bám của vắt, nhất là những giác bám sau. Một khi đã bám vào con mồi, chúng bám dai đến mức gà cũng không thể dùng mỏ để kéo bứt ra một con vắt đang hút máu dưới bụng mình. Trong phòng thí nghiệm, người ta cho vắt bám vào một vật cứng và dùng một cọng kẽm mềm hoặc sợi chỉ luồn qua thân vắt rồi nối với cân lò xo để đo xem vắt chịu được lực như thế nào. Kết quả: Khi bị kéo căng ra, vắt chịu được một lực kéo trung bình 164,2g. Cá biệt, có con chịu được lực kéo tới 280g!

Vắt di chuyển ra sao với các đốt sống của mình? Các nhà khoa học quan sát thấy vắt có bốn kiểu di chuyển là trườn, di chuyển không đều, di chuyển đều và… "chạy". Bình thường, vắt trườn hoặc di chuyển đều với tốc độ 3-5cm/phút. Nhưng khi đánh hơi thấy mồi, phần đầu của vắt rung liên tục về mọi phía và đổi hướng đi, gọi là trạng thái “di chuyển không đều”. Còn khi bị tấn công, vắt chuyển sang… "chạy", với tốc độ lên đến 120-180cm/phút.

Vắt rất "khôn". Chúng thường sống tập trung rình mồi ở những nơi có đường mòn, lạch nhỏ có nhiều người hoặc thú qua lại. Chúng cũng hay “phục kích” ở các hốc cây, hố trũng - nơi thú hay ẩn nấp hoặc làm tổ đẻ. Vắt thường đi tìm mồi vào giấc 5-8 giờ sáng hoặc từ 17-19 giờ tối. Lúc trời mưa lớn, vắt thường "bám trụ" đâu đó để tránh bị nước cuốn trôi. Thế nhưng sau cơn mưa, vắt bủa ra rất nhiều.

Để thử tài đánh hơi của vắt, các nhà khoa học đã đánh dấu hai nhóm vắt bằng mực xanh và mực đỏ rồi buộc một con gà lại để nhử vắt. Hai nhóm xanh và đỏ được để cách gà 15m và 25m nhưng cả hai nhóm này đều lần tìm tới được mục tiêu.

Một tiềm năng còn chưa khai phá

Vắt là sinh vật lưỡng tính, có cả cơ quan sinh dục đực và cái trên cùng một cơ thể. Tuy vậy, điều thú vị là chúng vẫn giao phối với nhau theo tư thế đứng. Chúng thường “vờn” nhau từ 2-5 phút rồi đứng sát lại bằng giác sau và áp hai thân lại với nhau...

Thời gian giao phối của vắt có thể kéo dài trong thời gian từ 8-15 phút. Sau đó, vắt sinh con. Cần 90 ngày để một con vắt non phát triển từ giai đoạn sơ sinh đến trưởng thành. Trong luận án của mình, tác giả Phan Kim Ngọc đã thử… nuôi vắt để nghiên cứu trong một bể nuôi. Để vắt không chạy trốn được, anh phải xát nước xà phòng phía ngoài của bể, hoặc phải nuôi trong bể ngăn bằng một bể nước khác phía ngoài, do cả xà phòng và nước đều khiến vắt sợ.

Thuộc họ Đỉa nên vắt có những điểm giống đỉa: Cơ thể chúng có chứa nhiều chất quý giá có thể dùng làm thuốc. Đó là chất Orgelase hyaluronidase, một chất kháng sinh mạnh có ở phần trước của đỉa và vắt, gây phân giải chất nhờn. Một loài vi khuẩn có tên là Aeromonas hydrophila sống ký sinh trong ruột đỉa, vắt cũng tiết ra một chất kháng sinh mạnh, điều trị hiệu quả nhiều loại bệnh nhiễm trùng như uốn ván, viêm màng não.

Ngoài ra, trong cơ thể đỉa, vắt còn có chất Hemetin có công dụng cao trong điều trị các chứng bệnh nghẽn mạch máu. Đặc biệt, hai chất antistasin và ghilatin trong đỉa, vắt có khả năng ngăn chặn sự hình thành di căn của các khối u trong các chứng bệnh ung thư.

Mặc dù vậy, theo thạc sĩ Phan Kim Ngọc, các loài vắt ở Đông Nam Á tới nay vẫn chưa được nghiên cứu nhiều. Chỉ có hai nhà khoa học của Tiệp Khắc (cũ) có thu được một số mẫu vật sống ở rừng Cát Tiên vào năm 1989, nhưng chúng đều thuộc nhóm dưới nước. Trong khi đó, vắt thuộc nhóm sống trên cạn! Trong thực tế, vào năm 1987, ở Anh có một trại chuyên nuôi đỉa với sức cung cấp mỗi năm khoảng 80.000 con để phục vụ cho y học và các nghiên cứu khoa học. Do đó, việc nghiên cứu đỉa, vắt không chỉ thuần túy là nghiên cứu khoa học mà còn có tiềm năng ứng dụng lớn vào cuộc sống, kể cả mang lại hiệu quả kinh tế.